Bị sốt nóng lạnh là triệu chứng của bệnh gì?

Mục lục

Tình trạng sốt nóng lạnh là triệu chứng bệnh lý khá phổ biến hiện nay và gặp ở mọi lứa tuổi. Đôi khi tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Vì vậy, việc nhận định kiến thức về sốt nóng lạnh khá quan trọng để có thể điều trị và phòng ngừa hiệu quả.

1. Sốt nóng lạnh là bệnh gì?

Sốt nóng lạnh cũng giống như các triệu chứng của sốt khác với dấu hiệu thân nhiệt tăng lên. Tuy nhiên, biểu hiện ban đầu của sốt nóng lạnh có những triệu chứng khá đặc biệt. Người bệnh ban đầu có thể sẽ cảm thấy cơ thể lạnh như chưa hề có hiện tượng nhiệt độ cơ thể tăng lên, nhưng dần dần người bệnh sẽ cảm thấy thân nhiệt trở lại bình thường, và sau đó mới tăng lên. Người bệnh bị sốt nóng lạnh thường có những triệu chứng đi kèm như cơ thể mệt mỏi, ăn không ngon, đầy bụng, da xanh xao thiếu sức sống, thân nhiệt lúc tăng lúc giảm thất thường,...

2. Nguyên nhân gây nên tình trạng sốt nóng lạnh

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng sốt nóng lạnh, có thể là do bệnh lý hoặc chỉ do sinh lý bình thường, và các nguyên nhân này bao gồm:

  • Yếu tố liên quan ngoại cảnh: Sốt nóng lạnh có thể bắt nguồn từ các biến đổi đột ngột của môi trường, có thể như thời tiết thay đổi bất ngờ, gió mùa hoặc gió độc hại, ô nhiễm môi trường,....
  • Các yếu tố liên quan đến bệnh lý: Tình trạng sốt nóng lạnh thường gặp trong trường hợp cơ thể đang cố gắng đẩy lùi các tác nhân bệnh ra khỏi cơ thể. Và để chẩn đoán chính xác nguyên nhân người bệnh kiểm tra xem viêm nhiễm đang diễn ra ở đâu trong cơ thể. Bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cần thiết hoặc thăm dò bằng hình ảnh để tìm nguyên nhân cụ thể. Nhiễm khuẩn do các loại virus hoặc do nấm hoặc vi khuẩn, kí sinh trùng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra cơn sốt nóng lạnh bất thường cho cơ thể. Hoặc một số bệnh lý khác như nhiễm khuẩn toàn thân, thương hàn, lao phổi, bệnh lupus ban đỏ, các bệnh liên quan đến ung thư não, phổi, tuỷ sống,.... Ngoài ra, còn các các bệnh liên quan đến huyết học hoặc nhồi máu cơ tim cũng là nguyên nhân tác động gây nên dấu hiệu sốt nóng lạnh.
  • Yếu tố liên quan đến miễn dịch. Mặc dù vậy tình trạng sốt nóng lạnh không phải lúc nào cũng do nguyên nhân từ bên ngoài gây nên mà có thể chính là các triệu chứng kèm theo khi hệ miễn dịch hoạt động tích cực. Chẳng hạn như tiêm phòng vắc xin có thể bị sốt nóng lạnh do hệ miễn dịch hoạt động mạnh hơn so với bình thường.

3. Sốt nóng lạnh là triệu chứng của bệnh gì?

Sốt nóng lạnh đơn thuần chỉ là một cơ sốt lúc giao mùa khi thời tiết thay đổi bất thường hoặc do các virus, vi khuẩn gây nên hoặc có thể là dấu hiệu của người bệnh đang mắc phải căn bệnh khá nguy hiểm như thương hàn, lao phổi, sốt phát ban... thậm chí có thể là do các bệnh liên quan đến ung thư như ung thư gan, não, phổi, tuỷ sống...

Trong một số trường hợp người ta còn cho rằng sốt nóng lạnh có lợi cho hệ miễn dịch vì đây chính là hiện tượng hệ miễn dịch đang hoạt động khá tích cực trong việc đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên, nếu những cơn sốt nóng lạnh đặc biệt kéo dài trong nhiều ngày và nhiều tuần thì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh. Người bệnh sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức kéo dài nếu như không được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Đối với phụ nữ đang mang thai thì sốt nóng lạnh có thể hay gặp. Tuy nhiên, tình trạng này khá nguy hiểm cho cơ thể của người phụ nữ và sức khỏe của thai nhi. Vì vậy, đối tượng này cần phải lưu ý nếu như gặp các triệu chứng của sốt nóng lạnh thì đi khám bác sĩ ngay để có thể xử trí kịp thời. Một số trường hợp phụ nữ đang mang thai nhưng chủ quan với tình trạng sốt nóng lạnh có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thai nhi có thể sẽ bị dị tật ống thần kinh trong trường hợp cơ thể người mẹ bị sốt cao và kéo dài đồng thời không được điều trị dứt điểm, đặc biệt ở giai đoạn mang thai dưới 4 tháng.

