Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CK II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Thông liên nhĩ là bệnh tim bẩm sinh hay gặp, nếu không được điều trị sẽ làm tình trạng lâm sàng trở nên nặng nề thêm. Dù các biện pháp can thiệp đóng lỗ thông hiện nay đã có tỷ lệ thành công rất cao nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng.
1. Các phương pháp đóng thông liên nhĩ thứ phát hiện nay
Thông liên nhĩ thứ phát là một bệnh tim bẩm sinh rất thường gặp. Hiện nay rất nhiều phương pháp đã được áp dụng có khả năng sửa chữa được hoàn toàn khuyết tật này, nhất là khi được điều trị sớm.
Trước đây, phương pháp cơ bản điều trị bệnh thông liên nhĩ là phẫu thuật. Đây là phương pháp có tỷ lệ thành công rất cao. Cho đến nay, các bác sĩ phẫu thuật tim đã có khả năng tiến hành ở các bệnh nhi dù mới chỉ vài tháng tuổi và có kèm theo nhiều thể bệnh tim bẩm sinh phức tạp khác.
Trong nhứng năm gần đây, cùng với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bên cạnh biện pháp phẫu thuật nêu trên, đã có thêm nhiều phương tiện khác cũng giúp chẩn đoán chính xác và điều trị các bệnh tim bẩm sinh nói chung, thông liên nhĩ nói riêng. Trong đó, cần phải kể đến là phương pháp điều trị can thiệp nội mạch - qua da, giúp việc can thiệp được thực hiện triệt để mà không cần phải phẫu thuật mở ngực. Đây cũng thực sự là biện pháp được bệnh nhân và cha mẹ ưa thích hơn cả.
Tuy nhiên, nếu so sánh với tiêu chuẩn vàng của đóng thông liên nhĩ bằng phẫu thuật, can thiệp nội mạch cũng có những hạn chế nhất định. Mặt khác, việc phẫu thuật lại có tính xâm lấn nặng nề, là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh về sức khỏe của trẻ. Dù vậy, với cách thức nào cũng có những ưu điểm và khuyết điểm nhất định; đồng thời cũng không thể tránh các biến chứng một cách tuyệt đối sau can thiệp. Việc lựa chọn là tùy vào từng tổn thương thực tế, thể trạng bệnh nhi và cả khả năng, trình độ y tế tại chỗ
2. Biến chứng sau đóng thông liên nhĩ bằng phẫu thuật
Cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu so sánh ngẫu nhiên với quy mô lớn giữa tính an toàn của phẫu thuật với can thiệp nội mạch.
Một nghiên cứu ở Hà Lan, sau khi phẫu thuật đóng thông liên nhĩ thứ phát ở 135 bệnh nhân. Không có một trường hợp tử vong nào do tim mạch, đột quỵ, suy tim hoặc tăng huyết áp phổi. Tuy nhiên, nhịp nhanh thất có triệu chứng xảy ra ở 6% bệnh nhân sau 15 năm và 5% trong số đó phải cần cấy máy tạo nhịp. Do đó, rối loạn nhịp tim dường như là biến chứng lâu dài chính yếu sau khi đóng thông liên nhĩ bằng phẫu thuật.
Các biến chứng sớm sau phẫu thuật bao gồm nhiễm trùng vết thương, tràn dịch màng ngoài tim gây ra chèn ép tim cấp và thỉnh thoảng cần phải phẫu thuật lặp lại. Điều này là không khác biệt với các phẫu thuật tim khác.
3. Biến chứng sau đóng thông liên nhĩ thứ phát bằng can thiệp nội mạch
Can thiệp nội mạch bít thông liên nhĩ đã có những bước tiến vượt bậc. Trong đó, dù cho hiệu quả của việc đóng thông liên nhĩ thứ phát vẫn chưa được nghiên cứu nhiều như việc đóng các ống động mạch, vai trò của phương pháp này cũng không phủ nhận được cho dù vẫn còn một vài biến chứng sau thủ thuật.
3.1. Các biến chứng liên quan đến thủ thuật
Hầu hết các trung tâm y tế trên thế giới thực hiện thủ thuật này dưới điều kiện bệnh nhi được gây mê toàn thân. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân trưởng thành, việc thực hiện can thiệp có thể tiến hành trong điều kiện gây mê toàn thân hoặc chỉ là gây tê tại chỗ. Đặc biệt khi có sự ra đời của siêu âm tim qua tim với chất lượng hình ảnh khá tốt, việc giảm nhu cầu siêu âm tim qua thực quản cũng giúp hạn chế biến chứng đáng kể.
Mặt dù vậy, trong can thiệp nội mạch qua da, việc sử dụng chất tương phản cũng tiềm ẩn các rủi ro tương tự như bất kỳ thủ thuật thông tim can thiệp nào khác. Cụ thể như nguy cơ phản ứng tương phản, thủng mạch hoặc thủng tim và nhiễm trùng.
Tuy nhiên, biến chứng khi can thiệp vẫn có thể phòng tránh được bằng cách cân nhắc chỉ định thận trọng, đánh giá kích thước của tổn thương, lựa chọn kích thước chính xác của thiết bị. Bên cạnh đó, các phương tiện, thiết bị, kỹ thuật luôn phải đảm bảo vô trùng, xem xét dùng kháng sinh dự phòng. Ngoài ra, cần chú ý điều trị kháng tiểu cầu để phòng tránh biến chứng hình thành huyết khối trong những ngày đầu tiên ngay sau can thiệp.
3.2. Các biến chứng trung gian và dài hạn sau khi can thiệp
Biến chứng đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ xói mòn tim do dụng cụ dùng để bít tắc thông liên nhĩ. Một số báo cáo cho thấy sự xói mòn có nguy cơ dẫn đến tràn dịch màng ngoài tim tăng dần hoặc thậm chí là chèn ép tim cấp. Dữ liệu được thu thập cho thấy tất cả các vụ xói mòn xảy ra gần gốc động mạch chủ, nhất là khi dùng dụng cụ quá khổ đặt vào buồng tim.
Tóm lại, mặc dù trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ can thiệp tim mạch đã ngày càng nâng cao, các biến chứng sau đóng thông liên nhĩ vẫn khó giảm được đến mức tuyệt đối. Tuy nhiên, ích lợi sau khi đóng là không thể phủ nhận được. Theo đó, cần có những cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn phương pháp can thiệp cũng như cần cảnh giác để phát hiện sớm các biến chứng để có thể xảy ra, từ đó đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời, giảm thiểu rủi ro nghiêm trọng về sau.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có đầy đủ điều kiện chuyên môn và phương tiện kỹ thuật để thực hiện các phương pháp đóng thông liên nhĩ. Vinmec quy tụ đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nội tim mạch giàu chuyên môn và kinh nghiệm; trang thiết bị y tế hiện đại, đạt chuẩn quốc tế; chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp, giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org