Các biểu hiện sau khi đặt vòng tránh thai

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Ưu điểm của phương pháp đặt vòng tránh thai là đặt một lần tránh thai được nhiều năm. Tuy nhiên, sau khi đặt vòng tránh thai sẽ có những biểu hiện bất thường.

1. Đặt vòng tránh thai bị đau lưng

Sau khi đặt vòng tránh thai xong, tử cung nhận thấy có vật thể lạ nên sẽ xảy ra phản ứng co thắt. Điều này sẽ khiến nữ giới bị chuột rút ở phần lưng dưới.

Đặt vòng tránh thai bị đau lưng có thể kéo dài một vài tuần cho tới khi tử cung quen dần với sự có mặt của vòng tránh thai sẽ chấm dứt dần hoặc cảm giác này sẽ xuất hiện mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt.

Đây là phản ứng bình thường của cơ thể và đau lưng ở mức độ nhẹ, sẽ có dấu hiệu giảm dần và có thể chấm dứt khi đã quen với vòng tránh thai.

Tuy nhiên, nếu cảm giác đau lưng sau khi đặt vòng tránh thai dữ dội, quằn quại khiến bạn không thể chịu nổi hoặc kéo dài quá lâu, không có dấu hiệu thuyên giảm thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra lại.

Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?

Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!

2. Đặt vòng tránh thai bị đau bụng dưới

Đặt vòng tránh thai bị đau bụng dưới là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ sau khi đặt vòng tránh thai, nguyên nhân là do phản ứng phụ của cơ thể khi cố gắng đẩy vật thể lạ ra bên ngoài.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đặt vòng tránh thai bị đau bụng dưới xuất hiện với tần suất cao báo hiệu cơ thể không hợp với vòng tránh thai hoặc vòng đã bị xô lệch, nằm sai vị trí.

Sự khác nhau giữa thời gian, mức độ đau bụng dưới sau khi đặt vòng tránh thai sẽ cảnh báo sức khỏe bình thường hay đang gặp nguy hiểm.

Sau khi đặt vòng tránh thai sẽ thấy hơi khó chịu bởi lúc này, cơ thể chưa quen khi có sự xuất hiện của vật thể lạ. Hiện tượng này thông thường kéo dài từ 7 - 10 ngày, khi vòng tránh thai đã bắt đầu ổn định trong tử cung thì sẽ hết.

Đặt vòng tránh thai bị đau bụng dưới là do cơ thể chưa quen với sự xuất hiện của vòng, làm cho tử cung co bóp gây đau bụng, cơn đau có thể không quằn quại nhưng âm ỉ, khó chịu, triệu chứng này sẽ giảm khi bạn sử dụng thuốc giảm đau chống co thắt.

Hiện tượng đặt vòng tránh thai bị đau bụng dưới sẽ dần giảm đi và biến mất sau khi cơ thể đã dần thích ứng với chiếc vòng tránh thai được đưa vào cơ thể.

Nếu sau 7 – 10 ngày mà tình trạng đau bụng dưới không thuyên giảm mà lại có dấu hiệu đau dữ dội, đau âm ỉ nhiều hơn thì tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để thăm khám, nếu cần thiết có thể tháo vòng ngay lập tức.


Đặt vòng tránh thai bị đau lưng có thể kéo dài một vài tuần
Đặt vòng tránh thai bị đau lưng có thể kéo dài một vài tuần

3. Đặt vòng tránh thai mà trễ kinh

Tùy theo cơ địa mỗi người mà tình trạng trễ kinh sau khi đặt vòng sẽ khác nhau, có người đặt vòng tránh thai mà trễ kinh 3 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, đây là hiện tượng sinh lý bình thường sau đó chu kỳ kinh nguyệt sẽ quay trở lại như trước. Bên cạnh đó, có người sẽ gặp tình trạng kinh nguyệt kéo dài, kinh nguyệt kéo dài quá 8 ngày, máu kinh ra nhiều. Điều này phụ thuộc vào cơ địa mỗi người, thể trạng người đó có phù hợp với vòng không.

