Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Tử cung là một cấu trúc hình quả lê lộn ngược trong khung chậu nằm phía sau bàng quang và phía trước trực tràng. Cùng với nhau, tử cung, âm đạo, buồng trứng và ống dẫn trứng tạo nên hệ thống sinh sản của người phụ nữ.
1. Bệnh sa tử cung
Sa tử cung xảy ra khi các cơ và dây chằng giữ tử cung tại chỗ trở nên yếu đi, khiến cho tử cung sa xuống gần bàng quang. Nhiều phụ nữ bị sa tử cung nhẹ đến trung bình khi họ già đi. Các triệu chứng phổ biến nhất là bí tiểu và rò rỉ nước tiểu, nhưng trường hợp nghiêm trọng cũng có thể gây đau, đặc biệt là trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Sa tử cung có thể bắt gặp ở bất cứ người phụ nữ nào, tuy nhiên bệnh này thường gặp ở những đối tượng sau:
- Phụ nữ sau sinh, đặc biệt đối với những người sinh con bằng đường âm đạo, thai nhi lớn hoặc thời gian chuyển dạ quá nhiều.
- Phụ nữ sau khi sinh mà không kiêng cữ, phải vận động nhiều, khiến đáy bụng phải co bóp quá nhiều, gây ra tổn thương và dẫn tới sa tử cung.
- Phụ nữ tiền mãn kinh, phụ nữ đã lớn tuổi.
Nhìn chung, sa tử cung tiến triển chậm. Theo thời gian, nếu không được xử trí thì ngày càng sa nhiều hơn, mức độ sa nhanh hay chậm tùy thuộc vào tuổi tác và mức độ lao động nặng hay nhẹ. Sa tử cung không gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nhưng có thể có một số các biến chứng kèm theo như:
- Loét âm đạo: Xảy ra khi người bệnh mắc bệnh ở mức độ cao nhất. Lúc này, tử cung sa xuống kéo theo một phần của lớp lót âm đạo nhô ra bên ngoài âm đạo và gây ra cọ xát với quần. Điều này có thể gây ra tình trạng lở loét âm đạo và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng.
- Sa cơ quan khác vùng chậu: Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh sẽ có thể gặp phải tình trạng sa các cơ quan khác ở vùng chậu, bao gồm trực tràng và bàng quang. Tình trạng sa các cơ quan vùng chậu có thể gây ra khó khăn trong việc bài tiết của người bệnh và nặng hơn là tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa tử cung. Điều trị nội khoa chỉ áp dụng đối với sa tử cung độ I hoặc sa độ II, III nhưng bệnh nhân quá già, quá trẻ, hoặc có bệnh toàn thân chống chỉ định phẫu thuật.
2. Bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung
Đây là căn bệnh lành tính nhưng cũng là khởi nguồn của một số bệnh phụ khoa nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Bệnh khá phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thời kỳ buồng trứng hoạt động mạnh hoặc do bẩm sinh.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường có nguyên nhân chủ yếu do viêm hoặc sang chấn như rách cổ tử cung, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô bên trong cổ tử cung gây nên lộ tuyến. Khi bị viêm lộ tuyến tử cung, bạn sẽ thấy các biểu hiện rõ rệt nhất là xuất hiện khí hư, cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại.
3. Bệnh lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng các mô, bình thường mô phát triển trong tử cung, cũng sẽ phát triển ngoài tử cung. Mô bên trong tử cung gọi là “Nội mạc tử cung”, còn mô bên ngoài tử cung được gọi là “lạc nội mạc tử cung”. Lạc nội mạc tử cung thường xảy ra ở buồng trứng, ống dẫn trứng, ruột, hoặc vị trí trước, sau và bên mặt tử cung.
Có trường hợp lạc nội mạc tử cung hầu như không có triệu chứng, nhưng cũng có trường hợp bị đau, xuất hiện u nang hoặc khó mang thai. Triệu chứng chủ yếu của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu, thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù nhiều người bị chuột rút trong kỳ kinh nguyệt, những người bị lạc nội mạc tử cung thường mô tả cơn đau kinh nguyệt tồi tệ hơn bình thường. Đau cũng có thể tăng theo thời gian.
Biến chứng chính của lạc nội mạc tử cung là suy giảm khả năng sinh sản. Khoảng một phần ba đến một nửa số phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung gặp khó khăn khi mang thai. Mặc dù vậy, nhiều người bị lạc nội mạc tử cung nhẹ đến trung bình vẫn có thể thụ thai và mang thai. Các bác sĩ có thể khuyên những người bị lạc nội mạc tử cung không nên trì hoãn việc có con vì tình trạng có thể xấu đi theo thời gian.
4. Bệnh polyp cổ tử cung
Polyp cổ tử cung là khối u lành tính phát triển từ mô đệm cổ tử cung và được che phủ bởi biểu mô, xuất phát từ ống cổ tử cung, có chân hoặc không có chân, kích thước có thể thay đổi từ vài mm đến vài cm, thường gặp ở phụ nữ sinh đẻ nhiều lần. Người bệnh có polyp cổ tử cung thường không có triệu chứng nhưng cũng có thể ra khí hư nhiều, rong huyết, ra máu sau giao hợp. Polyp tử cung thường lành tính, nhưng khoảng 1% các ca có chuyển dạng ác tính.
Nguyên nhân gây ra polyp cổ tử cung tuy chưa được làm rõ nhưng sự gia tăng quá mức estrogen được xem là yếu tố nguy cơ dẫn tới polyp cổ tử cung.
Polyp cổ tử cung gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản nữ giới: Nếu polyp nhỏ sẽ cản trở tinh trùng gặp trứng, còn nếu polyp phát triển lớn hơn có thể gây tắc cổ tử cung, bịt kín cổ tử cung gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh. Khi bị polyp cổ tử cung, khả năng thụ thai của người phụ nữ sẽ bị giảm đi đáng kể. Ở một góc độ nào đó khi phụ nữ bị mắc polyp tử cung có bị ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục: các triệu chứng của bệnh polyp cổ tử cung như khí hư ra nhiều, chảy máu âm đạo... có thể khiến lo lắng khi giao hợp, điều này cũng sẽ làm giảm sự hưng phấn.
Tuỳ thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể: Điều trị nội khoa hoặc điều trị ngoại khoa (phẫu thuật cắt polyp, đốt chân polyp bằng điện).
5. Bệnh u xơ tử cung
U xơ tử cung là là bệnh lý phụ khoa phổ biến ở mọi độ tuổi, nhất là phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ, đang mang thai hoặc mãn kinh. U xơ tử cung là khối u lành tính của tế bào cơ trơn tử cung. Tùy theo vị trí khối u xơ có thể chia thành: Dưới thanh mạc, trong cơ tử cung, dưới niêm mạc, có thể ở cổ tử cung hoặc trong dây chằng rộng.
U xơ tử cung không liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư tử cung và hầu như không bao giờ phát triển thành ung thư.
Nhiều phụ nữ đôi khi bị u xơ tử cung trong suốt cuộc đời. Nhưng hầu hết chị em không biết họ bị u xơ tử cung vì bệnh thường không gây ra triệu chứng nào. Bác sĩ có thể phát hiện ra u xơ trong một cuộc kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm trước khi sinh. Ở những phụ nữ có triệu chứng, các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của u xơ tử cung bao gồm: Chảy máu kinh nguyệt nặng, chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn một tuần, đau vùng chậu, đi tiểu nhiều lần, táo bón, đau lưng, đau chân,..
Mặc dù u xơ tử cung thường không nguy hiểm, nhưng chúng có thể gây khó chịu và có thể dẫn đến các biến chứng như giảm hồng cầu (thiếu máu), gây mệt mỏi, mất máu nặng. U xơ thường không ảnh hưởng đến việc mang thai. Tuy nhiên, u xơ dưới niêm mạc có thể gây vô sinh hoặc sảy thai. U xơ cũng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ nhất định, chẳng hạn như vỡ nhau thai, hạn chế tăng trưởng của thai nhi và sinh non.
Điều trị u xơ tử cung có thể bằng biện pháp theo dõi, điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Mục tiêu điều trị nhằm làm giảm nhẹ các triệu chứng (xuất huyết tử cung bất thường, đau, các triệu chứng do chèn ép,...), làm giảm kích thước u xơ. Việc lựa chọn cách thức can thiệp phụ thuộc nhiều yếu tố như: kích thước, vị trí khối u, các triệu chứng kèm theo, nguyện vọng của bệnh nhân (giá thành, mong muốn bảo tồn tử cung,...).
6. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một khối u ác tính trong các mô của cổ tử cung. Hai loại bệnh ung thư cổ tử cung chính là: Ung thư tế bào vảy, là loại phổ biến nhất, và ung thư tuyến. Các nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung vẫn chưa được biết. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một phụ nữ như nhiễm virus HPV (tên của một nhóm virus gây mụn cơm) và hút thuốc, vốn sẽ làm sản sinh ra các hóa chất làm tổn hại các tế bào của cổ tử cung và làm bệnh ung thư dễ phát triển hơn.
Nếu các biến đổi tế bào ban đầu phát triển thành bệnh ung thư cổ tử cung, các dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh; chảy máu sau khi quan hệ tình dục; đau trong lúc quan hệ tình dục; âm đạo tiết dịch bất thường; âm đạo chảy máu sau khi mãn kinh; mệt mỏi quá độ; đau hoặc sưng chân; đau lưng dưới.
Tất cả các triệu chứng này xuất hiện ở nhiều chứng bệnh và có thể không đồng nghĩa với việc bạn mắc bệnh ung thư cổ tử cung, nhưng, nếu bạn có những triệu chứng này, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra. Hầu hết các biến đổi bất thường nhất trong các tế bào cổ tử cung được phát hiện bởi phép xét nghiệm phết (Pap test). Một người phụ nữ nên xét nghiệm phết hai năm một lần.
Phẫu thuật là phương pháp phổ biến đối với các khối u nhỏ chỉ tìm thấy trong cổ tử cung. Phạm vi của bệnh ung thư trong cổ tử cung sẽ quyết định loại phẫu thuật cần tiến hành. Có thể là phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung để duy trì khả năng sinh con, sinh thiết chóp, hoặc phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Phương pháp điều trị có thể bao gồm trị liệu bằng bức xạ (bên ngoài hoặc bên trong); hóa học trị liệu; kết hợp hóa trị với bức xạ. Với những người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ sẽ giúp tăng chất lượng cuộc sống bằng cách giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh ung thư. Phương pháp điều trị có thể bao gồm giảm đau và kiểm soát các vấn đề cơ thể hoặc cảm xúc.
Hiện nay, tại hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang áp dụng gói Khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản.
- Với đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân
- Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả
- Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa
- Đảm bảo trọn vẹn sự an toàn và riêng tư cho khách hàng.
- Mô hình quản lý, chia sẻ và kết nối dữ liệu thông tin trực tuyến hiện đại, hiệu quả tối ưu.
Bác sĩ Lê Nhất Nguyên có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Sản phụ khoa. BS nguyên là bác sĩ khoa sản bệnh viện Nhân Dân Gia Định TPHCM. BS có chuyên môn cao và thế mạnh trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa. Hiện tại là Bác sĩ Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.