Bị sùi mào gà ở lưỡi chữa thế nào?

Bệnh sùi mào gà ở lưỡi và miệng là hậu quả của tình trạng lây nhiễm virus HPV qua đường tình dục, gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Bệnh có một số triệu chứng tương tư như nhiệt miệng, làm cho nhiều người không phát hiện kịp thời để điều trị, từ đó dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.  

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc Trung tâm Sức khoẻ phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Bệnh sùi mào gà ở lưỡi là gì?

Sùi mào gà hay mụn cóc sinh dục là những nốt sùi hình thành ở khu vực vùng kín, đây là kết quả của việc quan hệ tình dục không an toàn. Trong đó, virus HPV là nguyên nhân gây ra các tổn thương u nhú trên cơ thể và có khả năng lây lan nhanh chóng.  

Khi quan hệ tình dục không an toàn qua đường miệng, các nốt sùi sẽ hình thành ở khu vực lưỡi, được gọi là sùi mào gà ở miệng. Ngoài ra, việc dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, son môi và bàn chải đánh răng,… cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm.

Các thống kê cho thấy, tỷ lệ mắc sùi mào gà ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới do bộ phận sinh dục có cấu trúc sâu và ẩm ướt, rất phù hợp cho sự phát triển của virus. 

Virus HPV là nguyên nhân chính gây bệnh sùi mào gà ở lưỡi.
Virus HPV là nguyên nhân chính gây bệnh sùi mào gà ở lưỡi.

2. Những triệu chứng điển hình của sùi mào gà ở lưỡi

Những nốt sùi xuất hiện ở lưỡi là triệu chứng đặc trưng của bệnh sùi mào gà ở lưỡi. Tuy nhiên, người bệnh thường gặp khó khăn trong việc phát hiện các nốt sùi mọc ở lưỡi và vòm họng. Những nốt này thường có màu trắng hoặc hồng với bề mặt gồ ghề hoặc lồi lõm. Đôi khi, nốt sùi có thể có màu đỏ nếu xuất hiện ở khu vực lưỡi và vòm họng.

Cảm giác khó chịu, vướng víu và ngứa ngáy sẽ khiến người bệnh ăn uống không còn ngon miệng. Đặc biệt, quá trình ăn uống có thể đau rát hoặc việc uống nước cũng trở nên khó khăn.

Tùy theo từng trường hợp, những nốt sùi sẽ mọc riêng lẻ hoặc thành từng mảng. Khi nhìn thoáng qua, các nốt sùi rất giống như những chiếc mào con gà hoặc những bông súp lơ li ti và chạm vào có thể thấy mủ chảy ra.

Hơn nữa, nhiều người dễ bị nhầm lẫn giữa sùi mào gà ở lưỡi với bệnh nhiệt miệng dẫn đến quá trình phát hiện bệnh thường gặp khó khăn. Khi nhận ra, bệnh thường đã ở giai đoạn nặng hơn.

3. Chẩn đoán sùi mào gà ở lưỡi

Chẩn đoán bệnh sùi mào gà ở lưỡi là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp để xác định chính xác bệnh. Quá trình này thường bao gồm các bước sau:  

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ quan sát trực tiếp các tổn thương trên lưỡi và so sánh với đặc điểm của sùi mào gà (hình dạng, màu sắc, kích thước).
  • Hỏi về tiền sử bệnh: Tìm hiểu về lịch sử tình dục, các yếu tố nguy cơ và các triệu chứng khác mà người bệnh đang gặp phải.
  • Sử dụng tinh thể axit axetic: Làm nổi bật các vùng nhiễm bệnh.
  • Lấy mô bệnh phẩm: Phân tích mẫu mô dưới kính hiển vi để xác định sự hiện diện của virus HPV.
  • Xét nghiệm máu: Máu được xét nghiệm để tìm kiếm sự hiện diện của virus HPV.
  • Xét nghiệm mẫu dịch: Phân tích dịch tiết (chẳng hạn như dịch âm đạo, dịch niệu đạo) để tìm virus gây sùi mào gà.
  • HPV Cobas – Test: Xác định sự hiện diện của virus HPV và sàng lọc ung thư cổ tử cung.
  • Xét nghiệm PCR: Xác định loại virus HPV cụ thể gây bệnh.

4. Cách điều trị sùi mào gà ở lưỡi hiệu quả

Vì môi trường trong miệng luôn ẩm ướt nên quá trình chữa trị bệnh sùi mào gà ở lưỡi thường khó khăn hơn so với các nốt sùi trên những vùng da khác. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm là điều cần thiết để được khám và điều trị đúng cách.

Người bệnh không nên tự ý áp dụng các phương pháp chữa trị tại nhà theo lời đồn vì điều này không chỉ không chữa khỏi bệnh mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành ung thư vòm họng.

Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về phương pháp điều trị phù hợp nhất tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể của từng bệnh nhân. Mục tiêu của việc điều trị là tiêu diệt virus và tránh để bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống.  

Dưới đây là một số phương pháp điều trị sùi mào gà ở miệng và lưỡi thường được áp dụng, bao gồm:

  • Để khống chế virus HPV, phương pháp điều trị sẽ bao gồm sử dụng thuốc kháng sinh dưới dạng tiêm và uống.
  • Phương pháp điều trị bao gồm đốt laser truyền thống hoặc áp lạnh, tuy nhiên phương pháp này sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ.

Phương pháp ALA-PDT điều trị bằng cách sử dụng ánh sáng huỳnh quang để kích thích phản ứng oxy hoạt lực, tác động lên nốt sùi và kiểm soát sự phát triển của virus HPV. ALA-PDT có độ an toàn cao, không ảnh hưởng đến khu vực lân cận, đảm bảo hiệu quả điều trị và góp phần ngăn ngừa tái phát bệnh.

5. Phòng tránh bệnh sùi mào gà ở lưỡi, miệng

Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sùi mào gà ở miệng và lưỡi vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống thường ngày. Vì vậy, người bệnh nên chủ động ngăn ngừa căn bệnh này bằng cách:  

  • Thực hiện quan hệ tình dục an toàn và hạn chế quan hệ qua đường miệng (oral sex).
  • Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác như khăn, bát đũa và bàn chải đánh răng.
  • Duy trì vệ sinh răng miệng, thường xuyên súc miệng bằng nước muối.
  • Xây dựng lối sống lành mạnh bao gồm tập thể dục, xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và hạn chế sử dụng các chất kích thích như thuốc lá và rượu.
  • Bổ sung thực phẩm chức năng để tăng cường sức đề kháng.
  • Tiêm vắc-xin HPV cho những người trong độ tuổi 12-26.
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện bệnh kịp thời.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến căn bệnh sùi mào gà ở lưỡi. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh vẫn có thể chữa trị. Khi có bất kỳ triệu chứng đáng ngờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị thích hợp. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe