Viêm tuyến sữa là tình trạng khá thường gặp ở phụ nữ cho con bú với các triệu chứng điển hình như sưng, nóng, thậm chí là sốt. Với các trường hợp phụ nữ mắc viêm tuyến vú nếu phát hiện và điều trị kịp thời hầu như sẽ được chữa khỏi và không để lại di chứng nào. Vậy viêm tuyến sữa uống kháng sinh gì?
1. Viêm tuyến sữa là bệnh gì?
Viêm tuyến sữa là tình trạng viêm nhiễm ở một hay nhiều ống dẫn sữa của vú, thường gặp phải khi nuôi con bú.
Tuy nhiên, một vài trường hợp người bệnh bị tiểu đường, hệ miễn dịch thấp hoặc vừa phải trải qua phẫu thuật ở ngực cũng có khả năng cao mắc viêm tuyến sữa. Viêm tuyến sữa có thể do nhiễm khuẩn hoặc không nhiễm khuẩn.
2. Viêm tuyến sữa nguyên nhân do đâu?
Nguyên nhân viêm tuyến sữa thường là do người bệnh cho con bú sai cách dẫn đến việc sữa bị mắc kẹt trong vú gây ra viêm nhiễm. Viêm tuyến sữa sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng do sữa ứ đọng, tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển, nghiêm trọng hơn có thể có nguy cơ phát triển thành bệnh viêm vú nhiễm trùng.
Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến viêm tuyến sữa như:
- Các bà mẹ mới nuôi con lần đầu chưa có kinh nghiệm, cho con bú sai kỹ thuật dẫn đến sữa bị kẹt trong vú gây viêm nhiễm.
- Mặc áo lót quá chật, sử dụng các chất liệu vải kém chất lượng, vệ sinh không an toàn.
- Vi khuẩn trong miệng hoặc mũi trẻ thâm nhập vào vú thông qua những vết nứt trên da: Trong quá trình cho con bú, vi khuẩn từ bề mặt da và miệng của bé có thể xâm nhập vào ống dẫn sữa từ vết nứt trên núm vú hoặc thông qua lỗ mở của ống dẫn sữa. Sữa bị ứ đọng tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn sinh sôi.
- Do ảnh hưởng của một số bệnh như ung thư biểu mô viêm, viêm vú mãn tính. Trường hợp phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, nhiễm trùng vú/sữa có thể liên quan đến các tình trạng viêm mãn tính của các ống dẫn dưới núm vú. Nhiễm trùng có xu hướng lan rộng hơn và rất dễ tái phát trở lại.
- Đối với trường hợp phụ nữ không nuôi con bú, viêm tuyến vú thường xảy ra trong trường hợp tổn thương núm vú như vú bị nứt hoặc đau tức.
3. Các triệu chứng thường gặp của viêm tuyến sữa
Viêm tuyến sữa thông thường xuất hiện triệu chứng khá sớm và dễ nhận biết, cụ thể như:
- Xuất hiện các vùng đỏ sưng trên vú, cảm thấy nóng và đau khi chạm vào.
- Đau nhức vú và mệt mỏi thường xuyên trong người.
- Sờ sẽ cảm nhận được những vùng cứng lạ trên vú.
- Đau rát khi cho con bú thoáng qua hoặc với tần suất liên tục hơn.
- Tiết dịch vú bất thường, màu trắng hoặc có vệt máu
- Trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể bị sốt, ớn lạnh và mệt mỏi.
Khi bị viêm tuyến sữa, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác được không nêu bên trên. Nếu người bệnh có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu viêm tuyến sữa hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
4. Viêm tuyến sữa uống kháng sinh gì hiệu quả?
Sau khi khám lâm sàng và thực hiện các siêu âm cần thiết, người bệnh được xác định mắc viêm tuyến vú/sữa sẽ được bác sĩ lên phác đồ điều trị riêng tùy thuộc vào thể trạng và tình trạng bệnh.
Thông thường những trường hợp viêm tuyến sữa nhẹ có thể không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Bác sĩ có thể kê những toa thuốc giảm đau Acetaminophen hoặc Ibuprofen rất an toàn cho bà mẹ cho con bú.
Bạn cũng không nên ngừng việc cho con bú khi bị viêm, việc trẻ bú giúp làm thông tuyến sữa, tránh tắc nghẽn và làm trầm trọng hơn tình trạng viêm tuyến sữa. Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng máy hút sữa để hút sạch sữa hoàn toàn.
Sữa được tiết ra từ vú bị viêm không làm hại cho trẻ vì vi khuẩn gây viêm nhiễm thường có nguồn gốc chính từ miệng của em bé. Tuy nhiên nên ngừng cho trẻ bú bên vú khi bị áp xe.
Bạn cũng có thể giảm đau tại nhà bằng việc sử dụng gạc ấm đắp trước và sau khi trẻ bú. Uống nhiều nước và ăn uống uống đầy đủ lượng calo cần thiết khi đang nuôi con bú.
Khi viêm tuyến sữa đơn thuần không áp xe thường được chỉ định sử dụng kháng sinh đường uống như Cephalexin, Dicloxacillin và một số thuốc khác.
Bệnh viêm vú mãn tính thường phức tạp hơn và dễ tái phát. Nếu sau khi điều trị kháng sinh mà tình trạng viêm nhiễm có xu hướng xấu đi hoặc xuất hiện ổ áp-xe sâu cần phẫu thuật thì người bệnh phải nhập viện để điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch.
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm tuyến sữa
Để phòng tránh bị viêm tuyến vú, bạn nên trang bị những kiến thức sau:
- Cho bé bú ở cả 2 bên vú.
- Giải phóng hoàn toàn sữa sau khi trẻ bú xong để giảm tắc và ứ đọng sữa.
- Cho bé bú đúng cách để tránh gây tổn thương núm vú.
- Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho mẹ và bé để tránh vi khuẩn thâm nhập.
- Uống đủ nước, ít nhất từ 2 lít/ngày.
- Bổ sung thêm các thực phẩm sạch như: rau xanh, hoa quả,...vào thực đơn hàng ngày để xây dựng chế độ ăn uống khoa học và đủ chất.
- Trường hợp người bệnh đang hút thuốc cần sự tư vấn từ phía bác sĩ để có các biện pháp ngừng thuốc lá hoàn toàn.
- Cai sữa cho trẻ dần dần thay vì ngưng cho bú đột ngột.
- Nên đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ hoặc nếu nhận thấy cơ thể có những biểu hiện lạ hãy đi khám để điều trị sớm và dứt điểm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.