Bọc răng sứ có bị hôi miệng không?

Bọc răng sứ là kỹ thuật thẩm mỹ được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên nhiều người cho rằng sau khi bọc răng sứ sẽ bị hôi miệng. Vậy theo các chuyên gia thì bọc răng sứ có bị hôi miệng không và nếu có thì tại sao bọc răng sứ lại bị hôi miệng?

1. Bọc răng sứ có bị hôi miệng không?

Bọc răng sứ bị hôi miệng là tình trạng tương đối phổ biến, tuy nhiên nguyên nhân do đâu thì không phải ai cũng biết. Bản chất của kỹ thuật bọc răng sứ là sử dụng những mão răng giả được đúc từ sứ để chụp lên phần trụ răng thật (đã được mài trước đó) một cách chắc chắn và cố định. Qua đó phục hồi tính thẩm mỹ cho những người bị tổn thương, răng khiếm khuyết về hình thể, tình trạng răng thưa hay hô móm nhẹ... Kỹ thuật bọc răng sứ sẽ đem lại cho người thực hiện một hàm răng trắng đẹp như mong muốn.

Để giải đáp về vấn đề bọc răng sứ có bị hôi miệng không, các chuyên gia cho biết trong quá trình thực hiện kỹ thuật này nếu đảm bảo đúng chỉ định, đúng kỹ thuật, đảm bảo chuẩn xác và được thực hiện bởi bác sĩ có tay nghề với các thiết bị hiện đại thì hoàn toàn không gây hôi miệng. Kèm theo đó, bệnh nhân sau thực hiện bọc răng sứ nếu được chăm sóc và có biện pháp bảo vệ răng miệng đúng cách thì có thể hoàn toàn yên tâm không phát sinh thêm bất cứ phiền toái nào khác.

Hiện nay, các loại răng sứ toàn sứ được sát xuất từ những chất liệu lành tính với cơ thể người, do đó khi bọc sẽ không gây kích ứng cho răng hay nướu. Một vấn đề quan trọng không kém là người bệnh cần đến những cơ sở nha khoa uy tín và lựa chọn loại răng sứ chất lượng thì tình trạng hôi miệng sau bọc răng sứ sẽ không xảy ra.

2. Tại sao bọc răng sứ lại bị hôi miệng?

Bọc răng sứ bị hôi miệng không phải hiếm gặp. Theo đó tình trạng này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:

  • Bác sĩ nha khoa thực hiện kỹ thuật bọc răng sứ không đảm bảo tính chuẩn xác, dẫn đến hiện tượng tồn tại kẽ hở giữa nướu và răng sứ. Khi ăn uống, mẩu vụn thức ăn dễ dính vào kẽ hở này, lâu ngày tích tụ nhiều sẽ tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây mùi hôi;
  • Vệ sinh, chăm sóc răng miệng không kỹ, không sử dụng chỉ nha khoa hay nước súc miệng để làm sạch mảng bám sót lại ở kẽ răng hay không lấy cao răng định kỳ... Tất cả các yếu tố trên đều sẽ dẫn đến tích tụ vi khuẩn trong miệng và quanh chân răng, hệ quả là có mùi hôi trong miệng sau bọc răng sứ;
  • Một số loại sứ kim loại sử dụng để bọc dễ bị oxy hóa. Khi sử dụng trong thời gian dài sẽ bị tác động bởi vi khuẩn, nước bọt, hóa chất và qua đó gây ra tình trạng khó chịu do mùi hôi...;
  • Trồng răng sứ bị hôi miệng còn có thể do bệnh nhân đã mắc bệnh hôi miệng từ trước nhưng không được phát hiện. Sau khi bọc răng sứ kết hợp vệ sinh không kỹ làm tình trạng hôi miệng nghiêm trọng hơn thì họ mới nhận ra;
  • Răng sứ sau bọc bị tác động mạnh, dẫn đến nứt gãy hoặc sần sùi mà bệnh nhân không biết. Khi đó thức ăn và vi khuẩn sẽ bám vào và gây ra mùi hôi khó chịu;
  • Ngoài ra, một số nguyên nhân khác dẫn đến việc trồng răng sứ bị hôi miệng như mắc các bệnh lý dạ dày và hệ tiêu hóa, sâu răng, nhiệt miệng, khô miệng, viêm xoang...

Trên đây là những yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng bọc răng sứ bị hôi miệng. Có thể thấy bản thân việc bọc răng sứ hoàn toàn không gây ra tình trạng này như nhiều người lầm tưởng.

3. Trồng răng sứ bị hôi miệng phải làm sao?

Để khắc phục tình trạng bọc răng sứ bị hôi miệng, việc đầu tiên bệnh nhân cần làm là đến gặp bác sĩ để được thăm khám và xác định nguyên nhân cụ thể. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ nha khoa sẽ đồng thời kiểm tra xem răng sứ có bị tác động hay không hay có hiện tượng hở kẽ không... Qua đó đưa ra biện pháp can thiệp cụ thể như sau:

  • Nếu xuất phát từ lỗi kỹ thuật thì bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành điều chỉnh hoặc bọc lại răng sứ mới cho bệnh nhân;
  • Nếu nguyên nhân do các bệnh lý khác thì tiến hành các biện pháp điều trị phù hợp để loại bỏ tình trạng hôi miệng;
  • Với những bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm hay dị ứng với sườn kim loại của răng sứ, bác sĩ nha khoa có thể xem xét thay thế chúng bằng loại răng làm hoàn toàn bằng sứ để đảm bảo an toàn và không gây ra bất kỳ kích ứng nào cho bệnh nhân.

Lưu ý: Để đảm bảo không xảy ra tình trạng bọc răng sứ bị hôi miệng thì người bệnh nên chủ động tìm đến một trung tâm nha khoa uy tín với đội ngũ bác sĩ phục hình có tay nghề cao. Điều này vừa giúp phòng tránh được tình trạng hôi miệng do sai kỹ thuật, vừa mang lại cho bệnh nhân một hàm răng trắng đẹp, bền chắc lâu dài.

4. Phòng ngừa tình trạng bọc răng sứ bị hôi miệng?

Để phòng ngừa tình trạng trồng răng sứ bị hôi miệng, người bệnh cần chú ý các vấn đề sau đây:

  • Đánh chải răng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải lông mềm với sản phẩm kem đánh răng có chứa Fluor. Đồng thời lưu ý thao tác chải răng phải đảm bảo nhẹ nhàng nhưng vẫn đúng kỹ thuật;
  • Thay bàn chải đánh răng mới sau 3 tháng sử dụng để tránh vi khuẩn tồn đọng và gây hại cho sức khỏe răng miệng;
  • Sử dụng chỉ tơ nha khoa để loại bỏ mảnh vụn thức ăn còn sót lại tại những vị trí mà bàn chải không thể tiếp cận được;
  • Sử dụng thêm nước súc miệng hoặc nước muối sinh lý để làm sạch khoang miệng tối ưu nhất. Ngoài ra, nếu có điều kiện nên sử dụng tăm nước để tăng cường mức độ làm sạch hoàn toàn, đồng thời massage và cải thiện sức khỏe của nướu;
  • Hạn chế nhai các món ăn quá cứng hay quá dai để tránh làm răng sứ bị bể, vỡ;
  • Tập thói quen nhai ở cả 2 bên hàm để tránh tình trạng lệch khớp cắn, đồng thời động tác ăn nhai đúng cách cũng giúp răng có thể tự làm sạch cho nhau;
  • Duy trì thói quen đến kiểm tra nha khoa định kỳ, tốt nhất là 1-2 lần mỗi năm, để bác sĩ loại bỏ vôi răng và giữ cho răng luôn sạch khỏe. Đồng thời, qua thăm khám định kỳ bác sĩ nha khoa sẽ kiểm tra độ sát khít của răng sứ và chủ động xử lý kịp thời khi có dấu hiệu bất thường xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe