Các cấp độ bệnh lý của tuỷ răng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh lý về tủy răng là căn bệnh thường gặp hiện nay. Các bệnh lý của tuỷ răng sẽ khiến người bệnh bị đau răng, nếu để lâu không điều trị sẽ gây mất răng do viêm tủy. Bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh tủy răng cũng như các cấp độ bệnh lý của tuỷ răng, từ đó giúp bản thân phòng ngừa và điều trị một cách hiệu quả nhất bệnh lý này.

1. Tủy răng là gì?

Tủy răng là một tổ chức được cấu tạo bởi các mô liên kết nhiều mạch máu, nằm trong hốc tủy (khoang tủy), bao gồm các mạch máu, bạch mạch và các dây thần kinh.

Mạch máu của tủy răng là mạch máu tận cùng, vào ra hốc tủy bởi lỗ chóp chân răng. Đây là lý do khi bị viêm tủy sẽ dễ bị xung huyết, đè nén khiến người mắc bị đau nhức, thậm chí còn gây ra bị hoại tử.

Tủy răng được bao bọc xung quanh bởi lớp mô cứng - mô ngà cứng và có cấu tạo gồm 2 phần: tủy buồng và hệ thống ống tủy. Tủy răng có chức năng dẫn truyền thần kinh và nuôi dưỡng răng.

2. Tủy răng là bệnh gì? nguyên nhân gây mắc bệnh lý về tuỷ răng

Bệnh lý về tủy răng là căn bệnh thường gặp, thông thường là biểu hiện viêm các thành phần mô học tủy răng bắt nguồn từ biến chứng của sâu răng.

Nguyên nhân chính gây mắc các bệnh lý về tủy răng bao gồm:

  • Do sâu răng: Nếu bị sâu răng không được điều trị đúng cách và kịp thời, đây là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn tồn tại trong miệng lâu ngày sẽ xâm nhập vào răng bị hở tủy qua các lỗ sâu và gây bệnh;
  • Do vi khuẩn: Vi khuẩn đi vào tủy qua ống ngà hoặc qua lỗ chóp chân răng;
  • Viêm tủy do bị viêm nha chu, viêm quanh răng do vi khuẩn gây ra;
  • Mạch máu nuôi tủy răng bị đứt do bị sang chấn vật lý;
  • Bị mòn răng, bị tác động ngoài gây chấn thương làm mẻ hoặc chấn thương mạnh làm vỡ răng;
  • Sự thay đổi đột ngột của áp suất môi trường xung quanh;
  • Người bệnh bị nhiễm độc hóa chất như chì, thủy ngân.

Bệnh tủy răng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra
Bệnh tủy răng do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra

3. Các cấp độ bệnh lý của tuỷ răng

Bệnh liên quan tới tủy răng được phân chia thành các cấp độ bệnh lý từ cấp độ nhẹ tới nặng.

3.1 Cấp độ 1: Viêm tủy có hồi phục

Viêm tủy răng có hồi phục là dạng bệnh tủy răng ở mức độ nhẹ nhất là do tình trạng sâu răng không được phát hiện và điều trị kịp thời gây ra.

Thông thường người bệnh bị viêm tủy răng ở cấp độ có hồi phục không có bất kỳ biểu hiện đặc trưng nào. Nếu có thì chỉ là cảm giác răng nhạy cảm khi gặp các tác nhân kích thích khi ăn phải đồ lạnh hoặc nóng, ăn chua, cảm giác răng bị ê buốt tuy nhiên không kéo dài. Những biểu hiện này sẽ biến mất ngay khi không còn kích thích.

Thực tế khi người mắc viêm tủy răng do mức độ nhẹ, không có triệu chứng nhiều nên thường bị bỏ qua. Người bệnh chỉ khi có cảm giác đau thì mới đi khám và đến lúc phát hiện khi viêm tủy đã tiến triển đến giai đoạn nặng hơn.

3.2 Cấp độ 2: Viêm tủy không hồi phục

Viêm tủy răng không hồi phục được chia thành hai dạng là không đau hoặc đau. Ở dạng đau của viêm tủy răng không hồi phục, người bệnh có thể thấy xuất hiện các cơn đau tủy điển hình như:

  • Cơn đau buốt răng tự nhiên;
  • Cơn đau lan nửa mặt và đau nửa đầu cùng bên;
  • Đau thành vùng, không xác định chính xác được vị trí răng bị đau;
  • Cơn đau có thể chỉ trong vài phút hoặc có thể kéo dài hàng giờ;
  • Cơn đau diễn biến nặng khi thay đổi tư thế hoặc có kích thích nóng/lạnh.

Đối với thể không đau của viêm tủy răng không hồi phục có thể phát hiện thông qua khi đi thăm khám lâm sàng, nhìn thấy răng bị hở tủy có hiện tượng lốm đốm vàng, khối màu đỏ sẫm hoặc có lỗ sâu răng.


