Bướu giáp nhân là thuật ngữ chỉ sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp hình thành một khối. Bướu giáp nhân 2 thuỳ là khi nhân giáp xuất hiện ở cả hai thùy giáp. Mặc dù phần lớn các trường hợp có nhân giáp 2 thùy là lành tính, một tỷ lệ nhỏ các nhân tuyến giáp lại có chứa tế bào ung thư.
1. Bướu giáp nhân 2 thùy là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có dạng hình con bướm và vị trí nằm ở phía trước cổ. Tuyến giáp có 2 thùy nằm hai bên là thùy bên phải và thùy bên trái, kết nối với nhau thành một khối với thùy eo rất nhỏ. Chức năng của tuyến giáp là tạo ra các hormone tuyến giáp, được tiết vào máu và sau đó được vận chuyển đến mọi tổ chức mô cơ quan trong cơ thể. Hormon tuyến giáp giúp cho cơ thể vận động sử dụng năng lượng, giữ ấm và giữ cho não, tim, cơ bắp cũng như các cơ quan khác hoạt động như bình thường.
Bướu giáp nhân là khi trong nhu mô tuyến giáp có sự phát triển bất thường thành dạng khối của các tế bào tuyến giáp. Nếu tuyến giáp chỉ có một nhân gọi là nhân giáp đơn độc; nếu có từ 2 nhân trở lên gọi là 2 nhân hay đa nhân tuyến giáp. Trong trường hợp bướu giáp có nhân và các nhân đều thuộc một trong cả hai thùy sẽ được gọi là bướu giáp nhân 2 thùy.
Dù 1 nhân, 2 nhân hay nhiều nhân, số lượng hay vị trí của nhân sẽ ít được lưu tâm như kích thước, khả năng nội tiết của nhân. Nếu bệnh nhân có nhân lớn và bài tiết ra hormone tuyến giáp sẽ cần xem xét điều trị can thiệp sớm.
2. Triệu chứng của bướu giáp nhân 2 thùy là gì?
Nếu có kích thước nhỏ và không bài tiết ra hormone tuyến giáp, hầu hết các nhân tuyến giáp không gây ra triệu chứng. Thông thường, bướu giáp nhân 2 thùy được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe thông thường hoặc trên các xét nghiệm hình ảnh như quét CT hoặc siêu âm vùng cổ. Bên cạnh đó, cũng có một số bệnh nhân tự tìm ra các nhân tuyến giáp bằng cách nhận thấy một khối u ở cổ khi tự sờ hay khi nhìn vào gương, gặp khó khăn khi cài nút cổ áo hoặc đeo dây chuyền.
Ngoài ra, các nhân tuyến giáp cũng có thể sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp gây ra hội chứng cường giáp trên lâm sàng. Mặt khác, khi nhân giáp tăng kích thước, người bệnh sẽ đi khám vì đau ở cổ, hàm hoặc tai. Nếu nhân giáp đủ lớn để chèn vào khí quản hoặc thực quản, bệnh có thể gây khó thở, khó nuốt hoặc gây ra tiếng tích tắc trong cổ họng. Thậm chí, dấu hiệu khàn giọng cũng có thể xuất hiện nếu nhân giáp xâm lấn dây thần kinh kiểm soát dây thanh âm và điều này thường có khả năng là nhân giáp hóa ác hay ung thư tuyến giáp.
Một số ít trường hợp phát hiện thấy nhân giáp 2 thùy là khi các xét nghiệm chức năng tuyến giáp bất thường trong bộ xét nghiệm máu thường quy.
3. Những nguyên nhân gây ra bướu giáp nhân 2 thùy là gì?
Cho đến nay, những nguyên nhân gây ra bướu giáp nhân 2 thùy là gì vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng dù tình trạng xuất hiện của các nhân trong tuyến giáp lại cực kỳ phổ biến. Ở tuổi 60, khoảng gần 50% dân số là có một khối u tuyến giáp và có thể được tìm thấy thông qua thăm khám hoặc bằng hình ảnh học. May mắn thay, hơn 90% các nhân như vậy là lành tính.
Một số nghiên cứu dịch tễ học cho thấy viêm tuyến giáp Hashimoto là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh suy giáp và có liên quan đến việc tăng nguy cơ hình thành các nhân tuyến giáp. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng thiếu iốt, dù đã trở nên rất hiếm gặp trong đời sống hiện nay, cũng được biết là nguyên nhân gây ra các nhân tuyến giáp.
4. Bướu giáp nhân 2 thùy được đánh giá và chẩn đoán như thế nào?
Một khi các nhân giáp đã được phát hiện, bác sĩ sẽ cố gắng xác định xem phần còn lại của nhu mô tuyến giáp có khỏe mạnh hay không hoặc toàn bộ tuyến giáp đã bị ảnh hưởng bởi một tình trạng chung là cường giáp hoặc suy giáp.
Bác sĩ cũng cần thăm khám bằng tay để cảm nhận tuyến giáp, xem xét liệu toàn bộ tuyến giáp có bị tăng kích thước, tuyến giáp có bao nhiêu nhân, vị trí và kích thước của các nhân.
Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ban đầu có thể bao gồm đo nồng độ hormone tuyến giáp (thyroxine hoặc T4) và hormone kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu để xác định xem chức năng của tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không. Song song đó, việc khảo sát bằng công cụ hình ảnh học cũng cho phép xác định cấu trúc bất thường trong mô giáp là nhân giáp hay nang giáp hay u sùi trong ung thư giáp. Phương pháp thường được lựa chọn là siêu âm tuyến giáp.
Thực sự, siêu âm tuyến giáp là một công cụ quan trọng để đánh giá sự hiện diện của các nhân trong tuyến giáp. Cơ chế hoạt động của siêu âm nói chung, siêu âm tuyến giáp nói riêng, là sử dụng sóng âm thanh ở tần số cao để thu được hình ảnh của tuyến giáp. Công cụ này cho phép quan sát tuyến giáp với tính chính xác, phân biệt cấu trúc dạng khối trong nhu mô giáp là nhân giáp, nang giáp hay u sùi, tuyến giáp cân đối hay tăng kích thước thành bướu giáp. Hơn thế nữa, siêu âm cũng có thể giúp xác định các nốt đáng nghi ngờ là nhân giáp lành tính hay ung thư tuyến giáp.
Đồng thời, để việc phân biệt này đạt “tiêu chuẩn vàng”, siêu âm sẽ được sử dụng để định hướng chọc hút tuyến giáp bằng cách chọc kim, lấy tế bào và làm sinh thiết.
5. Làm cách nào để điều trị bướu giáp nhân 2 thùy?
Trong trường hợp người bệnh có bướu giáp nhân 2 thùy với kích thước nhỏ, không gây ảnh hưởng gì xung quanh, không làm mất cân bằng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu, việc điều trị bướu giáp nhân 2 thùy có thể trì hoãn. Người bệnh không cần can thiệp nội ngoại gì nhưng được lên lịch theo dõi định kỳ.
Ngược lại, nếu chỉ có một nhân giáp nhưng lại có kích thước to, gây chèn ép xung quanh, làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp gây ra hội chứng cường giáp hoặc nhân giáp gây chèn ép nhu mô tuyến giáp bình thường, giảm sản xuất hormone tuyến giáp gây ra hội chứng suy giáp, việc điều trị là có chỉ định và cần thực hiện càng sớm càng tốt. Biện pháp can thiệp nên là phẫu thuật tuyến giáp qua nội soi hay mổ hơn để bóc tách lấy nhân giáp. Trong đó, nếu đây là ung thư tuyến giáp, khả năng cắt trọn tuyến giáp và nạo hạch xung quanh cần được lựa chọn. Song song đó, người bệnh có thể điều trị nội khoa kết hợp như dùng thuốc ức chế tuyến giáp nếu là cường giáp hay bổ sung hormone tuyến giáp nhân tạo sau khi cắt toàn bộ tuyến giáp.
Tuy nhiên, dù là bệnh cảnh nào, dù đã can thiệp triệt để hay chưa, tất cả các nhân tuyến giáp từ khi được phát hiện là không loại trừ được khả năng có chứa tế bào ung thư tuyến giáp. Từ đó, việc siêu âm theo dõi kết hợp với chọc kim sinh thiết cần thực hiện định kỳ sau 6 đến 12 tháng và khám tuyến giáp tại bác sĩ chuyên khoa hàng năm. Nếu ghi nhận bằng chứng tăng trưởng bất thường, cần xem sẽ phẫu thuật sớm, tránh dự hậu kém khả quan về sau.
Tóm lại, bướu giáp nhân 2 thùy là một chẩn đoán lành tính đối với sự hiện diện của 2 nhân giáp trên hai bên thùy giáp. Tuy nhiên, bất kì bệnh cảnh nào cũng cần được thăm khám và làm xét nghiệm, bao gồm cả sinh thiết bằng chọc kim, nhằm loại trừ được ung thư giáp cũng như các ảnh hưởng từ nhân giáp gây ra.
Các bệnh về tuyến giáp thường bị bỏ sót không được chẩn đoán từ 20 - 60% trong tổng số người mắc bệnh. Đó là lý do để Vinmec cho ra đời Gói tầm soát, sàng lọc các bệnh lý về tuyến giáp. Sàng lọc & phát hiện sớm các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến như: bướu cổ đơn thuần, cường giáp, suy giáp, viêm tuyến giáp, nhân tuyến giáp, ung thư tuyến giáp, ... để từ đó có biện pháp điều trị thích hợp, kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.