4. Dấu hiệu của sốt nóng lạnh

Khi cơ thể lên cơn sốt nóng lạnh thì người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, suy nhược cơ thể đồng thời kèm những triệu chứng khác như đau họng, chảy nước mũi,... Đầu óc quay cuồng, lân lần và không thể tập trung được, đôi khi người bệnh còn gặp hiện tượng nói nhảm. Người bệnh cảm thấy khó khăn trong việc ăn uống do bị đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, nôn mửa liên tục. Thân nhiệt lên xuống bất thường, tiêu chảy kéo dài từ vài tuần đến vài tháng không có dấu hiệu thuyên giảm. Người bệnh xanh xao, tím tái, thiếu sức sống, thường xuyên buồn ngủ và không muốn hoạt động nhiều. Sốt nóng lạnh thường xuất hiện vào buổi đêm và sáng sớm như một dấu hiệu cảnh báo tình trạng cơ thể bị viêm mãn tính.

5. Điều trị sốt nóng lạnh tại nhà được không?

Sốt nóng lạnh hay bất kỳ loại sốt nào nếu ở mức độ nhẹ có thể áp dụng các phương pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên, việc quan trọng đầu tiên chính là giúp người bệnh hạ sốt an toàn. Có một số cách dân gian có thể giúp cho việc này chẳng hạn như xông hơi bằng các loại lá chữa bệnh (lá bưởi, lá chanh, ngải cứu...), ăn cháo nóng với hành tía tô, đậu xanh, hoặc cháo thịt bằm gừng tươi...

Thêm vào đó người nhà bệnh nhân nên giúp đỡ người bệnh hạ sốt bằng cách:

  • Chế biến các loại cháo loãng, súp, các loại nước ép trái cây cho người bệnh. Khi người bệnh sốt cao rất dễ bị mất nước trong cơ thể vì thế việc tiếp nước đầy đủ cho cơ thể đóng vai trò quan trọng và tránh được tình trạng máu đông.
  • Nên để người bệnh nghỉ ngơi trong phòng thoáng mát, không bí, tránh đưa nhiều người thăm nom gây ngột ngạt không khí.
  • Hạn chế sử dụng miếng dán hạ sốt đặc biệt là trẻ em. Bởi vì nếu sử dụng lạm dụng miếng dán hạ sốt có thể khiến cho da người bệnh bị tổn thương. Nếu thấy thân nhiệt của người bệnh trên 40 độ và kéo dài thì người nhà cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để được xử trí kịp thời.
  • Sử dụng thuốc cho người bệnh theo đúng kê đơn chỉ định của bác sĩ.
  • Nên cho bệnh nhân ăn kiêng những loại thực phẩm không tốt theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tránh tình trạng kiêng quá đà khiến cho người bệnh không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật.

Người bệnh sốt nóng lạnh nên ăn gì và kiêng ăn gì:

  • Để người bệnh mau chóng khỏi bệnh thì cần thực hiện bổ sung nước liên tục cho cơ thể, nên ăn các loại thực phẩm ở dạng lỏng để cơ thể dễ hấp thu như cháo, súp,... Người bệnh nên ăn nhiều trái cây và rau lá xanh đậm để bổ sung thêm vitamin cho cơ thể. Người bệnh có thể ăn thêm sữa chua để cải thiện hệ vi sinh đường ruột.
  • Bên cạnh đó người bệnh cũng nên kiêng một số loại thực phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe: hạn chế sử dụng nước đá, nước lạnh hoặc các loại đồ ăn lạnh như kem, sinh tố đá bào, tuyệt đối không uống nước trà khi đang sốt vì có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, không nên sử dụng quá nhiều trứng gà sẽ khiến cho cơ thể sốt cảm lạnh lâu khỏi hơn, không nên sử dụng quá nhiều đồ ăn cay nóng như tiêu, ớt... để tránh cơ thể bị sinh nhiệt, tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, hoặc hút thuốc lá trong thời gian điều trị bệnh.
  • Thêm vào đó người bệnh không nên trùm kín chăn, hoặc mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến thân nhiệt tăng cao và có nguy cơ gây co giật.

Trên đây là những thông tin về tình trạng sốt nóng lạnh. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan, bạn nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