Viêm chân răng thường gây ra nhiều phiền toái cho người mắc như ăn uống khó khăn cùng vấn đề giao tiếp thiếu tự tin. Nếu chỉ viêm chân răng ở mức độ nhẹ có thể điều trị bằng thuốc viêm chân răng. Vậy bị khi bị viêm chân răng thì nên dùng thuốc gì?
1. Viêm chân răng là gì?
Nướu khoẻ mạnh bình thường sẽ có màu hồng nhạt và săn chắc, nhưng giai đoạn viêm chân răng thì phần nướu dần chuyển sang màu sẫm do tác động của vi khuẩn gây tổn thương. Viêm nhiễm nướu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới viêm chân răng. Bệnh khiến chân răng lung lay, chảy máu, thậm chí tổn thương tuỷ răng và xương ổ răng.
Một vài tác nhân gây nên viêm chân răng có thể kể đến như:
- Vi khuẩn là tác nhân chính gây nên viêm chân răng mà nhiều người gặp phải. Khoang miệng luôn là môi trường chứa rất nhiều vi khuẩn kể cả lợi khuẩn và hại khuẩn. Khi gặp điều kiện thuận lợi, các vi khuẩn có hại phát triển mạnh mẽ gây mất cân bằng môi trường trong khoang miệng. Điều này dẫn tới nhiều bệnh lý trong đó có viêm chân răng.
- Vệ sinh răng miệng kém có thể khiến thức ăn thừa mắc trong kẽ răng lâu ngày, hình thành mảng bám quanh răng, nếu không được loại bỏ sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn trú ngụ, phát triển gây bệnh. Chúng tấn công các mô liên kết quanh răng gây nên tình trạng viêm chân răng.
- Suy yếu hệ miễn dịch do thuốc hoặc bệnh lý
- Thói quen sinh hoạt: sử dụng nhiều đường, hút thuốc, uống rượu bia có thể làm hỏng niêm mạc miệng, tổn thương men răng khiến sức khỏe răng miệng suy yếu và hình thành viêm chân răng
2. Biểu hiện của bệnh viêm chân răng
Ở mỗi giai đoạn, viêm chân răng có thể có các biểu hiện khác nhau:
- Giai đoạn nhẹ: lợi thường sưng đỏ, tấy và thường xuyên chảy máu chân răng mỗi khi vệ sinh răng miệng. Lợi tổn thương nhưng vẫn bao bọc chân răng, chưa tổn thương về xương hay các mô khác quanh răng.
- Giai đoạn nặng: lợi sưng đỏ nghiêm trọng, có biểu hiện tụt lợi, áp xe nướu răng. Dịch mủ xuất hiện gây ra mùi khó chịu trong nướu, quanh chân răng. Kèm theo là hiện tượng đau nhức, sưng vùng má.
- Giai đoạn nghiêm trọng: khi viêm chân răng ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh có các biểu hiện lộ chân răng, răng xỉn màu, lung lay và có thể gãy rụng. Thận chí tình trạng này không khu trú mà lan sang nhiều răng khác trên cung hàm
3. Viêm chân răng uống thuốc gì?
Tuỳ thuộc vào tình trạng viêm chân răng mà bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị như sau:
Kháng sinh có tác dụng chống nhiễm trùng, viêm nhiễm trong khoang miệng. Các loại thuốc kháng sinh thường được sử dụng là metronidazole hoặc amoxicillin, tuy nhiên cần lưu ý không sử dụng amoxicillin cho bệnh nhân dị ứng penicillin. Đồng thời, sử dụng metronidazole thì không được uống rượu bia trong 48 thời gian điều trị vì có thể gây tác dụng phụ
- Kháng viêm làm giảm tình trạng viêm nhiễm chân răng, các loại thuốc thường được chỉ định gồm ibuprofen, mefenamic, axit meloxicam, diclofenac,... Một số loại thuốc chứa corticosteroid cũng có thể được sử dụng trong trường hợp viêm chân răng ở giai đoạn nặng.
- Thuốc bôi trực tiếp vào vùng lợi bị viêm để giảm sưng tấy, đau nhức chân răng như metrogyl.
- Một số loại dung dịch súc miệng như chlorhexidine 0,25% hoặc dạng sợi như tetracycline để nhét vào kẽ túi quanh răng
4. Phòng ngừa viêm chân răng
Chăm sóc răng miệng khoa học có hiệu quả đáng kể trong việc phòng ngừa viêm chân răng và các bệnh lý răng miệng khác:
- Chải răng đều đặn, ít nhất 2 lần mỗi ngày vào các thời điểm sau khi ngủ dậy, trước khi đi ngủ để loại bỏ thức ăn thừa trong khoang miệng.
- Sử dụng chỉ tơ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch phần kẽ răng, giúp ngăn ngừa mảng bám hình thành và gây viêm nhiễm.
- Súc miệng sau khi chải răng để làm sạch khoang miệng, có thể dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch súc miệng chuyên dụng để ngăn ngừa tình trạng hôi miệng.
- Lấy cao răng thường xuyên để loại bỏ mảng bám có hại bao quanh răng.
- Hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều đường hoặc có tính axit cao
- Nên bổ sung thêm canxi, vitamin từ các loại thực phẩm thiên nhiên như rau xanh, trứng, đậu,...
- Thăm khám sức khỏe răng miệng định kỳ hoặc ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường để bác sĩ xử trí kịp thời và ngăn ngừa biến chứng.
Tốt nhất khi có ý định sử dụng thuốc điều trị tình trạng viêm chân răng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có những chỉ định phù hợp. Điều này giúp mang tới kết quả điều trị tốt đồng thời giảm thiểu rủi ro.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.