Tuy nhiên cần theo dõi trong 3 chu kỳ kinh nguyệt, nếu đặt vòng tránh thai có biểu hiện bất thường như: đau bụng kéo dài, cơ thể mệt mỏi, nóng sốt, trễ kinh thì cần đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị hiệu quả.


Tùy theo cơ địa mỗi người mà tình trạng trễ kinh sau khi đặt vòng sẽ khác nhau
Tùy theo cơ địa mỗi người mà tình trạng trễ kinh sau khi đặt vòng sẽ khác nhau

4. Đặt vòng tránh thai ra máu bao lâu

Sau khi đặt vòng tránh thai xong bị ra máu kéo dài thì có thể là do các nguyên nhân sau: Vòng đã bị tụt ra khỏi vị trí của nó trong buồng tử cung và tụt vào trong ống cổ tử cung hoặc trong âm đạo. Do kích thước của vòng tránh thai không phù hợp với kích thước tử cung. Trường hợp này thường có ra máu kèm theo đau nhiều ở bụng dưới.

Vậy nên, nếu gặp phải tình trạng sau khi đặt vòng tránh thai xong bị ra máu kéo dài quá 4 – 5 ngày. Phụ nữ cần nhanh chóng đến ngay các phòng khám chuyên khoa. Để được bác sĩ kiểm tra vòng tránh thai có đúng vị trí không? Có tác động lớn đến bộ phận nào không? hoặc bạn có bị dị ứng với loại vòng này không? Nếu có tình trạng dị ứng với vòng tránh thai, các bác sĩ sẽ tiến hành tháo vòng và tư vấn cho bạn phương pháp tránh thai an toàn khác.

5. Đặt vòng tránh thai xong bị chảy máu

Sau khi đặt vòng tránh thai thường cảm thấy đau bụng dưới và ra máu. Bình thường, sau 4 - 5 ngày những dấu hiệu trên sẽ hết. Nguyên nhân là do tử cung chưa thích ứng với sự có mặt của vật thể lạ, vài tháng sau tình hình sẽ ổn định hơn.

Nếu sau 4 – 5 ngày khi đặt vòng mà bạn vẫn thấy ra máu nhiều, đau bụng dữ dội, quan hệ thấy đau thì rất có thể vòng đã bị lệch khỏi vị trí của nó trong buồng tử cung hoặc tụt vào trong ống cổ tử cung hoặc trong âm đạo.

Ra máu nhiều cũng có thể do kích thước của vòng tránh thai to hơn so với kích thước tử cung, kích thước không phù hợp với nhau.

Một số trường hợp sử dụng phương pháp đặt vòng tránh thai có hiện tượng xuất huyết sau khi quan hệ. Nguyên nhân có thể là do khi quan hệ, tử cung có hiện tượng co bóp khiến vòng tránh thai bị tác động và cọ sát vào niêm mạc tử cung, gây ra hiện tượng xuất huyết.

6. Nguyên tắc đặt vòng tránh thai


Nguyên tắc là đặt vòng sau khi sạch kinh 2 đến 3 ngày
Nguyên tắc là đặt vòng sau khi sạch kinh 2 đến 3 ngày

Nguyên tắc là đặt vòng sau khi sạch kinh 2 đến 3 ngày, tốt nhất nên đặt vào giữa kỳ kinh vì khi đó tử cung mở rộng nhất. Mục đích là hạn chế đau, gây chảy máu. Sau khi đặt vòng là thời điểm nhạy cảm, phụ nữ cần tuân thủ một vài quy tắc trong vệ sinh vùng kín, sinh hoạt để đảm bảo vòng tránh thai hoạt động hiệu quả nhất

  • Nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng trong vòng một tuần và đi khám lại sau một tháng hoặc sau khi sạch kinh
  • Kiêng quan hệ tình dục ít nhất từ 10 - 14 ngày.
  • Giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ và nên nghỉ ngơi khi đến kỳ kinh nguyệt.
  • Uống thuốc sau đặt vòng đúng với chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Tái khám tại cơ sở y tế uy tín để kiểm tra xem vòng tránh thai có ổn định và vùng kín bị viêm nhiễm hay không.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe