Mắt lác ở trẻ em xuất hiện với tỉ lệ khoảng 3%. Nếu không được điều trị, khoảng 50% trẻ bị mắt lác có thể bị mất thị lực một phần do nhược thị, suy giảm chức năng thị lực một mắt. Vậy cách chữa mắt lác ở trẻ em như thế nào?
1. Nguyên nhân gây ra mắt lác ở trẻ em là gì?
Tình trạng mắt lác có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí mắt trẻ bẩm sinh đã bị lác hoặc xuất hiện trong giai đoạn trẻ từ 6 tháng tuổi. Trẻ có thể bị lác một bên ngay từ lúc mới sinh. Các nguyên nhân gây mắt lác ở trẻ em:
- Mất cân bằng giữa 2 mắt: 2 mắt của bé hoạt động một cách nhịp nhàng thông qua sự chi phối của các dây thần kinh và các cơ chéo bám vào nhãn cầu, tuy nhiên vì một lý do nào đó, sự phối hợp này gặp trục trặc khiến mắt bé không cùng nhìn về một hướng, từ đó dẫn đến các dấu hiệu bị lác (lé);
- Do các tật về mắt như: trẻ bị cận thị, viễn thị, loạn thị cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra mắt lác ở trẻ em, theo đó tình trạng cận thị thường gây ra lác ngoài và viễn thị gây lác vào trong.
- Bất thường ở các cơ vùng nhãn cầu;
- Tổn thương thần kinh, tổn thương não: trẻ từng bị tổn thương ở vùng đầu gây ra những tổn hại về khả năng vận động, mắt lác ở trẻ em;
- Trẻ cũng có thể bị lác mắt sau tình trạng sốt cao, co giật gây biến chứng. thần kinh;
- Yếu tố gia đình: Nhiều nghiên cứu cho thấy mắt lác ở trẻ em có thể do yếu tố gia đình lên đến 20%;
- Một yếu tố cũng khá quan trọng phải kể đến gây mắt lác ở trẻ em là do những bất thường khi sinh như thiếu cân, sinh non.
- Những nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng mắt lác ở trẻ em: mắt bị nhiễm khuẩn, chấn thương, đục thủy tinh thể, sụp mi, nhược thị thực thể, ung thư võng mạc, bệnh Toxoplasma...
2. Dấu hiệu nhận biết mắt lác ở trẻ em
Mắt của trẻ từ khi sinh ra đã có đầy đủ các cấu trúc để hình thành thị giác. Tuy nhiên trẻ cần thời gian dài để thị lực phát triển dần dần, cho đến khi trẻ được 8 - 12 tháng.
Dấu hiệu nhận biết chính của hiện tượng mắt lác ở trẻ em là 1 mắt của trẻ không nhìn thẳng. Đôi khi trẻ sẽ liếc mắt 1 bên khi nhìn dưới ánh sáng mặt trời hoặc nghiêng hẳn đầu để sử dụng đồng thời cả 2 mắt. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cần lưu ý rằng, mắt của trẻ sơ sinh thường trông có vẻ như nhìn chéo nhau, mặc dù thực ra không như vậy, đây còn được gọi là tình trạng "lác giả".
Thật vậy khi trẻ còn nhỏ trẻ thường có mũi phẳng, rộng và có một nếp da ở trong mi mắt, làm cho 2 mắt của trẻ trông có vẻ như đang nhìn chéo nhau. Tình trạng giả lác này có thể cải thiện khi trẻ lớn lên và không tiến triển thành mắt lác ở trẻ em.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt sẽ phân biệt được lác thật và lác giả. Một vài trường hợp mắt lác ở trẻ em xảy ra ở độ nhỏ hoặc lác ẩn thì rất khó phát hiện được do độ lệch giữa 2 mắt không quá rõ ràng để nhìn thấy được.
Trẻ có dấu hiệu lác bất thường sẽ nhìn lệch, nhìn nghiêng hoặc quay đầu mới nhìn thấy được đồ vật ở ngay bên cạnh. Mắt trẻ không có phản ứng với ánh sáng, không tập trung vào một món đồ chơi nào đó... Nếu trẻ đã > 1 tuổi mà vẫn xuất hiện tình trạng 2 mắt không cân đối sẽ dẫn đến hiện tượng thị lực giảm sút, phát hiện càng muộn thì tình trạng càng nặng.
3. Cách chữa mắt lác ở trẻ em như thế nào?
Điều trị mắt lác ở trẻ em càng sớm thì trẻ càng có cơ hội khỏi bệnh. Nếu chữa trước 3 tuổi, tỷ lệ thành công có thể lên đến 92%, nếu trẻ từ 6 - 8 tuổi là 62%. Nếu để càng lâu, mắt trẻ sẽ thành tật và khả năng phục hồi sẽ kém đi.
Việc điều trị mắt lác ở trẻ em nhằm đạt được mục đích cải thiện thị lực cho trẻ, giúp trẻ nhìn thẳng và 2 mắt hoạt động đều, lúc này việc điều trị được đánh giá là hiệu quả.
3.1. Cách chữa mắt lác ở trẻ em thông qua việc đeo kính
Trẻ có thể được hướng dẫn đeo kính. Sử dụng kính giúp điều chỉnh độ rõ nét của hình ảnh, từ đó hỗ trợ 2 mắt của trẻ phối hợp nhìn được dễ dàng hơn, đồng thời cải thiện thị lực cho trẻ. Thông thường đối với tình trạng mắt lác, trẻ phải đeo kính mọi lúc (trừ khi đi ngủ) mới có tác dụng.
3.2. Sử dụng thuốc nhỏ mắt
Trẻ có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc nhỏ mắt với mục đích làm cho bên mắt bị lác hoạt động nhiều hơn, thuốc có tác dụng co đồng tử mạnh, giúp cải thiện thị lực và cân bằng giữa 2 mắt. Dùng thuốc thường được áp dụng khi trẻ bị mắt lác mà không thể đeo kính. Việc quan trọng là liều lượng và cách dùng thuốc phải được bảo đảm, các bậc cha mẹ cần tuân theo chỉ dẫn chi tiết của bác sĩ, nếu thấy trẻ than mỏi mắt thì dừng lại ngay, tránh để mắt trẻ rơi vào tình trạng điều tiết quá nhiều.
3.3. Các bài tập về mắt
Các bài tập về mắt nhằm mục đích giúp 2 mắt hoạt động cùng nhau, giúp mắt chuyển động tốt hơn, tuy nhiên thường dành cho các bé ở độ tuổi lớn, các bé sẽ có ý thức để thực hành các bài tập đều đặn. Bài tập bịt mắt để nhìn điểm là một trong những cách chữa mắt lác ở trẻ em tại nhà đơn giản và hiệu quả:
- Bước 1: Chọn một bức tường sáng màu, sau đó vẽ một chấm tròn lên trên bức tường đó;
- Bước 2: Bịt 1 bên mắt lành, bên mắt còn lại sẽ tập trung nhìn vào điểm cố định đó, thực hiện bài tập liên tục trong khoảng 10 phút;
- Bước 3: Bịt mắt luân phiên theo cách này, mỗi ngày bịt 1 bên mắt hoặc bịt mắt từng lúc để cải thiện tình trạng mắt lác hiệu quả.
3.4. Phẫu thuật
Phẫu thuật chữa mắt lác là một giải pháp giúp điều chỉnh và làm thẳng mắt, tuy nhiên không phải trường hợp mắt lác nào cũng cần phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bé phải sử dụng kính để cải thiện thị lực.
Để biết được cách chữa mắt lác ở trẻ em tại nhà hiệu quả nhất, các bậc cha mẹ nên mang trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn kỹ hơn. Mặt khác đối với trẻ ѕơ ѕinh, rất khó để phát hiện được những bất thường ở mắt vì tật cận thị, nhược thị không có biểu hiện bên ngoài khi trẻ còn quá nhỏ. Vì vậy, tốt nhất phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ѕức khỏe định kỳ hoặc khám theo lịch hẹn để phát hiện kịp thời các bệnh về mắt và có biện pháp can thiệp ѕớm.
Với những em bé bình thường, trẻ cũng nên khám mắt lần đầu khi được 3 tuổi hoặc cho trẻ khám sớm hơn khi trong gia đình có người thân mắc vấn đề về thị lực. Khi trẻ chuẩn bị đến trường, cha mẹ cần kiểm tra thị lực thêm 1 lần nữa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.