Khi nhắc đến bệnh lao, nhiều người thường nghĩ ngay lao phổi. Tuy nhiên, ngoài lao phổi thì lao hạch cũng là bệnh lý thường gặp và có nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu về những biến chứng của bệnh lao hạch qua bài viết dưới đây.
1. Tìm hiểu về bệnh lao hạch
Lao hạch thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em với tỷ lệ nữ mắc bệnh cao gấp đôi so với nam giới.
Trong hầu hết các trường hợp, lao hạch bạch huyết xuất hiện ở các vùng như cổ, nách, bẹn. Trong các trường hợp khác, lao hạch có thể có ở các cơ quan nội tạng, chẳng hạn như hạch mạc treo, hạch trung thất,... Bệnh thường kết hợp với lao phổi hoặc lao các cơ quan lân cận.
Bệnh lao hạch bao gồm 2 thể, đó là lao hạch sâu và lao hạch ngoại biên. Nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này là do trực khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể thông qua các con đường như tổn thương vì sang chấn, niêm mạc miệng, nhiễm khuẩn... Bệnh lao hạch thường xuất hiện ở cổ, hiếm gặp tại bẹn.
Người mắc bệnh lao hạch thường có biểu hiện hạch sưng to và phát triển theo thời gian. Lâu dần, hạch sưng và có dấu hiệu đau, kích thước không đều nhau. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sốt vào buổi chiều, người mệt mỏi và sút cân nhanh chóng.
Bệnh lao hạch được chẩn đoán bằng cách siêu âm, chọc hút bằng kim nhỏ, sinh thiết hoặc xét nghiệm đờm, máu và PCR lao...
2. Bệnh lao hạch có nguy hiểm không?
“Bị lao hạch có nguy hiểm không” là thắc mắc mà nhiều người muốn được giải đáp. Thực chất, đây không phải là một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng và có thể chữa khỏi được. Đây không phải là bệnh truyền nhiễm nên cần phải tuân theo chỉ định của bác sĩ để điều trị triệt để, tránh vi khuẩn lao xâm nhập vào các cơ quan khác của cơ thể.
Tuy nhiên, cũng không nên chủ quan, vì đây là căn bệnh khá phổ biến, thời gian tiến triển lâu dài và thường để lại nhiều di chứng, gây khó khăn trong sinh hoạt cũng như ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Một số bệnh nhân bị nặng để lại những vết sẹo biến dạng khó coi khiến họ khó chịu, tự ti và gặp nhiều vấn đề về tinh thần.
Bên cạnh đó, lao hạch thường kèm theo lao phổi. Mà bệnh lao phổi rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Chính vì vậy người bệnh lao hạch không nên chủ quan với căn bệnh này.
Một điểm cần lưu ý nữa là bệnh có chữa khỏi được hay không phụ thuộc phần lớn vào sức đề kháng của người bệnh. Vì vậy, mọi người hãy tích cực quan tâm đến sức khỏe của mình để hỗ trợ điều trị đạt kết quả tốt nhất.
3. Những biến chứng của bệnh lao hạch có thể gặp
Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng người bệnh không nên chủ quan bởi những biến chứng của lao hạch có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Thậm chí những biến chứng của bệnh lao hạch có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các biến chứng của bệnh lao hạch mà người bệnh có thể gặp đó là:
- Hạch to nhuyễn hóa;
- Rò mủ kéo dài;
- Tái phát nhiều lần;
- Các hạch dính lại với nhau;
- Lao hạch gây chèn ép dây thần kinh;
- Lao hạch lan sang các bộ phận khác.
Không phải người bệnh nào cũng gặp phải các biến chứng của bệnh lao hạch. Tuy nhiên, mỗi người bệnh cần có ý thức trong việc phối hợp điều trị, hạn chế để xảy ra biến chứng.
4. Điều trị lao hạch hiệu quả
Điều trị lao hạch là cả một quá trình cần sự phối hợp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Thời gian điều trị có thể nhanh hoặc chậm phụ thuộc vào người bệnh có kiên trì hay không. Điều trị lao hạch tích cực sẽ giúp người bệnh hạn chế được những biến chứng của bệnh lao. Hiện nay, lao hạch được điều trị bằng các phương pháp sau:
- Điều trị nội khoa: Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Uống thuốc đúng liều, thời gian và đặc biệt không được bỏ giữa chừng. Thời gian điều trị lao hạch nội khoa kéo dài khoảng 8 tháng. Trong đó khoảng 3 tháng đầu điều trị tấn công và sau đó điều trị duy trì. Mặc dù trong thời gian đầu điều trị, người bệnh có nhận thấy tình trạng sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần điều trị đủ theo liệu trình 8 tháng để đạt hiệu quả tốt nhất và phòng tránh bệnh tái phát.
- Điều trị ngoại khoa: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hạch. Tuy nhiên không phải trường hợp nào người bệnh cũng có thể sử dụng phương pháp này. Thông thường các trường hợp như lao hạch không thành mủ, u lympho lao hạch mới được chỉ định phẫu thuật ngoại khoa.
Tóm lại, đối với lao hạch, nếu không gặp phải các biến chứng thì bệnh có thể điều trị bởi các loại thuốc chống lao cơ bản. Điều quan trọng nhất ở đây là sự hợp tác của người bệnh trong điều trị. Ngoài ra, người bệnh cần nâng cao sức đề kháng bằng cách bổ sung dinh dưỡng, chăm tập thể dục để hạn chế nguy cơ bệnh lao hạch phát triển và tái phát.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.