Các biện pháp hạn chế rạn da khi mang thai

Rạn da là từ ngữ dùng để chỉ tình trạng xuất hiện những vết rạn nhỏ trên cơ thể, thường gặp ở các vùng da mỏng và yếu như da bụng, ngực, mông hay đùi. Rạn da xảy ra do sự căng giãn quá mức của bề mặt da, khi da không thể thích nghi với sự thay đổi của cơ thể.

1. Rạn da khi mang thai

Rạn da thường gặp ở những người bị tăng cân nhiều trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Trong quá trình mang thai, càng về sau, thai nhi càng lớn dần về kích thước, thể tích ối cũng tăng lên. Cùng với sự phát triển của thai nhi, người mẹ cũng bị tăng nhiều về trọng lượng. Bình thường, các sợi collagen và elastin có thể đàn hồi căng ra và co lại theo ý muốn nên không gây bị rạn da. Nhưng ở phụ nữ mang thai, sự thay đổi của cơ thể diễn ra quá nhanh khiến các vùng da mỏng như bụng, đùi, mông không kịp giãn ra, các sợi collagen và elastin không kịp đàn hồi để thích nghi gây ra tình trạng đứt gãy collagen và liên kết mà hình thành nên các vết rạn da.

Trắc nghiệm: Tại sao khi mang thai có người rạn da, người thì không?

Hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ bị rạn da khi mang thai, nhưng một số lại không gặp tình trạng này. Vậy nguyên nhân là do đâu? Làm bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Biểu hiện của rạn da:

  • Rạn da không gây đau. Tuy nhiên, ở những người có nguy cơ rạn da, dấu hiệu lâm sàng sớm thường gặp là cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở các vùng có nguy cơ rạn da như bụng, mông, đùi, ngực. Sau đó trên da sẽ bắt đầu xuất hiện những đường nứt nhỏ, hơi căng bóng hơn so với các vùng da thường xung quanh.
  • Vết rạn ban đầu có màu hồng nhạt, sau đó dần dần tím thẫm rồi lâu ngày sẽ chuyển thành màu trắng hoặc thâm.
  • Tùy theo cơ địa mỗi người cũng như khả năng phục hồi collagen và elastin sau sinh mà mức độ rạn da ở mỗi người là khác nhau. Có người rạn ít, có người rạn nhiều, vết rạn có thể nông hoặc sâu, rạn dài hay ngắn, vết rạn ngang hay rạn dọc theo thành bụng.

Ở phụ nữ mang thai, rạn da có thể xuất hiện ở tháng thứ 4 của thai kỳ nhưng thường gặp nhất ở tháng thứ 6, tháng 7 trở đi do ở giai đoạn này, thai nhi tăng trưởng nhanh về trọng lượng cơ thể. Sau khi sinh, đa phần các trường hợp bị rạn da đều không thể đàn hồi về trạng thái như ban đầu. Lúc này, để cải thiện phận rạn da cần sử dụng kết hợp các loại máy móc với sản phẩm để làm săn da. Một số trường hợp rạn nặng, vết rạn nhiều, dài và sâu, để xử lý hết vết rạn thì cần can thiệp bằng phẫu thuật.

2. Các biện pháp hạn chế rạn da khi mang thai


Rạn da tuy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại làm mất tính thẩm mỹ, tạo cảm giác tự ti cho rất nhiều chị em sau sinh
Rạn da tuy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại làm mất tính thẩm mỹ, tạo cảm giác tự ti cho rất nhiều chị em sau sinh

Rạn da tuy không gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại làm mất tính thẩm mỹ, tạo cảm giác tự ti cho rất nhiều chị em sau sinh. Do vậy, việc đề phòng rạn da là một điều thực sự cần thiết, nhất là đối với phụ nữ.

Để phòng rạn da khi mang thai, chị em phụ nữ cần lưu ý một số điều như sau:

  • Có chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là các vitamin A, C, E, hay các loại protein để có thể giúp da khỏe mạnh từ bên trong. Một chế độ dinh dưỡng phù hợp không những đảm bảo được sức khỏe cho thai nhi mà còn có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ bị rạn da khi mang thai.
  • Kiểm soát cân nặng khi mang thai theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Mang thai, phụ nữ thường ăn nhiều hơn so với bình thường. Tăng cường dinh dưỡng không đồng nghĩa với việc ăn tăng về số lượng mà là tăng cường dinh dưỡng dựa trên một chế độ ăn uống hợp lý.
  • Ở tuần thứ 8 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu có sự phát triển mạnh. Ở giai đoạn này, các mẹ nên dùng kết hợp với các loại kem chống rạn da, làm da săn chắc.
  • Có thể massage nhẹ nhàng vùng bụng trong quá trình mang thai theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Massage không những giúp mẹ với trẻ được thư giãn mà còn ngăn ngừa khả năng bị rạn da.
  • Uống đủ nước.
  • Có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga để tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé, đồng thời rèn sự dẻo dai cho da cơ nên cũng có thể hạn chế tình trạng rạn da.

3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng rạn da?


Một số phương pháp thông dụng dùng để cải thiện tình trạng rạn da:

  • Có chế độ ăn uống phù hợp, không giảm cân ngay sau sinh vì da không kịp đàn hồi sẽ gây rạn da nhanh hơn.
  • Tập thể dục để làm săn cơ, cải thiện sự rạn da.
  • Điều trị rạn da bằng laser, thường sử dụng công nghệ Fractional CO2 để trị rạn da.
  • Sử dụng các loại kem hay sản phẩm điều trị rạn da như acid glycolic, hay các sản phẩm dưỡng có chứa retinol.

Tập thể dục làm săn cơ, cải thiện làn da
Tập thể dục làm săn cơ, cải thiện làn da

Ngoài ra, có thể xử lý vết rạn bằng các nguyên liệu từ tự nhiên như:

Dầu dừa:

  • Sử dụng dầu dừa để phòng rạn da khi mang thai là một phương pháp được sử dụng rộng rãi, các bà mẹ thường xuyên sử dụng.
  • Tác dụng của dầu dừa: làm tăng sự mềm mại, đồng thời tăng sự đàn hồi cho da. Từ đó giúp hạn chế nguy cơ bị rạn da.
  • Cách sử dụng: thoa đều dầu dừa lên vùng có nguy cơ rạn ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối. Nên sử dụng dầu dừa nguyên chất là tốt nhất và dùng bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ.

Lòng trắng trứng gà:

  • Lòng trắng trứng gà có chứa nhiều protein có thể giúp da trắng hồng, vừa có tác dụng ngăn sự rạn da đồng thời cũng có thể cải thiện vùng rạn da ở những người đã bị rạn nhờ khả năng phục hồi và tái tạo các collagen trong da.
  • Cách sử dụng: dùng lòng trắng trứng đắp lên vùng rạn như một mặt nạ, để khoảng 15-20 phút. Thực hiện đều đặn mỗi ngày.

Sữa tươi:

  • Trong sữa tươi chứa rất nhiều các protein, vitamin, acid lactic và các enzym...giúp giữ ẩm, làm mềm da, chống lão hóa, đồng thời kích thích quá trình lành các vùng bong ra.
  • Cách dùng: sử dụng sữa tươi để massage lên các vùng có nguy cơ bị rạn da, dùng liên tục và đều đặn mỗi ngày đến khi thấy vùng rạn cải thiện.

Nói chung, rạn da là một vấn đề thường xảy ra ở phụ nữ mang thai và những người béo phì. Rạn da không gây nguy hiểm đến tính mạng, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại gây mất mỹ quan trong khía cạnh thẩm mỹ da, mang lại cảm giác tự ti cho chị em phụ nữ nhất là khi mặc các bộ độ lộ vòng eo hay váy ngắn... Tùy theo từng trường hợp, rạn da có thể phục hồi được hay không. Rạn da hay bất cứ bệnh lý nào cũng vậy, nên phòng tránh ngay từ đầu để hạn chế được các hậu quả về sau.

Tại Vinmec, chương trình chăm sóc thai sản trọn gói đem đến cho các sản phụ những kiến thức bổ ích qua các lớp học tiền sản, sản phụ hoàn toàn có thể đặt ra các câu hỏi để được bác sĩ giải đáp từ những kiến thức làm đẹp trong thai kỳ hay chế độ dinh dưỡng để thai nhi khỏe mà mẹ không tăng cân quá nhiều.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe