Biện pháp phòng ngừa sinh non

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Chuyên khoa II - Nguyễn Thị Minh Tuyết - Trưởng Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Có nhiều loại thuốc ngăn chặn việc thai phụ chuyển dạ sinh non, nhưng kết quả không phải lúc nào cũng thành công, do vậy việc phòng ngừa sinh non vẫn tốt hơn điều trị.

1. Nguyên nhân gây sinh non?

Có tới 50% số trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra. Số còn lại là:

1.1 Do thai

  • Vỡ ối non
  • Đa thai
  • Đa ối
  • Thai dị dạng: Thường gây chuyển dạ sinh non và nhất là khi kết hợp với đa ối (thai vô sọ), hoặc thiểu ối (không có thận).
  • Viêm màng ối do nhiễm trùng.

1.2 Do bệnh lý của mẹ

  • Mẹ bị hở eo tử cung, có tiền căn sản giật nặng, tử cung dị dạng, cân nặng.
  • Tuổi của mẹ quá thấp hoặc quá cao.
  • Có tiền sử sinh non.
  • Nghề nghiệp và điều kiện làm việc.
  • Cao huyết áp do thai đôi khi cần chấm dứt thai kỳ sớm do tình trạng bất ổn của mẹ và thai nhi.
  • Viêm đài bể thận, nhất là khi bị sốt.
  • Viêm ruột thừa thường sẽ chuyển dạ sinh non.
  • Tiền căn sảy, nạo thai.
  • Tỷ lệ sinh non cao ở những sản phụ có tình trạng kinh tế xã hội thấp.
  • Mẹ hút thuốc, uống rượu, chế độ sinh hoạt không lành mạnh và bị stress trầm trọng.

1.3 Do nhau

  • Nhau tiền đạo, bong non, nhau cài răng lược.
  • Thiểu năng nhau làm dinh dưỡng cho thai nhi không đầy đủ.

Có tới 50% số trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra
Có tới 50% số trường hợp sinh non không rõ nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra

2. Dấu hiệu sinh non

Cơn chuyển dạ sinh non có thể xảy ra bất cứ lúc nào từ tuần thứ 20 đến 37 của thai kỳ. Chúng có xu hướng không dừng lại và trở nên thường xuyên, dồn dập hơn và khiến bạn càng ngày càng khó chịu.

Những dấu hiệu sinh non dễ nhận thấy:

  • Các dấu hiệu sinh non sẽ có 4 cơn gò trong 20 phút hay 8 cơn gò trong 60 phút.
  • Cổ tử cung mở từ 2 cm trở lên hoặc xóa ít nhất 80%.
  • Vỡ ối, chuột rút trên vùng xương mu.
  • Có sự thay đổi ở cổ tử cung được nhận định trong nhiều lần khám liên tiếp.
  • Triệu chứng như cảm cúm: Liên tục buồn nôn, ói mửa kéo dài hơn 8 giờ.

Bên cạnh đó, còn có một số dấu hiệu và triệu chứng giúp chẩn đoán sớm chuyển dạ sinh non như ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung, đau thắt lưng, trì nặng bụng, đau quặn ruột có thể kèm tiêu chảy...

3. Các biện pháp đơn giản có thể phòng ngừa sinh non


Uống đủ nước trong ngày để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu ở tử cung giúp phòng ngừa sinh non
Uống đủ nước trong ngày để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu ở tử cung giúp phòng ngừa sinh non

Chuyển dạ sinh non là điều đáng sợ với mọi bà mẹ, vì vậy các biện pháp đơn giản dưới đây sẽ giúp mẹ bầu có thể phòng ngừa sinh non hiệu quả:

  • Uống đủ nước trong ngày để ngăn chặn tình trạng mất nước gây khó chịu ở tử cung.
  • Không nên nhịn tiểu thường xuyên và sau khi đi vệ sinh, mẹ bầu hãy lau từ trước ra sau để hạn chế viêm nhiễm.
  • Khi nằm cần hạn chế tư thế nằm ngửa, có thể nằm nghiêng trái hoặc nghiêng phải.
  • Giữ chế độ dinh dưỡng, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và giảm căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
  • Khám thai đều đặn.
  • Có thể đặt nhẹ tay trên bụng để phát hiện những cơn gò tử cung bất thường và đi khám điều trị dự phòng sinh non kịp thời.

Lưu ý: Việc nằm yên một chỗ không phải là biện pháp hữu hiệu để dự phòng dọa sinh non.

Nếu bạn nhận thấy mình có nguy cơ sinh non cao, hãy trao đổi với bác sĩ càng sớm càng tốt để nhận biết kịp thời các dấu hiệu dọa sinh non và có cách xử lý tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe