Tuyến thượng thận là một cơ quan nội tiết, tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng của các tế bào trong cơ thể. Bên cạnh đó, các hormone của tuyến còn hỗ trợ một phần trong việc ổn định huyết động, giữ cân bằng nội môi và giúp cơ thể chống đỡ với stress. Khi bị suy tuyến thượng thận mạn tính, cơ thể không thể tránh khỏi các biến chứng nhất định, ảnh hưởng đến hoạt động sống hằng ngày.
Dưới đây là các biến chứng suy tuyến thượng thận mạn thường gặp:
1. Cơn suy tuyến thượng thận cấp
Cơn suy thượng thận cấp là biến chứng nặng nề nhất của tình trạng suy tuyến thượng thận mạn tính. Đây là một bệnh lý cấp cứu của chuyên khoa nội tiết.
Khi tuyến thượng thận bị suy giảm chức năng cấp tính, nồng độ hormone được bài tiết ra đưa vào dòng tuần hoàn không đủ nhu cầu đáp ứng, các triệu chứng được quan sát thấy rất nổi bật như đột ngột trụy tim mạch, huyết áp tụt nhanh chóng, tay chân lạnh, mạch nhỏ, nhanh, khó bắt và kém đáp ứng với bù dịch và các thuốc vận mạch. Ngoài ra, người bệnh có thể kêu đau thượng vị, có khi kèm buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, mệt lả, bủn rủn, vật vã, kích thích cho đến lẫn lộn, ngủ gà, lơ mơ và hôn mê.
Chẩn đoán bệnh thường dễ dàng do bệnh nhân đã có tiền căn suy thuyến thượng thận lâu dài trước đó hay có lạm dụng corticoid. Tuy nhiên, đôi khi việc xác chẩn cũng có thể gặp khó khăn nếu triệu chứng lâm sàng và sinh học không đặc hiệu, nhất là khi vào bệnh cảnh trụy tim mạch không rõ nguyên nhân. Lúc này, nếu chẩn đoán bị bỏ sót và điều trị không đầy đủ, người bệnh rất dễ nguy kịch đến tính mạng.
2. Huyết áp thấp
Huyết áp thấp là triệu chứng thường gặp, chiếm 90% trường hợp. Để nhận biết huyết áp thấp thì cần phải chú ý so sánh với huyết áp trước đó của người bệnh.
Người bị suy thượng thận mạn tính có thể bị huyết áp thấp kéo dài hay thường xuyên có các cơn tụt huyết áp theo tư thế. Cụ thể là những lúc thay đổi quá nhanh từ nằm sang ngồi, ngồi sang đứng, người bệnh sẽ có cảm giác đột ngột bị chóng mặt, hoa mắt, xây xẩm, choáng váng, buồn nôn – nôn. Đo huyết áp lúc này thấy thường thấp hơn bình thường từ trên 10 đến 20 mmHg. Nếu được ngồi hay nằm xuống trở lại, các triệu chứng này sẽ khá hơn, tình trạng huyết áp cũng sẽ cải thiện.
Nếu như người bệnh mắc các bệnh lý cấp tính như viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy cấp hay biến cố tim mạch cấp, đây sẽ là các yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng huyết động trở nên nặng nề hơn. Huyết áp thấp trở thành huyết áp kẹt, tụt huyết áp, mạch yếu, khó bắt và sốc trụy tuần hoàn. Đây là các dấu hiệu báo động cho khả năng vào cơn suy thượng thận cấp như nêu trên.
3. Mệt mỏi mạn tính
Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp và thường xuất hiện sớm nhất. Tuy nhiên, đặc điểm của mệt mỏi khá mơ hồ, lời khai của bệnh nhân không rõ ràng nên đôi khi lại dễ bị bỏ qua.
Khi thiếu cortisol, mọi chuyển hóa năng lượng bên trong tế bào đều sẽ bị trì trệ. Chính vì vậy, triệu chứng mệt mỏi, uể oải xuất hiện trên nhiều hoạt động các hệ cơ quan, cả về thể xác, tinh thần và sinh dục. Trong đó, đặc điểm điển hình của suy giảm sức sống do suy thượng thận mạn, giúp phân biệt bệnh lý tại các tạng khác là thường mệt xuất hiện vào buổi sáng, ngay lúc mới ngủ dậy. Cảm giác nặng nề này tăng dần khi đòi hỏi các việc phải gắng sức như vận động, đi bộ, leo cầu thang,... có khuynh hướng sẽ thuyên giảm hơn khi về buổi chiều. Điều này có cơ chế là tương xứng với chu trình bài tiết hormone tuyến thượng thận trong ngày, nồng độ cortisol máu cao nhất là vào 8 giờ sáng, sau đó giảm dần và giảm sâu nhất khi đi ngủ trong đêm.
Ở một số trường hợp, do cortisol sụt giảm sâu trong thời gian dài, người bệnh thậm chí chuyển sang trạng thái chậm chạp, lừ đừ, vô cảm và có khi không đi lại được hay tự làm các sinh hoạt cá nhân thường ngày.
4. Gầy sút
Cortisol là một trong những hormone nền tảng của sự sống, tham gia vào quá trình chuyển hóa năng lượng, điều hòa nước – điện giải, giữ ổn định môi trường nội môi. Chính vì vậy, khi tuyến thượng thận suy yếu, cortisol không đủ sẽ khiến mọi hoạt động bên trong cơ thể bị trì trệ. Cơ thể trở nên gầy sút từ từ. Người bệnh bị sụt cân từ 2 đến 10 kg trong vài ngày đến vài tuần do mất nước vì mất muối ra ngoài qua đường nước tiểu.
5. Rối loạn tiêu hoá
Biến chứng gầy sút, suy nhược cơ thể do suy tuyến thượng thận mạn tính còn do chức năng của hệ tiêu hóa không còn được đảm bảo. Người bệnh thường xuyên có tình trạng đau bụng âm ỉ, mơ hồ, không có vị trí khu trú, đôi khi dễ nhầm với bệnh lý ngoại khoa cấp.
Ngoài ra, tác dụng phụ khi lạm dụng corticoid trên dạ dày – ruột khiến cho người bệnh biếng ăn, ăn kém, dễ bị đầy bụng, buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy. Hệ quả của rối loạn nước – điện giải trên hệ tiêu hóa còn là giảm bài tiết dịch vị, các men tiêu hóa khiến người bệnh ăn không ngon miệng, chậm tiêu, bụng chướng. Tất cả những điều này càng khiến tổng trạng người bệnh suy kiệt thêm.
6. Tăng sắc tố da
Đặc điểm của sạm da trên các đối tượng này là vùng sạm màu không đồng đều, thường gặp trên vùng da hở thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cả các vùng bị cọ sát với nếp gấp quần áo, vùng sẹo mới. Ngay cả các vùng da kín cũng bị ảnh hưởng như nếp gấp trong bàn tay, bàn chân, gối, ngón chân, khớp khuỷu hoặc cả ở đầu vú, bộ phận sinh dục ngoài cũng bị thâm đen.
Ngoài ra, nếu thăm khám và quan sát trên vùng da bán niêm mạc, niêm mạc cũng thấy các dấu hiệu tại má, lợi, sàn miệng, mặt trong má có những đốm màu đen.
7. Suy giảm chức năng sinh dục
Nồng độ cortisol trong máu giảm thấp cũng khiến cho khả năng sinh dục cơ thể bị ảnh hưởng. Ở nữ giới, người bệnh bị rối loạn kinh nguyệt, kinh thưa hay mất kinh, chu kỳ không phóng noãn, lãnh cảm, chậm có thai do suy chức năng buồng trứng kèm theo. Ở nam giới, người bệnh giảm ham muốn, rối loạn cương dương. Ngoài ra, các đặc tính sinh dục thứ phát ở người nam cũng suy yếu như lông thưa, râu ít, teo tinh hoàn.
8. Các biến chứng khác
- Hạ đường huyết: Thường gặp ở trẻ em, ít gặp ở người lớn. Biến chứng này thường xảy ra khi người bệnh bỏ bữa hoặc quá bữa, sốt, nhiễm trùng hoặc khi nôn mửa, tiêu lỏng nhiều, đặc biệt trong cơn suy thượng thận cấp;
- Rối loạn tâm thần kinh: Người bệnh bồn chồn, lãnh đạm hoặc lú lẫn, mất khả năng tập trung suy nghĩ, xen kẽ giai đoạn buồn ngủ, lơ mơ và trạng thái kích thích thần kinh, tăng động, vật vã;
- Đau nhức xương khớp: Các bệnh lý thoái hóa xương khớp là căn nguyên thường gặp khiến người bệnh tự ý sử dụng các chế phẩm chứa corticoid. Khi lạm dụng một thời gian dài, nếu ngưng thuốc đột ngột, người bệnh bị đau khớp, đau cơ tăng lên, mệt lả toàn thân.
Tuyến thượng thận tham gia điều khiển mọi hoạt động sống trong cơ thể. Khi tuyến thượng thận suy yếu mạn tính, cortisol thiếu hụt trong máu, chức năng của các cơ quan đều bị trì trệ. Để đề phòng vấn đề này, cần tránh lạm dụng các chế phẩm từ cortioid, chỉ dùng thuốc đúng chỉ định, vừa bảo vệ sức khỏe, vừa các những tổn hại về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Tài liệu của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế