Bệnh ghẻ ngứa là bệnh lý da liễu phổ biến có thể lây lan nếu tiếp xúc với người bệnh ở phạm vi gần. Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và duy trì chế độ sinh hoạt là cách trị ghẻ ngứa tốt nhất, dứt điểm hiệu quả.
1. Bệnh ghẻ là bệnh gì?
Bệnh ghẻ ngứa thuộc nhóm bệnh lý về da liễu phổ biến tại Việt Nam, xuất hiện chủ yếu tại những khu vực nhà cửa chật hẹp, dân cư đông đúc, môi trường xung quanh không đảm bảo vệ sinh. Bệnh ghẻ có thể lây lan khi tiếp xúc trực tiếp như ngủ chung, mặc chung đồ, quan hệ tình dục,...
Bệnh ghẻ ngứa không có ảnh xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu không điều trị dứt điểm bệnh ghẻ ngứa có thể tái đi tái lại nhiều lần và phát triển nên những biến chứng nặng nề hơn như nhiễm trùng, viêm cầu thận cấp.
2. Cách bắt con cái ghẻ như thế nào?
Để có thể điều trị cách bắt cái ghẻ thì điều quan trọng đầu tiên đó là chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn trứng ghẻ. Nguyên nhân là do tốc độ sinh sản, phát triển khá nhanh và dễ lây lan. Hiện có một vài cách bắt con cái ghẻ hiệu quả như:
2.1. Sử dụng thuốc Permethrin 5% dạng xịt hoặc dạng cream
Cách bắt con ghẻ thông dụng nhất là sử dụng thuốc Permethrin 5% dạng xịt hoặc dạng cream. Ngoài ra, còn có các loại khác như dung dịch DEP (diethylphtalate), cream lưu huỳnh 5-10%, hoặc đường dùng toàn thân bằng viên uống ivermectin.
Thuốc bôi trị ghẻ có chứa thành phần Permethrin với nồng độ 5%. Đây là thuốc khá an toàn khi sử dụng để điều trị bôi ngoài da. Tuy nhiên, thuốc cần được sử dụng đúng cách để đạt được hiệu quả điều trị tốt và tránh các tác dụng không mong muốn có thể phát sinh.
Thuốc Permethrin dạng kem bôi ngoài da, có cách sử dụng tương đối đơn giản. Tuy nhiên, để đảm bảo sử dụng thuốc an toàn, đúng cách, nên bôi thuốc theo hướng dẫn sau đây:
- Vệ sinh sạch sẽ và lau khô tay và vùng da cần điều trị trước khi bôi thuốc.
- Lấy một lượng thuốc vừa đủ lên đầu ngón tay.
- Thoa một lớp thuốc mỏng nhẹ lên trên vùng da cần điều trị.
- Không lạm dụng hay thoa thuốc với lượng thuốc dày và diện tiếp xúc lớn
- Rửa tay sạch với xà phòng kháng khuẩn sau khi bôi thuốc.
2.2. Sử dụng thuốc DEP
Thuốc DEP (Diethylphtalat): DEP là thuốc phổ biến được sử dụng để bắt con ghẻ hoặc tổn thương da do côn trùng cắn từ nhiều thập kỷ đến nay. Cách sử dụng thuốc, sau khi vệ sinh sạch tay và vùng da bị tổn thương, lau khô và lấy một lượng thuốc vừa đủ, thoa đều, nhẹ nhàng lên vùng da cần điều trị, người lớn từ 1-2 lần mỗi ngày.
2.3. Sử dụng lưu huỳnh
Lưu huỳnh: Thuốc cần được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa và không được quá lạm dùng thuốc.
Khi bắt con ghẻ bằng lưu huỳnh cần tránh để thuốc dính vào mắt. Nếu không may để thuốc rơi vào mắt cần rửa lại nhẹ nhàng với nhiều nước sạch. Nếu vẫn còn các dấu hiệu triệu chứng bất thường ở mắt thì cần đi khám chuyên khoa mắt.
Lưu huỳnh dạng thuốc mỡ, trước khi sử dụng thuốc nên tắm rửa toàn thân với xà phòng trước. Sau đó, dùng thuốc lưu huỳnh dạng mỡ bôi lên vùng da này. Trước khi đi ngủ, bạn cần bôi thuốc lên toàn thân một lần nữa. Sau 24 giờ bôi thuốc xong cần tắm rửa thật kỹ lại để làm sạch lượng thuốc đã bôi trước đó trước khi bôi lần thuốc mới.
2.4. Sử dụng thuốc Ivermectin
- Thuốc Ivermectin là thuốc điều trị các bệnh nhiễm ký sinh trùng, như bệnh sán lá gan lớn, bệnh giun lươn đường ruột.
- Đối với bệnh ghẻ, thuốc này được chỉ định khi những biện pháp điều trị tại chỗ trước đó không hiệu quả hoặc với những người có chống chỉ định điều trị tại chỗ.
- Chỉ sử dụng thuốc Ivermectin để bắt con ghẻ khi đã chẩn đoán xác định trên lâm sàng hoặc đã được kiểm tra chắc chắn có ký sinh trùng. Thuốc chỉ được sử dụng sau khi đã được bác sĩ chỉ định và cân nhắc việc sử dụng thuốc.
- Thuốc Ivermectin có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn. Tình trạng tác dụng phụ có thể tăng lên ở những người đang bị mắc đồng thời nhiễm nhiều loại ký sinh trùng.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp và dễ nhận ra là: Đột ngột bị sốt, phát ban, ngứa, khó thở... Một số tác dụng ngoại ý khác như: tăng men gan, gây ra tình trạng chán ăn, đau tức vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy...
3. Một số biện pháp ngăn ngừa bệnh ghẻ tái phát
Một số biện pháp để phòng bệnh, ngăn ngừa ghẻ lây lan như:
- Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn là cách phòng tránh bệnh rất hiệu quả. Bạn nên rửa sạch tay với xà phòng sẽ giúp tiêu diệt những loại vi khuẩn gây bệnh.
- Không nên tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước nhiễm bẩn vì có ẩn chứa nhiều vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.
- Vào thời tiết nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi kết hợp với bụi bẩn có từ môi trường sẽ khiến da bị viêm, gây ghẻ lở, chính vì vậy bạn cần tắm rửa thường xuyên để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nên giặt giũ chăn, màn, chiếu, gối thường xuyên.
- Nên ăn chín, uống sôi hạn chế ăn những loại thực phẩm chưa được nấu chín sẽ gây ra những nhiều tác hại đến sức khỏe.
- Bổ sung thêm nhiều vitamin A, B, C để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Tuyệt đối không nên sử dụng chung các đồ cá nhân với người khác như khăn, quần áo. Nguyên nhân là do ghẻ có khả năng lây truyền từ người này qua người khác thông qua những vật dụng cá nhân này.
- Không nên sử dụng những loại mỹ phẩm, hóa chất độc hại khiến da bị tổn thương. Từ đó, những loại vi khuẩn có hại từ môi trường có điều kiện xâm nhập vào.
Ghẻ là bệnh lý da liễu không quá nguy hiểm, tuy nhiên không dễ điều trị do không chỉ sử dụng thuốc mà còn cần sự tuân thủ trong lối sống hàng ngày và dễ tái phát lại nếu trứng ghẻ hay cái ghẻ còn tồn tại trong nhà.
==
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.