Các bất thường trên da có thể gặp ở trẻ

Vì da trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh khá nhạy cảm với môi trường xung quanh nên rất có khả năng mắc các bệnh về da ở trẻ sơ sinh. Khi môi trường thay đổi, thời tiết nắng nóng oi bức thì làn da của trẻ em lại càng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và gây ra các bệnh lý như mụn đầu trắng, mụn nước ở tay trẻ, chàm da...

1. Chàm sữa

Đây là một thể bệnh của chàm da, xuất hiện ở những trẻ có bố mẹ mắc phải những tình trạng dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng, chàm..

Biểu hiện của chàm sữa là những nốt mụn nhỏ màu trắng li ti xuất hiện ở vùng mặt của trẻ em, sau đó sẽ bị vỡ ra và tạo thành một vùng da màu đỏ có dịch vàng, vảy và làm trẻ bị ngứa. Chàm sữa thường xảy ra vào giai đoạn trẻ 3 tháng tuổi, tái phát và sẽ hết hẳn khi trẻ lên 2 tuổi. Trong những trường hợp chàm sữa, có thể sẽ phải sử dụng thuốc nếu chàm sữa nặng gây ngứa và nhiễm trùng.

2. Mụn đầu trắng

Mụn đầu trắng xuất hiện khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Nguyên nhân của bệnh lý mụn đầu trắng là do bít những tuyến tiết chất nhầy ở vùng mũi và má của trẻ em làm nổi lên những hạt mụn đầu trắng. Bệnh lý mụn đầu trắng không cần điều trị mà sẽ tự biến mất và hồi phục.

Trắc nghiệm: Sự phát triển tinh thần, vận động của bé thế nào là đúng chuẩn?

Khi nào bé biết nói, biết hóng chuyện hay biết cầm cốc là "đúng chuẩn"? Điểm xem bạn biết được bao nhiêu mốc phát triển tinh thần, vận động "đúng chuẩn" của bé nhé!

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

3. Tổ đỉa

Tổ đỉa là bệnh về da ở trẻ em do tình trạng viêm nhiễm ở lớp thượng bì của da là cho trẻ bị ngứa toàn thân và gầy sụt cân. Bệnh lý tổ đỉa thường do yếu tố di truyền, dị ứng thời tiết, thực phẩm hoặc do tiếp xúc với bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật... Biểu hiện ở bệnh tổ đỉa đó là trẻ bị ngứa nổi mụn nước từng đám. Mụn nước có thể móc ở nhiều nơi, có thể là mụn nước ở tay trẻ, mụn có màu trắng đục, khó vỡ, khi xẹp đi thì chuyển thành màu vàng, thậm chí có thể làm cho trẻ bị ngứa toàn thân, làn da bị sưng đỏ, có thể có nóng và sốt. Bệnh cần được điều trị kịp thời tại những cơ sở y tế để tránh những nguy hiểm cho trẻ.

4. Hăm tã

Đây là bệnh lý về da gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 15 tháng tuổi hoặc trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Nguyên nhân hăm tã là do da của trẻ bị chà sát hoặc vùng da này không được giữ thông thoáng mà bị ứ nước tiểu, phân và những chất gây kích ứng khác như bột giặt ngấm ở tã. Kết quả là những tác nhân này đã tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp xúc với da của trẻ, làm da trẻ tấy đỏ, hăm và nếu kéo dài có thể dẫn đến mụn mủ. Ngoài ra, một số biểu hiện kèm theo của hăm tã đó là sốt và có thể có tiêu chảy.


Hăm tã: bệnh lý về da gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 15 tháng tuổi
Hăm tã: bệnh lý về da gặp ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 15 tháng tuổi

5. Bớt sắc tố

Bệnh xảy ra khi trẻ xuất hiện những bớt tím nhạt kích thước khác nhau ở vùng lưng, mông khi vừa mới sinh ra. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự ứ đọng những tế bào sắc tố của da và nó không ảnh hưởng đến những vấn đề sức khỏe của trẻ, sẽ tự nhạt màu dần và biến mất sau một thời gian khoảng 1 năm đầu.

6. Rôm sảy

Nguyên nhân gây ra rôm sảy ở trẻ em chủ yếu là do thời tiết nắng nóng và oi bức khiến cho da trẻ em tiết ra nhiều mồ hôi hơn, sau đó mồ hôi bị ứ đọng không thể thoát ra ngoài được, kết quả là da trẻ luôn trong trạng thái không được thông thoáng mát mẻ. Biểu hiện của bệnh rôm sảy là da trẻ em xuất hiện những hạt nhỏ màu hồng, cứng, có thể có nước bên trong. Vị trí thường xảy ra rôm sảy đó là lưng, bả vai, ngực và tay chân.

7. Chốc lây

Biểu hiện của bệnh chốc lây đó là da trẻ em có những bọng nước tròn dẹt nổi lên, sau đó đục dần và vỡ ra, đóng thành vẩy sau đó khoảng vài giờ đồng hồ. Căn bệnh chốc lây có thể lan từ ra những vùng da lân cận và lây từ người này sang người khác. Để điều trị chốc lây, các bé sẽ được chỉ định những loại thuốc uống, thuốc bôi hoặc kết hợp cả hai loại.

8. Da khô và có mảng bong tróc

Da của trẻ có tình trạng khô và bong tróc những mảng biểu bì nhỏ. Tình trạng này sẽ có khả năng tự phục hồi và da sẽ mềm mại trở lại sau khoảng thời gian là vài tuần. Nếu tình trạng da khô và mảng bong tróc này kéo dài thì mới cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

9. Da “cứt trâu”

Khi tế bào da của trẻ phát triển nhanh và tiết ra nhiều chất nhờn. Những tế bào này đóng lại thành những màng vảy gọi là “cứt trâu”. Những vùng hay có da “cứt trâu” là vùng đầu, lông mày, mí mắt, khóe mũi, da sau tai. Tình trạng này không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ và sẽ tự biến mất khi trẻ lên 1 hoặc 2 tuổi. Một số lưu ý đối với tình trạng da “cứt trâu” ở trẻ đó là phụ huynh không nên dùng tay để tự gỡ những lớp màng vẩy này vì có nguy cơ làm rách lớp da mỏng của trẻ dẫn đến nhiễm trùng.

10. Da cháy nắng


Khi trẻ không được tắm nắng đúng cách thì có thể dẫn đến tình trạng cháy nắng
Khi trẻ không được tắm nắng đúng cách thì có thể dẫn đến tình trạng cháy nắng

Khi trẻ không được tắm nắng đúng cách thì có thể dẫn đến tình trạng cháy nắng. Với những trường hợp trẻ sinh đủ tháng và không gặp những vấn đề về sức khỏe thì có chỉ định tắm nắng sau 3 ngày tuổi. Còn với tình trạng những trẻ đã bị cháy nắng, da trẻ sẽ trở nên đỏ ửng và gây rát. Để xử lý tại nhà những trường hợp này các phụ huynh có thể dùng khăn đã cho vào nước mát để đắp vào những vùng da bị cháy nắng.

11. Nhọt da

Những trẻ em có sở thích ăn ngọt cùng với việc sống trong môi trường vệ sinh kém sẽ góp phần hình thành nhọt do sự viêm nang lông và viêm những vùng lân cận. Nguyên nhân bệnh sinh của nhọt da chính là do cơ thể bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Biểu hiện của nhọt da đó là vùng da bị nổi nhọt sưng, nóng, đỏ, đau rồi vỡ và chảy mủ ra, kết quả là để lại sẹo trên da của trẻ. Trong trường hợp này, trẻ cần được điều trị kháng sinh và có thể phải rạch dẫn lưu mủ khi cần thiết.

12. Ghẻ

Bệnh ghẻ do nguyên nhân là ký sinh trùng Sarcoptes Scabiei. Biểu hiện đặc trưng của ghẻ là những mụn nước ở kẽ ngón tay, ngón chân, bụng và cơ quan sinh dục khiến trẻ bị ngứa về đêm. Đối với tình trạng ghẻ, trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế để chữa trị, đồng thời cần phải tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên giặt mền gối, nệm, ra giường và phơi ngoài nắng để diệt bỏ ký sinh trùng gây bệnh, hạn chế lây lan bệnh.

13. Mụn cóc

Trẻ khi bị nhiễm virus Papilloma do tiếp xúc với người đã nhiễm bệnh này trước đó. Biểu hiện của tình trạng này đó là da trẻ sẽ nổi những mụn cóc là những nốt sần sùi và khô ráp, cuống nổi trên bề mặt da, vị trí mụn cóc thường ở ngón tay, ngón chân. Mụn cóc không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ nhưng khiến da bé bị nổi sần như da gà nên nhìn không được sạch sẽ. Điều trị mụn cóc có thể dùng thuốc bôi hoặc chiếu tia laser để cắt bỏ.

14. Nấm da

Biểu hiện của nấm da ở trẻ em là những đốm trên da với những màu sắc bất thường so với những vùng da khác của cơ thể. Những đốm nấm da có thể là đỏ, sần sùi, bợn trắng và gây ngứa cho trẻ rất nhiều đặc biệt khi trẻ tiếp xúc với ánh nắng và khi đổ mồ hôi nhiều. Ngoài ra, trẻ còn có có thể bị rụng tóc nếu xuất hiện nấm trên da đầu. bệnh được điều trị bằng bôi thuốc hay uống thuốc kháng nấm.

Mụn đầu trắng, chàm sữa, chốc lây, nấm da, ghẻ hay tổ đỉa là những tình trạng bệnh lý ở da xuất hiện khá phổ biến đối với trẻ sơ sinh. Vì vậy, phụ huynh cần biết những dấu hiệu của bệnh và cách xử lý để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời nhằm chữa trị cho trẻ và không để lại những hậu quả về sức khỏe cũng như về thẩm mỹ trên da của trẻ về sau này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe