Thận dương và thận âm là hai cơ quan thuộc khái niệm trong đông y, có vai trò quan trọng đối với cơ thể. Khi thận âm hư có thể ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt và sinh lý con người. Tìm hiểu các thuốc chữa thận âm hư sẽ giúp người bệnh cải thiện hiệu quả tình trạng này.
1. Thận âm hư là gì?
Theo khái niệm của Y học cổ truyền, thận âm là một cơ quan có vai trò chính trong vận hành vật chất dinh dưỡng, tinh huyết từ đó giúp cơ thể con người luôn khỏe mạnh. Đồng thời, cơ quan này còn đảm nhận việc duy trì sự cương dương và kéo dài thời gian quan hệ.
Thận âm hư là tình trạng thận âm bị suy yếu vì các nguyên nhân nào đó, làm giảm đi khí lực, tinh lực. Tình trạng thận âm hư sẽ làm mất cân bằng âm dương, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt là trong vấn đề sinh lý.
Các tác nhân gây thận âm hư theo Y học cổ truyền bao gồm ngũ tâm phiền nhiệt, phù dương bốc lên, âm dịch thân không đủ hoặc khô, hỏa can ở thận, những người dâm dục quá độ hay kỳ cuối của bệnh nhiệt, mắc bệnh quá lâu hoặc do dùng thuốc chữa không đúng...
2. Biểu hiện của thận âm hư
Thận âm hư có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, với các biểu hiện bao gồm:
Dấu hiệu thận âm hư ở nam giới
- Di tinh, mộng tinh hoặc hoạt tinh.
- Khó cương cứng hoặc giảm thời gian cương cứng dương vật.
- Khí lực và tinh lực bị kém đi.
- Chất lượng tinh trùng kém và ngày càng suy giảm số lượng.
- Đau đầu thường xuyên, hay cáu gắt.
- Đau mỏi lưng, bốc hỏa.
- Đổ mồ hôi trộm.
Dấu hiệu thận âm hư ở nữ giới
- Rối loạn kinh nguyệt theo dạng vô kinh hoặc hành kinh ít.
- Cơ thể mệt mỏi, hơi thở yếu, thở mệt.
- Ăn uống kém, chán ăn, nhạt miệng.
- Đau các khớp xương, đặc biệt là ở lưng, đầu gối.
- Ít nói, tinh thần uể oải.
- Tứ chi lạnh, hay bị rùng mình.
3. Thuốc điều trị thận âm hư
Theo Y học cổ truyền, muốn điều trị dứt điểm tình trạng thận âm hư, trước hết phải nhận định được đúng cụ thể căn nguyên gây ra bệnh. Đồng thời, dựa vào các dấu hiệu đặc trưng ở bệnh nhân mà có sự tăng giảm các vị thuốc cho phù hợp. Dưới đây là các bài thuốc điều trị thận âm hư thường chỉ định, bệnh nhân có thể tham khảo.
Thận âm hư gây ra chứng đau lưng (hay chứng yêu thống)
- Triệu chứng bao gồm đau lưng và chi dưới. Lưng và chi dưới đau dữ dội khi vận động, các triệu chứng sẽ giảm khi nằm nghỉ. Kèm theo triệu chứng đau là biểu hiện hoa mắt, nhìn mờ.
- Nguyên liệu bài thuốc: Chuẩn bị 16 gram Thục địa, 12 gram Hoài sơn, 12 gram Cao qui bản, 12 gram Cẩu kỷ tử, 12 gram Lộc giác giao, 4 gram Ngưu tất, 6 gram Sơn thù, 12 gram Thủ ty tử.
- Các pha thuốc: Rửa sạch nguyên liệu với nước, tất cả các vị thuốc đem cho vào ấm nước đun sôi với lượng vừa đủ. Khi nào còn khoảng 1⁄2 lượng nước thì tắt bếp.
- Cách uống: Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống khoảng 3 lần trong ngày. Với bài thuốc này, bệnh nhân uống liên tục và duy trì từ 2 – 3 tháng theo chỉ định của thầy thuốc Đông y cho đến khi triệu chứng của bệnh thuyên giảm.
Thận âm hư sinh chứng hư lao
- Triệu chứng bao gồm cơ bắp bì phù, tân dịch và khí huyết trong cơ thể, mệt mỏi nhiều. Đồng thời, bệnh nhân còn cảm giác cáu gắt vô cớ, mừng giận thất thường, bực tức thường xuyên do tinh huyết hao kiệt.
- Bài thuốc thứ nhất: Sử dụng 160 gram hoàng bá, 160 gram tủy trong cột sống của lợn, 160 gram tri mẫu, 240 gram qui bản, 240 gram thục địa. Đem tất cả nguyên liệu tán thành bột mịn và hoàn mật vào mỗi viên khoảng 5 gram. Uống mỗi lần 2 viên và 3 lần trong ngày. Duy trì trong vòng 3 tháng cho đến khi triệu chứng giảm dần.
- Bài thuốc thứ hai: Chuẩn bị 26 gram Thục địa, 12 gram Câu kỷ tử, 12 gram Phục linh, 12 gram Đỗ trọng, 12 gram Thỏ ty tử, 12 gram Hoài sơn, 8 gram Sơn thù du và 8 gram Đương quy. Rửa toàn bộ nguyên liệu với nước sạch và cho vào ấm sắc cùng khoảng 6 bát nước. Đun cạn còn khoảng 3 bát thuốc, chia thành 3 lần uống trong ngày. Cần hâm nóng lại khi uống để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thận âm hư gây ra bế kinh
- Triệu chứng chỉ xuất hiện ở phụ nữ bao gồm kinh nguyệt đến muộn hoặc lượng kinh ra ít. Bệnh nhân có thể bị bế kinh sau một thời gian.
- Bài thuốc: Chuẩn bị 8 gram Sơn thù, 12 gram Cẩu kỷ tử, 26 gram Thục địa, 8 gram Đương qui, 12 gram Đỗ trọng, 12 gram Phục linh, 12 gram Thỏ tỷ tử, 12 gram Hoài sơn.
- Cách uống: Mỗi ngày 1 thang thuốc sắc uống 3 lần. Nên uống thuốc sau khi đã ăn để tránh gây ảnh hưởng lên đường tiêu hóa.
Thận âm hư gây ra choáng váng
- Bài thuốc chữa thận âm hư: Sử dụng 12 gram Hoài sơn, 12 gram Đan bì, 8 gram Sơn thù, 16 gram Thục địa, 12 gram Trạch tả, 12 gram Cúc hoa và 12 gram Bạch linh.
- Cách uống: Sắc thuốc và chia uống 3 lần mỗi ngày. Để thuốc phát huy tác dụng hiệu quả nên uống trước khi ăn hoặc vào lúc đói.
4. Các loại thực phẩm hỗ trợ điều trị thận âm hư
Ngoài các bài thuốc điều trị, bệnh nhân bị thận âm hư nên ăn các thực phẩm thanh mát có tác dụng sinh tân dưỡng âm dưới đây, nhằm giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục bệnh:
- Thịt vịt: Thực phẩm này có tác dụng bổ âm và thanh hư nhiệt của cả năm tạng trong cơ thể. Vì vậy, bổ sung thịt vịt khoảng 2 – 3 lần trong tuần giúp cải thiện triệu chứng của tình trạng thận âm hư.
- Cật lợn: Giúp cung cấp các thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nói chung và thận âm nói riêng như Vitamin A, Vitamin B1, Canxi, Sắt và Phospho...
- Trứng gà: Các chất dinh dưỡng có trong trứng gà có hiệu quả trong việc tư âm nhuận táo. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên sử dụng 1 – 2 quả trong một tuần và tốt nhất nên ăn cả lòng đỏ và lòng trắng.
- Sò điệp: Giúp cải thiện các triệu chứng của thận âm hư, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
- Lươn: Giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, lo âu và giúp tăng cường chất lượng tinh trùng ở nam giới.
Ngoài ra, bệnh nhân bị thận âm hư nên tránh sử dụng các loại đồ ăn, thức uống sau:
- Thực phẩm chứa nhiều muối, nhiều đường.
- Các đồ ăn và thức uống chứa quá nhiều hàm lượng Kali và Phospho
- Thực phẩm giàu Protein
- Không sử dụng rượu bia hoặc hút thuốc lá, các chất kích thích...
Thận âm hư là một tình trạng thường gặp ở cảm nam giới và nữ giới, gây những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe nói chung và sinh lý tình dục nói riêng. Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị tình trạng thận âm hư, trong đó phải kể đến các bài thuốc Y học cổ truyền. Tuy nhiên, trước khi quyết định sử dụng bất kỳ bài thuốc điều trị nào, bệnh nhân nên được thăm khám và tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo hiệu quả và an toàn trong quá trình chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.