Biến chứng nguy hiểm của thấp tim

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thấp tim là bệnh viêm toàn tim, bao gồm viêm nội tâm mạc, cơ tim, màng ngoài tim hoặc kết hợp cả 3 dạng trên, có thể gây ra nhiều biến chứng. Vậy biến chứng của bệnh thấp tim nguy hiểm như thế nào và bệnh thấp tim có chữa được không?

1. Bệnh thấp tim là gì?

Thấp tim là một loại bệnh lý viêm tự miễn, hình thành sau khi bệnh nhân bị viêm họng do nhiễm khuẩn liên cầu gây tan huyết nhóm A (có tên Streptococcus). Trong khoảng thời gian từ 2-3 tuần kể từ lúc nhiễm liên cầu hầu họng miệng, nếu như không được điều trị tích cực, bệnh này có nguy cơ diễn tiến thành một căn bệnh khác nguy hiểm hơn, đó là thấp tim.

Bệnh thấp tim có chữa được không? Bệnh thấp tim dù có thể chữa khỏi nhưng vẫn có khả năng tái phát. Sử dụng kháng sinh trong điều trị và dự phòng viêm đường hô hấp do liên cầu khuẩn là yếu tố quyết định, tuy nhiên cần phải dựa vào tình trạng riêng của từng người, mức độ nặng nhẹ và thời gian chẩn đoán để đưa ra kết luận cuối cùng.

2. Các biến chứng của bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim có nguy hiểm không? Các bác sĩ cho rằng thấp tim sẽ dẫn tới các biến chứng nặng nề ở não, tim, khớp và da nếu như không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

2.1 Biến chứng ở tim

Căn bệnh này có thể để lại những hậu quả kéo dài ở tim, bao gồm: viêm tim, tổn thương van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim, đột quỵ hay thậm chí là tử vong. Cụ thể là:

  • Gây nhồi máu: Viêm nội tâm mạc ở tim sẽ tạo ra các mảnh cục sùi gây nhồi máu não thận và các chi.
  • Nhiễm trùng cấp và bán cấp tính: Viêm nội tâm mạc tạo điều kiện dễ dàng cho vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Xơ hoá các van tim: Có hai dạng là hở lỗ van tim và hẹp lỗ van tim.

Trong thực tế tổn thương đơn thuần hẹp hoặc hở van tim thường hiếm gặp trong bệnh thấp tim, song vẫn có thể liệt kê ra như sau:

  • Hở van tim: Bao gồm hở van hai lá, hở van động mạch chủ, hở van ba lá và van động mạch phổi. Nhìn chung, dù hở bất cứ van nào của tim thì cũng đều khiến tim giãn và suy tim, quan sát qua hình ảnh siêu âm có thể thấy tim to hơn bình thường và mỏm tim có vẻ tròn.
  • Hẹp van tim: Cũng được chia thành hẹp van hai lá, hẹp van động mạch chủ, hẹp hở van ba lá và hẹp van động mạch chủ. Hep van tim thường khiến tâm thất trái bị teo và nhỏ hơn bình thường, hoặc ngược lại gây phì đại tâm thất trái và cuối cùng sẽ dẫn đến suy tim.

Biến chứng ở tim
Biến chứng ở tim

2.2 Biến chứng tại các cơ quan khác

Bệnh thấp tim ảnh hưởng đến nhiều hệ thống của cơ thể, tổn thương tim chỉ là một trong số các biến chứng cho thấy bệnh thấp tim nguy hiểm như thế nào. Ngoài ra, một số tác động khác có thể kể đến như:

  • Viêm đa khớp: Bệnh nhân sẽ bị đau, sưng đỏ ở các khớp to. Đối với các khớp di chuyển thì gặp đặc điểm lâm sàng là hạn chế vận động, di chuyển khó khăn. Chứng đau khớp này có tính chất luân chuyển, khi khớp này lành sẽ chuyển sang khớp khác mà hiếm khi khỏi hoàn toàn.
  • Biến đổi tổ chức liên kết dưới da: Da xuất hiện các hạt rắn (hạt Meynet) xung quanh khớp hoặc dọc cột sống, sờ vào thấy di động và không đau, to bằng hạt đậu hoặc hạt ngô. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể nổi hồng ban vùng cổ, vết ban tròn và nhạt màu ở giữa, kích thước khoảng 1-3cm. Tuy nhiên, cả 2 trường hợp trên cũng có thể lành hẳn mà không để lại di chứng đáng kể.
  • Tổn thương não: Rối loạn về thần kinh khiến bệnh nhân vận động không tự chủ ở toàn thân, nửa người hoặc ở các chi. Hành động nhanh và không mục đích được gọi là tình trạng múa giật, múa vờn.

Tóm lại, bệnh thấp tim có nguy hiểm không tùy thuộc vào thời gian phát hiện và mức độ điều trị tích cực. Các nghiên cứu y tế đã chỉ ra rằng bệnh thấp tim có liên quan điều kiện vệ sinh và dinh dưỡng kém, đặc biệt là tại một số quốc gia đang phát triển. Hiện nay vẫn còn có nhiều bệnh nhân trung niên hoặc cao tuổi phải đến bệnh viện vì những di chứng tổn thương van tim do hậu quả của căn bệnh thấp tim mà họ mắc lúc trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe