Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Xét nghiệm creatinin trong máu là một xét nghiệm được thực hiện rất phổ biến, song song cùng với xét nghiệm creatinine trong nước tiểu có ý nghĩa quan trọng, giúp đánh giá và theo dõi chức năng thận.
1. Xét nghiệm creatinin là gì?
Creatine trong cơ thể là chất được tổng hợp ở gan từ arginine và methionine (đối với creatinine nội sinh). Một phần lớn creatinin được duy trì ổn định trong các cơ vân ,có vai trò quan trọng trong việc tạo ra năng lượng ở cơ bắp. Creatinin là sản phẩm thoái biến của creatin trong các cơ của cơ thể, được máu vận chuyển đến thận, thận sẽ lọc bỏ creatinin và đào thải qua nước tiểu. Khoảng 2% lượng creatin của cơ thể được chuyển hóa thành creatinin mỗi ngày trong các cơ nhờ enzyme Creatin - phospho Kinase (CPK) xúc tác. Khối lượng cơ của cơ thể thường được bảo toàn nên lượng creatinin được sản xuất ra hầu như không thay đổi.
Thận là con đường đào thải duy nhất của creatinine do tại thận, creatinin được lọc qua các cầu thận và không được ống thận tái hấp thu nên xét nghiệm creatinin trong máu và nước tiểu giúp đánh giá chức năng thận một cách chính xác.
Lượng creatinin máu bình thường khi chức năng bài tiết của thận diễn ra bình thường. Lượng creatinin trong máu tăng lên bất thường khi khả năng đào thải creatinin ra khỏi cơ thể giảm, đây là dấu hiệu của suy thận hoặc rối loạn chức năng thận.
2. Kết quả xét nghiệm creatinin trong máu như thế nào là bình thường?
Chỉ số creatinin trong máu được đánh giá là bình thường khi thuộc những khoảng giới hạn sau (tùy từng phòng xét nghiệm cũng như hóa chất, trang thiết bị, khoảng tham chiếu của xét nghiệm có thể khác nhau đôi chút):
- Nữ giới: 0.5-1.1 mg/dl hoặc 44-97 μmol/l
- Nam giới: 0.6-1.2 mg/dl hoặc 53-106 μmol/l
- Trẻ vị thành niên: 0.5-1.0 mg/dl hoặc 44-88.4 μmol/l
- Trẻ em: 0.3-0.7 mg/dl hoặc 26.52-61.88 μmol/l
- Trẻ sơ sinh: 0.3-1.2 mg/dl hoặc 26.52-106.08 μmol/l
Khi chỉ số creatinin máu cao hơn khoảng giá trị bình thường, người bệnh có nguy cơ suy thận. Creatin trong máu càng cao thì mức độ suy thận của bệnh nhân càng nặng.
3. Những trường hợp nào cần xét nghiệm creatinin trong máu
Xét nghiệm creatinin trong máu thường được thực hiện như một xét nghiệm thường quy, là một phần trong các xét nghiệm sinh hóa cơ bản. Xét nghiệm này đặc biệt cần thiết khi bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc khi bệnh nhân đang sử dụng các thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Việc thực hiện xét nghiệm creatinin máu thường xuyên hay không sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và nguy cơ tổn thương thận của bệnh nhân.
Xét nghiệm creatinin trong máu cũng được chỉ định khi bệnh nhân đang có những bệnh lý cấp tính hoặc bác sĩ đang nghi ngờ bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận.
4. Creatinin trong máu tăng trong những trường hợp nào?
Creatinin trong máu tăng khi bệnh nhân bị suy thận do bất kể nguyên nhân nào:
- Suy thận do các nguyên nhân trước thận như mất nước làm giảm khối lượng tuần hoàn, mất máu, sốc nhiễm khuẩn, sốc tim,, hẹp động mạch thận ...
- Suy thận do các nguyên nhân tại thận: bệnh lý cao huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cầu thận dẫn đến tổn thương cầu thận, viêm mạch máu thận, viêm thận kẽ, tăng huyết áp, hoại tử ống thận, nhiễm độc thận,, các bệnh lý như tang acid uric, đa u tủy xương, tăng calci máu làm tổn thương ống thận
- Suy thận do các nguyên nhân sau thận: sỏi tiết niệu, tắc niệu đạo, tắc cổ bàng quang (do phì đại tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt,...)
Creatinin trong máu cũng có thể tăng sau một bữa ăn lớn có quá nhiều thịt hoặc bệnh nhân đang sử dụng một số thuốc làm tăng creatinin trong máu như Amphotericin B, Captopril, Acid Ascoric, Trimethoprim, Cephalosporin, Testosteron, Coricoid, Manitol,...Ngoài ra, khi bệnh nhân bị suy giáp, chức năng tuyến giáp giảm có thể ảnh hưởng đến chức năng bài tiết của thận, làm tăng nồng độ creatinin máu.
5. Creatinin trong máu giảm trong những trường hợp nào?
Creatinin trong máu có thể giảm trong các trường hợp như:
- Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng hoặc mắc một số bệnh gây teo mô cơ, khối cơ sẽ giảm theo thời gian, do đó creatinin máu sẽ thấp hơn so với tiêu chuẩn.
- Bệnh nhân sử dụng một số thuốc làm giảm nồng độ creatinin trong máu như: Cimetidin, Cefoxitin, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, Vancomycin, Chlopromazin, marijuana,...
- Máu bị hòa loãng
- Phụ nữ có thai
6. Triệu chứng cơ thể khi lượng creatinin trong máu tăng cao
Creatinin trong máu tăng cao thường do chức năng thận bị rối loạn. Các triệu chứng của suy giảm chức năng thận rất đa dạng. Một số người không có triệu chứng, trong khi một số người khác có các biểu hiện như mệt mỏi và yếu, khó thở, sưng bàn chân và mắt cá chân, buồn nôn, nôn mửa, thay đổi lượng nước tiểu, co giật cơ bắp và chuột rút, ngứa dai dẳng, nấc, ...
Một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng suy giảm chức năng thận bao gồm:
● Mệt mỏi, thiếu tập trung, mất ngủ, chán ăn;
● Sưng, phù ở vùng mặt, bụng, đùi, mắt cá chân;
● Nước tiểu nhiều bọt, có máu hoặc có màu cà phê;
● Giảm lượng nước tiểu;
● Cảm giác nóng rát khi đi tiểu, có dịch tiết bất thường trong khi tiểu, có sự thay đổi về thói quen đi tiểu, tiểu đêm;
● Đau vùng hông lưng, dưới khung sườn, gần vị trí thận;
● Tăng huyết áp;
7. Những điều cần lưu ý khi xét nghiệm creatinin máu
Xét nghiệm creatinin trong máu được thực hiện trên huyết thanh hoặc huyết tương, thường được thực hiện vào buổi sáng. Lượng máu lấy là khoảng 2ml, bệnh nhân không cần phải nhịn ăn trước khi lấy máu làm xét nghiệm. Thời gian để thực hiện xét nghiệm thường là 1 tiếng.
Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm như máu vỡ hồng cầu, sau bữa ăn có chứa lượng lớn protein thể làm giá trị xét nghiệm tăng. Theo nhịp sinh học, lượng creatinin cao nhất vào cuối buổi chiều và thấp nhất lúc 7 giờ sáng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.