Các chăm sóc thiết yếu cho trẻ ngay sau khi vừa ra đời

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Việc chăm sóc trẻ sơ sinh ngay sau khi vừa ra đời đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của bé sau này. Thực hiện đúng khuyến nghị áp dụng các bước chăm sóc trẻ ngay sau sinh là phương pháp đảm bảo tốt nhất cho sức khỏe của trẻ.

1. Cách chăm sóc thiết yếu cho trẻ ngay sau khi ra đời

Các bước chăm sóc thiết yếu cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh là:

  • Lau khô cho trẻ bằng khăn sạch, quan sát trẻ trong khi lau khô;
  • Cho trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ (đặt trẻ lên bụng mẹ ngay sau khi sinh);
  • Giữ ấm cho bé để tránh tình trạng mất nhiệt;
  • Kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn ngừng đập hoặc 1 - 3 phút sau khi thai sổ), kẹp và cắt dây rốn 1 thì;
  • Hỗ trợ cho trẻ bú sớm trong giờ đầu tiên sau sinh và bú mẹ hoàn toàn.

2. Chi tiết về các phương pháp chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu khi vừa ra đời

2.1 Da kề ra ngay sau khi sinh

Ngay từ những phút đầu sau khi sinh, nên cho trẻ tiếp xúc da kề da với mẹ. Việc này giúp tăng sự tương tác sớm giữa mẹ và con, giúp bé không bị hạ thân nhiệt, bé sớm tìm vú mẹ và bú mẹ khỏe hơn. Đồng thời, việc này còn giúp sản phụ giảm lo lắng, giảm sự đau đớn khi vừa sinh con.


Trẻ nên được kề da với mẹ ngay sau khi sinh
Trẻ nên được kề da với mẹ ngay sau khi sinh

Trẻ được tiếp xúc trực tiếp da kề da với mẹ ngay sau khi ra đời thường ít khóc hơn so với trẻ được nhân viên y tế chăm sóc. Đồng thời, các bà mẹ cũng cảm thấy việc cho con bú dễ dàng hơn trong những tháng đầu sau sinh, thời gian cho bú lâu hơn và bé cũng gần gũi với mẹ hơn.

2.2 Kẹp rốn cho trẻ sơ sinh và cắt dây rốn muộn một thì

Nghiên cứu về sinh lý ở trẻ sơ sinh cho thấy: Trong phút đầu tiên sau sinh, lượng máu truyền từ bánh nhau sang trẻ được khoảng 80ml và có thể lên tới 100ml trong vòng 3 phút sau khi sinh. Lượng máu này sẽ cung cấp một lượng sắt tương đương 40 - 50mg/kg cân nặng của trẻ, cùng với lượng sắt của cơ thể là khoảng 75mg/kg cân nặng, giúp trẻ đủ tháng ngăn ngừa được tình trạng thiếu máu thiếu sắt trong năm đầu đời. Đồng thời, việc kẹp rốn trẻ sơ sinh đúng thời điểm cũng giúp trẻ sinh non tháng không bị thiếu máu, giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.

Vì vậy, nên kẹp cắt dây rốn muộn, tốt nhất là thực hiện khi dây rốn ngừng đập hoặc 1 - 3 phút sau khi sổ thai cho tất cả các trường hợp đẻ thường nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng thiếu máu của trẻ. Chỉ thực hiện kẹp cắt dây rốn sớm (trước 1 phút) nếu trẻ bị ngạt cần hồi sức tích cực hoặc các trường hợp sản phụ cần cấp cứu sản khoa.


Thực hiện kẹp dây rốn sau khoảng 1-3 phút khi đẻ thường
Thực hiện kẹp dây rốn sau khoảng 1-3 phút khi đẻ thường

Cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong giờ đầu tiên sau sinh, đồng thời không cho trẻ ăn thêm bất kỳ một loại thực phẩm nào khác. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời, sau đó tiếp tục cho bé bú mẹ, kết hợp bổ sung thêm các loại thực phẩm thích hợp khác cho tới khi trẻ đủ 2 tuổi hoặc lâu hơn tùy từng trường hợp.

Việc cho trẻ bú mẹ sớm và bú mẹ hoàn toàn giúp ngăn ngừa được nguy cơ tử vong ở trẻ do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu vì đây là nguồn cung cấp dưỡng chất cần thiết và thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh. Ngoài ra, cho trẻ bú sớm còn kích thích tuyến yên của bà mẹ tăng tiết oxytocin, giúp tử cung co tốt hơn, phòng ngừa băng huyết sau sinh. Đồng thời, động tác bú của bé giúp kích thích tuyến vú của người mẹ tạo sữa nên việc cho trẻ bú sớm và thường xuyên sẽ giúp người mẹ mau có sữa.

Một số lưu ý khi cho trẻ bú mẹ:

  • Tư thế cho bú: Cần chọn tư thế phù hợp để cả mẹ và bé đều thoải mái. Có thể cho bé bú ở tư thế ngồi hoặc nằm;
  • Nên cho trẻ bú hết sữa ở một bên vú, khi bé chưa no thì cho bú tiếp bên vú còn lại;

Nên chọn tư thế bú thoải mái nhất cho cả mẹ và bé
Nên chọn tư thế bú thoải mái nhất cho cả mẹ và bé
  • Cho trẻ bú mẹ theo nhu cầu, khi trẻ đòi bú; cho bú cả ngày lẫn đêm và thường trẻ bú mẹ sau khoảng 2 - 3 giờ, mỗi lần 15 - 30 phút;
  • Nên cho bé ợ hơi sau bú để tránh tình trạng bé bị chướng hơi, khó chịu và nôn trớ;
  • Trường hợp không nên cho trẻ bú mẹ: Người mẹ bị HIV trong giai đoạn AIDS, người mẹ bị bệnh quá nặng trong giai đoạn quá suy kiệt hoặc người mẹ bị viêm gan siêu vi B trong giai đoạn tiến triển cấp - có nguy cơ cao lây bệnh cho trẻ qua sữa mẹ.

Việc áp dụng đúng quy trình chăm sóc trẻ sơ sinh thiết yếu sẽ giúp bé phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và trí não, gần gũi hơn với mẹ và ít quấy khóc hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe