Viêm tuyến vú khi cho con bú là tình trạng hay gặp, gây đau đớn, khó chịu cho người mẹ, ảnh hưởng lớn đến việc cho con bú. Phụ nữ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú và vệ sinh chăm sóc vú không đúng cách nên rất dễ bị viêm tuyến vú.
1. Viêm tuyến vú khi cho con bú
Bệnh viêm tuyến vú hay còn gọi là viêm tuyến sữa là tình trạng viêm nhiễm ở một hay nhiều ống dẫn sữa của vú dẫn đến các mô vú của phụ nữ bị sưng phù bất thường, thường liên quan đến việc cho con bú đặc biệt trong 6 tuần đầu sau sinh.
Viêm tuyến vú có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc không. Bệnh có thể tiến triển gây ra áp-xe vú khi mủ tập trung trong các mô vú. Trường hợp nặng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và tử vong nếu không được điều trị.
Phân loại: Viêm tuyến vú không do nhiễm trùng và Viêm vú nhiễm trùng.
- Viêm tuyến vú không do nhiễm trùng thường là tắc tia sữa. Tắc tia sữa là tình trạng sữa ứ đọng lại trong các mô vú ở những phụ nữ cho con bú. Tuy nhiên, viêm vú do tắc tia sữa thường tiến triển thành viêm vú nhiễm trùng do tình trạng sữa ứ đọng tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Viêm vú nhiễm trùng là loại phổ biến nhất. Thông thường, vi khuẩn thường xâm nhập qua vùng da hoặc núm vú bị tổn thương tụ cầu vàng là loại vi khuẩn thường gây ra vấn đề này.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Nguyên nhân và những yếu tố nguy cơ gây viêm tuyến vú
- Nhiễm khuẩn
Khi người mẹ cho con bú tư thế không đúng làm trẻ khó bú, khiến bé cứ lôi kéo mạnh gây tổn thương (nứt) vùng da đầu núm vú. Ngoài ra những sản phụ núm vú thụt vào trong hoặc bằng phẳng quá, trẻ sẽ cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét rộng ra, hoặc nếu bé chưa biết bú, sản phụ phải nặn sữa nhưng chưa biết cách nặn khiến núm vú cũng bị tổn thương.
Những vi khuẩn bình thường trú ngụ trên da không gây hại. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập qua tổn thương ở da chúng sẽ gây nhiễm trùng. Nếu vi khuẩn đi vào mô vú do tổn thương vùng da xung quanh hoặc núm vú, chúng có thể dẫn đến viêm vú.
- Tắc ống dẫn sữa
Ống dẫn sữa mang sữa từ các tuyến sữa đến núm vú. Khi người mẹ cho con bú không đúng cách, sữa tích tụ lại gây tắc ống dẫn sữa gây ra hiện tượng viêm vô khuẩn, sau đó có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.
- Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể gây viêm tuyến vú như: Loét hoặc nứt núm vú; Chỉ sử dụng một tư thế cho bú; Mặc áo ngực quá chật; Đã từng bị viêm vú trước đó...
Chi tiết về sự phát triển của thai nhi qua từng tuần, cha mẹ nào cũng nên tìm hiểu:
3. Triệu chứng viêm tuyến vú
Khi bị viêm tuyến vú thường xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau, ngứa, sưng vú.
- Vùng vú bị viêm sưng, ấn thấy đau, đỏ thường có dạng hình nêm (hình chữ V).
- Khi cho con bú có cảm giác nóng rát, sữa tiết ra không thông suốt.
- Sốt, sợ lạnh.
- Mệt mỏi.
- Viêm vú thường xảy ra ở một bên vú, ít khi xảy ra 2 bên.
- Trường hợp nặng gây sốt cao, rất đau, tuyến sữa có mủ.
4. Làm gì khi bị viêm tuyến vú sau sinh?
Ngay từ khi có biểu hiện sữa không thông (tắc tia sữa), vú cương đau khi cho con bú thì cần dùng tay xoa bóp, chườm ấm vị trí tắc hoặc dùng dụng cụ hút sữa hút hết sữa thừa còn lại ở hai bên vú, vệ sinh vú thường xuyên trước khi cho trẻ bú.
Nếu xuất hiện các triệu chứng viêm tuyến vú thì tạm thời dừng cho con bú và đi khám ngay để được điều trị, không nên để kéo dài tránh biến chứng.
Các phương pháp điều trị viêm tuyến vú:
- Dùng thuốc: Kháng sinh chống lại vi khuẩn gây viêm tuyến vú; Paracetamol tác dụng hạ sốt và giảm đau.
- Tiểu phẫu: Chích rạch một đường rạch nhỏ ở vú để dẫn lưu áp-xe vú trong trường hợp hình thành áp xe.
Chú ý: Trong quá trình điều trị những phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ vẫn nên cho con bú. Nếu ngưng cho con bú, các mầm bệnh có thể lan vào sữa còn lại trong vú và làm trầm trọng thêm tình trạng nhiễm trùng. Nếu như không thể cho con bú, cần phải vắt bỏ sữa.
5. Phòng tránh viêm tuyến vú như thế nào?
- Cho trẻ bú đúng cách: Ngậm bắt vú tốt, miệng trẻ mở rộng, ngậm hoàn toàn núm vú.
- Nên cho bé bú hết một bên vú sau đó mới chuyển sang bên còn lại.
- Thường xuyên thay đổi các tư thế cho con bú có thể giúp cho trẻ bú hết toàn bộ sữa trong vú.
- Nếu cần tạm ngưng khi đang cho con bú, có thể sử dụng các ngón tay để kẹp giữ vú.
- Không mặc áo ngực quá chật hoặc sử dụng miếng dán ngực, đây là nguyên nhân gây núm vú bị ẩm sau khi cho con bú.
- Nên giữ thoáng núm vú.
- Khi thấy vú có vị trí cứng, ấn đau cần chườm ấm, xoa bóp giảm hiện tượng tắc tia sữa.
- Nếu bạn bị đau núm vú trong khi cho con bú, cần gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn cho con bú để được tư vấn hợp lý.
Chăm sóc sau sinh là một quá trình liên tục, toàn diện cho cả mẹ và bé, kể cả sinh thường hay sinh mổ thì phụ nữ đều cần thời gian phục hồi để đảm bảo không có biến chứng sau sinh xảy ra. Viêm tuyến sữa có thể phòng ngừa hiệu quả, là bệnh không nguy hiểm nhưng chị em không nên coi thường vì bệnh nếu không điều trị có thể gây ra biến chứng tại chỗ là áp xe vú, nặng hơn là nhiễm trùng huyết nguy cơ gây tử vong cao.
Sau sinh cơ thể người mẹ thay đổi, sản phụ có thể mắc phải nhiều các bệnh lý như xuất huyết sau sinh, són tiểu, rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiểu tiện, sa trực tràng,... Đặc biệt với việc kiêng cữ không khoa học có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về sau. Vì thế, sau sinh mẹ có thể thực hiện khám sức khỏe tổng quát tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Mẹ sẽ có cơ hội thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa , kết hợp với nhiều các chuyên khoa khác để đưa ra lời tư vấn, chăm sóc, giúp mẹ cải thiện sức khỏe sau sinh nhanh chóng. Thêm vào đó, mẹ còn có cơ hội sử dụng dịch vụ sàng lọc cho trẻ trước và sau sinh; lưu trữ máu cuống rốn, màng dây rốn...tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec – hệ thống xử lý và lưu trữ tự động đồng bộ, tiên tiến nhất thế giới.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.