Buồng trứng đa nang là bệnh lý nguy hiểm, khiến nữ giới không thể rụng trứng hoặc rối loạn phóng noãn. Nếu bị PCOS và nồng độ androgen tăng quá cao, bạn có nhiều khả năng mắc một số biến chứng. Tuy nhiên những ảnh hưởng của buồng trứng đa nang có thể khác nhau tùy từng phụ nữ.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. Tổng quan về buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) chỉ tình trạng buồng trứng của người phụ nữ chứa nhiều nang nhỏ, khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone nội tiết tố androgen.
Ở nam giới, nội tiết tố androgen được tạo ra trong tinh hoàn. Chúng tham gia vào quá trình phát triển cơ quan sinh dục nam và các đặc điểm khác của nam giới như lông trên cơ thể. Ở phụ nữ, nội tiết tố androgen được tạo ra trong buồng trứng, nhưng sau đó được chuyển thành estrogen. Đây là những hormone đóng vai trò quan trọng trong hệ thống sinh sản, cũng như sức khỏe của tim, động mạch, da, tóc, não và các bộ phận và hệ thống cơ thể khác.
Video đề xuất:
2. Biến chứng của buồng trứng đa nang: Khó mang thai
Ở người bình thường, một nang trứng trong một buồng trứng sẽ phóng ra một noãn mỗi tháng. Nếu một nang noãn khỏe mạnh không gặp được tinh trùng và thụ tinh, bạn sẽ không thể mang thai. Ở người bị buồng trứng đa nang, số lượng các nang noãn nhiềutrong buồng trứng có thể gây rối loạn nội tiết và cản trở quá trình rụng trứng.
Buồng trứng đa nang gây rối loạn nội tiết và là một trong những nguyên nhân thường gặp gây vô sinh hiếm muộn nếu không phát hiện sớm. Khi testosterone sinh ra quá nhiều trong buồng trứng, trứng phát dục chậm hoặc dừng phát triển dù chưa chín. Nang noãn không phát triển được, noãn không thể trưởng thành, vì vậy không có hiện tượng rụng trứng.
Người mắc PCOS thường có kinh nguyệt thưa, không đúng chu kỳ và không thấy hiện tượng trứng rụng hằng tháng. Siêu âm thường thấy xuất hiện từ –trền 10 nang nhỏ (kích thước dưới 10mm) trên một buồng trứng.
Không phải ai mắc đa nang buồng trứng cũng khó mang thai , bạn vẫn có thể mang thai nếu bị PCOS. Nhưng bệnh nhân thường phải dùng thuốc và phối hợp chặt chẽ với một chuyên gia sinh sản để tăng cơ hội mang thai.
3. Biến chứng của buồng trứng đa nang: Vấn đề về insulin
Các bác sĩ không chắc nguyên nhân gây buồng trứng đa nang PCOS, nhưng một giả thuyết cho rằng kháng insulin có thể khiến cơ thể bạn tạo ra quá nhiều nội tiết tố androgen.
Insulin là một loại hormone giúp các tế bào trong cơ thể hấp thụ đường (glucose) từ máu để sử dụng làm năng lượng. Nếu bạn bị kháng insulin, các tế bào trong cơ bắp, các cơ quan và mô không hấp thụ tốt lượng đường trong máu. Kết quả là bạn sẽ có quá nhiều đường di chuyển tự do trong máu. Đây được gọi là bệnh tiểu đường, có thể dẫn đến các vấn đề với hệ thống tim mạch và thần kinh của người bệnh. Nguy cơ này của buồng trứng đa nang rất dễ xảy ra ở những phụ nữ thừa cân, song đôi khi vẫn có thể gặp ở những bệnh nhân có cân nặng bình thường.
Bên cạnh đó, mức insulin cao cũng dẫn đến tăng cholesterol, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, từ đó gia tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch và đột quỵ. Bệnh buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ngay cả ở những phụ nữ thể trạng gầy ốm.
4. Biến chứng của buồng trứng đa nang: Ung thư nội mạc tử cung
Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có nguy cơ ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người bình thường. Đặc biệt, nguy cơ càng gia tăng ở bệnh nhân thừa cân.
Thông thường, estrogen sẽ tác động đến lớp nội mạc tử cung, khiến chúng dày lên để chuẩn bị đón trứng đã thụ tinh về làm tổ. Nếu người phụ nữ không thụ thai, lớp niêm mạc này sẽ bong ra và xuất hiện kinh nguyệt.
Trong khi đó, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc mất kinh - triệu chứng phổ biến của PCOS, sẽ khiến lớp niêm mạc tử cung dày lên mà không bong ra. Mức estrogen cao trong cơ thể chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
5. Các biến chứng của buồng trứng đa nang khác có thể xảy ra
Người mắc PCOS cũng có nguy cơ gặp các rối loạn chuyển hóa. Đây là một nhóm các triệu chứng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như chất béo trung tính cao và mức cholesterol HDL (“tốt”) thấp, huyết áp cao và lượng đường trong máu cao.
Một số tác hại của buồng trứng đa nang phổ biến khác bao gồm:
- Trầm cảm
- Lo âu
- Chảy máu tử cung
- Các vấn đề về giấc ngủ
- Viêm gan
- Di truyền (những bạn nữ có mẹ hay chị gái mắc đa nang buồng trứng có nhiều nguy cơ bị di truyền căn bệnh này).
Một số biến chứng của buồng trứng đa nang có thể không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng chúng có thể gây mất thẩm mỹ cho người phụ nữ. Chẳng hạn như:
- Lông cơ thể hoặc lông mặt mọc nhiều bất thường: Đây vừa là dấu hiệu thường gặp, vừa là ảnh hưởng của buồng trứng đa nang do tình trạng cường androgen
- Tóc mỏng trên đầu, hói đầu, rụng tóc
- Tăng cân ở khoảng giữa thân người (Ngược lại, béo phì cũng góp phần sinh bệnh đa nang buồng trứng. Cân nặng làm thúc đẩy các triệu chứng PCOS lâm sàng. Do đó kiểm soát cân nặng có thể giúp cải thiện tiên lượng bệnh.)
- Mụn trứng cá, sạm da và các vấn đề về da khác.
6. Giảm thiểu nguy cơ biến chứng như thế nào?
Bất chấp những nguy cơ gia tăng đối với các biến chứng trong PCOS, tất cả chúng đều có thể phòng ngừa được. Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn có thể làm là thực hiện những thay đổi tích cực lâu dài trong chế độ ăn uống hàng ngày và kế hoạch tập luyện thể dục của mình. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng về khẩu phần ăn. Bạn nên tăng cường thêm hoạt động thể lực hàng tuần để kiểm soát cân nặng.
Thực hiện xét nghiệm máu ít nhất hàng năm sẽ giúp bạn nhận biết các yếu tố nguy cơ của mình. Khám sức khỏe định kì, trao đổi với bác sĩ về các yếu tố nguy cơ của bạn và những loại thuốc hoặc chất bổ sung nào có thể giúp ngăn ngừa chúng. Chủ động với sức khỏe của bạn là chìa khóa để giành quyền kiểm soát PCOS trước khi nó kiểm soát bạn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com
Video đề xuất: