Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Lựa chọn biện pháp ngừa thai phù hợp là vấn đề được các cặp vợ chồng quan tâm, sự lựa chọn này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, số con, sức khỏe... Hiện nay phương pháp ngừa thai vĩnh viễn được sử dụng phổ biến cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhờ độ an toàn và hiệu quả ngừa thai cao.
1. Các phương pháp ngừa thai thông dụng
Một số phương pháp ngừa thai thông dụng như sử dụng bao cao su, dùng thuốc tránh thai, dùng dụng cụ tránh thai... mỗi biện pháp ngừa thai trên đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng và có hiệu quả cao khi bạn sử dụng đúng theo hướng dẫn. Tuy nhiên, bạn vẫn luôn có khả năng gặp tỷ lệ thất bại riêng ở mỗi phương pháp. Việc lựa chọn biện pháp ngừa thai phù hợp tùy thuộc vào các yếu tố như sau:
- Tình trạng sức khỏe riêng của bạn.
- Tính an toàn và hiệu quả của biện pháp tránh thai lựa chọn.
- Bạn có thoải mái và hài lòng khi sử dụng biện pháp tránh thai đó hay không.
- Bạn có kế hoạch mang thai trong thời gian gần hay không.
- Tần suất hoạt động tình dục và số lượng bạn tình của bạn.
2. Phương pháp ngừa thai vĩnh viễn là gì?
Phương pháp ngừa thai vĩnh viễn là phương pháp thực hiện triệt sản nữ hoặc triệt sản nam. Thực hiện phương pháp này cũng có nghĩa là bạn chắc chắn không có nhu cầu sinh con nữa.
Trong thủ thuật triệt sản ở phụ nữ, ống dẫn trứng được làm tắc nghẽn để ngăn tinh trùng và trứng gặp nhau. Đây là phương pháp được các chuyên gia đánh giá là an toàn, ngừa thai vĩnh viễn, thích hợp cho các phụ nữ từ 30 tuổi trở lên.
Trong thủ thuật triệt sản ở nam, phương pháp thắt ống dẫn tinh được các bác sĩ sử dụng hiệu quả và chiếm 20% tổng số ca triệt sản ở nam. Đây là kỹ thuật tương đối đơn giản, thậm chí không cần dùng dao.
Triệt sản không bảo vệ chống lại các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STIs), bao gồm cả vi rút suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Do đó, nên sử dụng bao cao su dành cho nam hoặc nữ để bảo vệ khỏi các bệnh nhiễm trùng này nếu bạn có nguy cơ bị STI.
3. Ngừa thai vĩnh viễn bằng phương pháp triệt sản ở nữ
3.1. Ngừa thai vĩnh viễn bằng phương pháp triệt sản ở nữ được thực hiện trong trường hợp nào?
Quyết định triệt sản hay không là tùy thuộc vào bản thân bạn, tuy nhiên về mặt y khoa thì triệt sản ở phụ nữ được chia thành các nhóm sau:
- Trường hợp phụ nữ có bệnh nội khoa: Những bệnh nhân nữ có bệnh tim nặng, nếu mang thai thì trong thời gian thai nghén sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm hoặc mất bù trừ. Ở những người bệnh này nên chọn triệt sản. Bên cạnh đó, người bệnh mắc các bệnh lý như tăng huyết áp nặng, bệnh phổi mãn tính, bệnh mạch – thận, ung thư sinh dục, ung thư vú, hoặc các bệnh lý về máu, bệnh về gen.... cũng được các bác sĩ chỉ định triệt sản để ngừa thai vĩnh viễn.
- Người bệnh thực hiện phẫu thuật sản phụ khoa: Bệnh nhân nữ có tiền sử mổ thai nhiều lần, mổ bóc nhân xơ tử cung, sa sinh dục... cũng được các bác sĩ tư vấn triệt sản để tránh những hậu quả về sau.
- Xét trên phương diện xã hội: Ngừa thai vĩnh viễn bằng phương pháp triệt sản nên được thực hiện ở những gia đình có nhiều con mà điều kiện kinh tế không đủ, làm tăng gánh nặng đến đời sống gia đình và ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.
- Xét trên phương diện dân số: Ngừa thai vĩnh viễn bằng phương pháp triệt sản được áp dụng mang tính chất bắt buộc tại các nước đang phát triển có dân số quá cao làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
3.2. Thời điểm nào thực hiện triệt sản ở nữ là thích hợp nhất?
Ở phụ nữ không mang thai, thủ thuật triệt sản được thực hiện vào thời điểm sau khi kỳ kinh nguyệt vừa kết thúc sẽ giúp loại trừ trường hợp thực hiện thủ thuật trên người đang mang thai.
Ở phụ nữ đang mang thai, thủ thuật triệt sản được thực hiện lúc mổ lấy thai hoặc thời kỳ hậu sản. Bác sĩ thực hiện thủ thuật ở thời kỳ hậu sản trong khoảng thời gian 24 – 36 giờ sau sinh để giảm nguy cơ chảy máu và sản phụ có thể nghỉ ngơi sau sinh. Trường hợp, sản phụ vỡ ối sớm, sốt trong chuyển dạ và có nguy cơ nhiễm trùng thì bác sĩ nên tạm dừng thực hiện thủ thuật, có thể chuyển sang tuần thứ 8 sau sinh.
3.3 Thủ thuật triệt sản ở nữ được các bác sĩ thực hiện theo các phương pháp nào?
Có 3 phương pháp triệt sản nữ được áp dụng, bao gồm:
- Nội soi ổ bụng
Một thiết bị gọi là đèn nội soi ổ bụng được đưa vào qua một vết rạch nhỏ ở tại rốn hoặc gần rốn. Đèn nội soi ổ bụng cho phép nhìn thấy các cơ quan vùng chậu. Các ống dẫn trứng được đóng lại bằng cách sử dụng dụng cụ được đưa qua đèn nội soi ổ bụng hoặc bằng một dụng cụ khác được đưa vào qua một vết rạch nhỏ thứ hai ở vùng hố chậu.
Cho đến gần đây, nội soi buồng tử cung bằng cách sử dụng microinserts cuộn có thể được thực hiện để cung cấp tránh thai vĩnh viễn cho phụ nữ. Kể từ ngày 31 tháng 12 năm 2018, các thiết bị được sử dụng trong phương pháp này đã bị loại bỏ khỏi thị trường Hoa Kỳ. Vì vậy, phương pháp này không còn được sử dụng ở Mỹ.
Đối với triệt sản bằng nội soi buồng tử cung, các phẫu thuật viên sử dụng dụng cụ nội soi buồng tử cung, bịt chặt các lỗ vòi tử cung bằng cách chèn microinserts bằng cuộn qua âm đạo và tử cung và vào ống dẫn trứng. Các cuộn bao gồm một lớp ngoài của hợp kim niken/titan và một lớp bên trong bằng thép không gỉ và polyethylene terephthalate (PET). Các sợi PET kích thích phản ứng làm bít các ống dẫn trứng.
- Phẫu thuật mổ bụng tối thiểu
Một vết rạch nhỏ được tạo ra ở bụng. Các ống dẫn trứng được đưa lên thông qua vết rạch này. Một phần nhỏ của mỗi ống dẫn trứng sẽ được cắt bỏ, hoặc cả hai ống có thể được cắt bỏ hoàn toàn. Phương pháp khác ít được thực hiện hơn, đó là dùng kẹp để làm tắc các ống dẫn trứng. Phương pháp này thường được sử dụng để triệt sản sau sinh. So với nội soi ổ bụng, phẩu thuật triệt sản mở bụng tối thiểu gây ra nhiều đau đớn hơn, và phục hồi mất một thời gian dài hơn một chút.
3.4 Các biến chứng có thể xảy ra?
Các biến chứng của biện pháp tránh thai vĩnh viễn ở phụ nữ là không phổ biến. Chúng bao gồm
- Tử vong: 1 đến 2/100.000 phụ nữ
- Xuất huyết hoặc tổn thương đường ruột: Khoảng 0,5% phụ nữ
- Các biến chứng khác (ví dụ, nhồi máu, thất bại của tắc nghẽn): Lên đến khoảng 5% phụ nữ
- Mang thai ngoài tử cung: Khoảng 30% số trường hợp mang thai xảy ra sau khi thắt ống dẫn trứng
Các biến chứng của ngừa thai vĩnh viễn bằng nội soi buồng tử cung cũng có thể bao gồm đau vùng chậu, chảy máu tử cung bất thường và các rối loạn viêm.
4. Ngừa thai vĩnh viễn bằng phương pháp triệt sản nam
Phương pháp triệt sản nam hay còn gọi là phương pháp thắt ống dẫn tinh và được xem là kỹ thuật tương đối đơn giản. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng được chống chỉ định trong một số trường hợp sau:
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu, suy nhược cơ thể.
- Người bệnh bị thoát vị bẹn, giãn tĩnh mạch, viêm nhiễm mãn tính và di tích ở thừng tinh.
Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ cần chuẩn bị một số yếu tố sau:
- Bác sĩ cần giải thích cho người bệnh về quy trình khám tiền phẫu, vùng sẽ tiến hành phẫu thuật, những lợi ích và bất lợi sau khi thực hiện thủ thuật.
- Bệnh nhân được thực hiện các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm đông máu...
Sau khi thủ thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân được nằm nghỉ trong khoảng từ 30 phút đến 1 giờ. Bác sĩ cần tư vấn cho người bệnh các bước chăm sóc vết thương sau phẫu thuật, sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ, chế độ ăn uống đúng điều độ và tránh các thức ăn ảnh hưởng đến vết thương.
Phương pháp thắt ống dẫn tinh không làm thay đổi các chức năng của tinh hoàn và hormone sinh dục nam là testosterone vẫn được sản xuất bình thường. Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, thủ thuật triệt sản nam không có hiệu quả ngay sau khi thực hiện mà người bệnh cần sử dụng các biện pháp ngừa thai khẩn cấp trong khoảng 20 lần quan hệ tình dục đầu tiên hay khoảng 3 tháng sau phẫu thuật.
Như vậy, phương pháp ngừa thai vĩnh viễn có thể được thực hiện ở cả nam và nữ một cách an toàn và đem lại hiệu quả cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.