Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm màng não là bệnh thường xảy ra ở trẻ em (nhất là trẻ dưới 5 tuổi) trong mùa nắng nóng và mùa chuyển lạnh. Bệnh dẫn đến những nguy hiểm, các biến chứng nặng nề cho sự phát triển của trẻ.
1. Triệu chứng ở trẻ bị viêm màng não
Trẻ mắc viêm màng não sẽ có những dấu hiệu điển hình trong những ngày đầu tiên của bệnh hay xuất hiện sau một vài ngày sốt, ho, sổ mũi như:
- Đối với trẻ nhỏ thường sốt cao, bỏ bú, biếng chơi, ngủ nhiều, nôn ói, cổ cứng, bé còn thóp sẽ thấy dấu hiệu thóp phồng căng. Trong khi đó trẻ lớn cũng có biểu hiện tương tự như sốt cao, đau đầu, đau gáy, ăn uống kém, nôn ói và cổ cứng hơn hơn bình thường.
- Ở trẻ dưới 3 tháng tuổi nếu mức viêm màng não có thể không có biểu hiện sốt mà chỉ bỏ bú, khóc thét hay ngủ nhiều. Tình trạng nặng hơn sẽ thấy trẻ co giật, li bì, hôn mê...
Các triệu chứng của bệnh viêm màng não không diễn ra theo trình tự cụ thể nào và cũng không xuất hiện hết tất cả các triệu chứng ở từng trẻ bệnh. Nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị, tình trạng viêm màng não của trẻ sẽ ngày càng nặng hơn và gây ra những biến chứng nặng nề khó lường.
Diễn tiến của bệnh viêm màng não ở trẻ em tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu viêm màng não do vi trùng có thể gây tử vong hay để lại di chứng nặng khi không được điều trị kịp thời. Nếu nguyên nhân do siêu vi trùng thì viêm màng não sẽ tự khỏi cũng như đa số các trường hợp nhiễm siêu vi trùng khác.
2. Các biến chứng của viêm màng não ở trẻ em
Trẻ mắc viêm màng não nếu không được phát hiện, điều trị đúng cách sẽ gặp phải các biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề về sau. Cụ thể:
- Tổn thương dây thần kinh sọ não: viêm màng não mủ có thể gây tổn thương đến các dây thần kinh sọ não số II, III, IV, VI, VII, VIII...
- Biến chứng áp xe não, áp xe màng cứng, các ổ tụ mủ dọc huyết quản, viêm tắc tĩnh mạch, viêm quanh mạch máu não...
- Tắc nghẽn dịch não tủy và dày dính màng não gây cản trở lưu thông dịch não tủy, hội chứng não nước...
- Các biến chứng ngoài hệ thần kinh, tùy theo nguyên nhân gây viêm màng não ở trẻ như vi khuẩn có thể gây ra sốc độc tố, xuất huyết phủ tạng (gặp trong nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do màng não cầu), viêm khớp, viêm nội tâm mạc, viêm ngoại tâm mạc, viêm thận, viêm phổi...
Bên cạnh đó, trẻ mắc viêm màng não sẽ phải chịu các di chứng cụ thể. Sau viêm màng não mủ, trẻ bị chẩn đoán, điều trị muộn sẽ đối mặt với các di chứng sau:
- Trẻ có thể bị lác, điếc, câm, mù, hội chứng não nước...
- Tổn thương thần kinh khu trú gây liệt (liệt 1 chi, liệt nửa người, liệt hai chi dưới, tổn thương dây thần kinh sọ não...)
- Giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần...
- Động kinh.
Hậu quả nặng nề nhất của viêm màng não ở trẻ em là tử vong. Có nhiều nguyên nhân gây tử vong ở trẻ bị viêm màng não. Sớm có thể do suy hô hấp, phù não nặng, sốc không hồi phục, trường hợp muộn có thể do trẻ mắc biến chứng nhiễm khuẩn nặng ở não và ngoài não như (áp xe não, viêm phổi, viêm thận, loét rộng và suy kiệt, trạng thái mất não kéo dài dẫn đến suy não...)
3. Hạn chế tối đa biến chứng do viêm màng não ở trẻ bằng cách nào?
Việc phát hiện chẩn đoán viêm màng não sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong điều trị cũng như hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng, di chứng cho trẻ. Để chẩn đoán viêm màng não, cần dựa vào các yếu tố như hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc thường cấp tính, nặng, các hội chứng màng não rõ, phát triển nhanh, có đầy đủ triệu chứng. Để chẩn đoán được chính xác, cha mẹ khi phát hiện con có các triệu chứng, biểu hiện đã được nói đến ở trên, cần mang con đến bệnh viện ngay để được khám và xác định chính xác tình trạng, nguyên nhân của viêm màng não ở trẻ.
Tùy vào tình trạng viêm màng não cụ thể ở trẻ mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Trong đó, trẻ bệnh viêm màng não sẽ được kết hợp chẩn đoán căn nguyên, điều trị bằng kháng sinh sớm. Khi bệnh nhi được nghi ngờ bị viêm màng não mủ phải nhanh chóng được soi đáy mắt, chọc ống sống thắt lưng để lấy dịch não tủy nhuộm, soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn ngay. Sau đó sẽ được dùng kháng sinh sớm để theo dõi và điều chỉnh điều trị tùy theo tình trạng cụ thể.
Trẻ sẽ được chọn kháng sinh theo mầm bệnh và theo kháng sinh đồ, hoặc được truyền kháng sinh đường tĩnh mạch... Việc lựa chọn kháng sinh còn phụ thuộc vào tình trạng, cơ địa của trẻ, cũng như kinh nghiệm của bác sĩ điều trị. Phác đồ điều trị viêm màng não cho trẻ không giống nhau.
Song song với đó, trẻ bị viêm màng não sẽ được điều trị các triệu chứng của bệnh như chống phù não, an thần, chống co giật, trụy tim, chống suy thở, hạ sốt... tăng hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tóm lại, viêm màng não ở trẻ em là một bệnh khá nguy hiểm, đặc biệt là các biến chứng, di chứng mà bệnh gây ra sau đó đối với sự phát triển của trẻ về sau. Bởi vậy, cha mẹ cần để ý, phát hiện sớm các triệu chứng sớm của con và đưa có đến bệnh viện chẩn đoán, điều trị, hạn chế những biến chứng khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.