Viêm tủy không hồi phục có thể gây tình trạng đau đơn theo các mức khác nhau cho người mắc phải
Viêm tủy không hồi phục có thể gây tình trạng đau đơn theo các mức khác nhau cho người mắc phải

3.3 Cấp độ 3: Viêm tủy cấp

Triệu chứng điển hình khi bị viêm tủy cấp bao gồm:

  • Cơn đau tự phát thường xảy ra vào ban đêm và có thể kéo dài;
  • Khi có thức ăn rơi vào lỗ sâu hoặc sự thay đổi nhiệt độ đột ngột gây kích thích cơn đau;
  • Cơn đau âm ỉ liên tục hoặc đau nhói thành từng cơn.

Người bệnh có thể quay trở lại sinh hoạt hoàn toàn bình thường khi cơn đau kết thúc. Tuy nhiên, trường hợp khi viêm tủy cấp xuất hiện có mủ thì các cơn đau sẽ trở nặng và dữ dội hơn:

  • Cảm giác như có trống gõ trong tai;
  • Đau giật giật vùng răng như mạch đập;
  • Răng bị đau nhô lên cao hơn bình thường và có hiện tượng lung lay nhẹ.

3.4 Cấp độ 4: Viêm tủy mạn tính

Dạng bệnh này thường gặp ở những người trẻ tuổi. Viêm tủy răng mạn tính do các kích thích liên tục với cường độ nhẹ gây ra và tác động đến mô tủy giàu mạch máu.

Cơn đau của viêm tủy răng mạn tính thường có những đặc điểm như kéo dài nhiều giờ liền, đau tự nhiên và âm ỉ, đau theo từng cơn mà khoảng cách giữa các cơn đau là rất ngắn. Ngoài ra cũng có những trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng cụ thể nào mà chỉ hơi nhói đau nhẹ khi nhai thức ăn.

Khi khám lâm sàng, nếu là viêm tủy mạn tính thì bác sĩ sẽ phát hiện được nốt đỏ mọc giữa chân răng.

3.5 Cấp độ 5: Hoại tử tủy

Hoại tử tủy là cấp độ bệnh lý nặng nhất liên quan tới tủy răng. Một số trường hợp khi bị hoại tử răng sẽ trải qua cảm giác đau buốt kéo dài. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp còn lại không có bất kỳ triệu chứng đau nào, cơn đau chỉ xuất hiện khi ổ viêm nhiễm, hoại tử lan đến chân răng.Các bệnh ở tủy răng nếu ở giai đoạn ban đầu không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời bệnh có thể tiến triển nặng hơn thành viêm tủy mạn tính hoặc gây hoại tử tủy. Việc răng bị hoại tử chết tủy tích tụ lại ở chân răng sẽ lây lan sang các răng liền kề có thể dẫn đến viêm ở những khu vực lân cận gây ra những biến chứng nghiêm trọng.


Hoại tử tủy là cấp độ bệnh lý nặng nhất liên quan tới tủy răng
Hoại tử tủy là cấp độ bệnh lý nặng nhất liên quan tới tủy răng

4. Làm thế nào để điều trị bệnh viêm tủy răng?

Tùy vào người bệnh mắc viêm tủy ở cấp độ nào, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị khác nhau:

Nếu mắc ở cấp độ 1, dựa vào nguyên nhân gây viêm tủy bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Một số trường hợp bác sĩ sẽ thực hiện trám răng để bảo vệ tủy trước sự tấn công của các vi khuẩn.

Khi viêm tủy đã đến cấp độ 2 và 3 bệnh nhân sẽ cần điều trị tủy răng và được bác sĩ trám lại răng.

Nếu viêm tuỷ cấp 3 trong trường hợp răng bị lung lay nhiều, kiểm tra lâm sàng bị nhiễm trùng lớn quanh chóp răng, hoại tử thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ và cắm Implant sau khi vùng nhổ răng ổn định. Trường hợp nhiễm trùng ít và răng không lung lay nhiều thì sẽ cần điều trị tuỷ và cắt chóp để giữ lại răng thật cho bệnh nhân.

Viêm tủy răng là bệnh lý gây nên nhiều khó chịu, đau đớn và ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Để điều trị viêm tủy răng an toàn, nên lựa chọn các phòng khám uy tín hoặc bệnh viện, không nên tự ý điều trị tại nhà vì có thể dẫn tới tiền mất tật mang do không đảm bảo an toàn cũng như bị điều trị sai cách.

Trong quá trình ăn nhai hàng ngày răng chúng ta đối mặt với nguy cơ bị sâu rất cao, nếu không được vệ sinh đúng cách sâu răng này ngày càng tăng về vị trí kích thước lỗ sâu phá hủy men và ngà, tủy răng. Sâu răng vào tủy sẽ gây viêm tủy.

Tình trạng sâu răng viêm tủy ngày càng tăng nếu không được vệ sinh răng miệng đúng cách, trám răng sẽ gây ra tình trạng viêm tủy, viêm tủy không hồi phục ngoài ra tủy bị viêm nhiễm lâu ngày sẽ bị hoại tủy, dẫn đến viêm chóp răng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe