Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Nang vú là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ, đây là một trong những lý do hay gặp nhất khiến phụ nữ đến phòng khám vú. Những nang này có thể hoàn toàn không có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ. Việc phát hiện một khối nang ở vú có thể khiến bạn lo lắng, nhưng hầu hết nang ở vú không nguy hiểm, nó không phải là ung thư. Mặc dù vậy, bạn nên gặp bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác.
1. Nang vú được hình thành như thế nào?
Nang vú là một phần trong các bệnh lý lành tính của tuyến vú - bệnh xơ nang vú. Quá trình bệnh này bao gồm tất cả những thay đổi dạng sợi và nang trong mô vú. Nang vú đơn giản hình thành như một sai lệch trong quá trình phát triển tự nhiên của vú, được cấu tạo bởi một khoang lót bởi lớp tế bào biểu mô chứa đầy chất lỏng bên trong, bao bọc bởi nhu mô vú xung quanh. Nang vú có thể thay đổi kích thước từ nhỏ đến lớn, có thể là đơn lẻ hoặc nhiều. Tổ chức liên kết xung quanh nang tăng sinh các tế bào xơ làm cho nang vú xơ cứng, hay còn được gọi là xơ nang vú.
Nhiều nghiên cứu báo cáo tỷ lệ mắc bệnh xơ nang vú ở phụ nữ cao, cho thấy hơn 70% phụ nữ phát triển các thay đổi xơ nang trong suốt cuộc đời của họ, với 20% trong số này có triệu chứng.
Nang vú thường phát triển ở phụ nữ từ 30 đến 50 tuổi. Tỷ lệ hình thành nang tăng lên trong những năm này, sau đó giảm đáng kể. Vì sự phát triển của nang có liên quan đến nồng độ hóc môn trong cơ thể, hầu hết các nang lành tính sẽ biến mất và các nang mới sẽ không hình thành trong một năm sau khi mãn kinh.
Nang vú thường xuất hiện đồng thời cả hai bên, đây là trường hợp hay gặp nhất;
Các dạng tổn thương xơ nang vú thường gặp: nang vú, bệnh thay đổi sợi bọc tuyến vú và tăng sản ống tuyến vú.
2. Phát hiện nang vú dựa vào đâu?
Đa số các trường hợp nang vú cũng như xơ nang vú thường được phát hiện tình cờ, chỉ 20% nang được tìm thấy ở phụ nữ có xuất hiện đau theo chu kỳ.
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp của nang vú bao gồm:
- Một khối u vú hình tròn hoặc hình bầu dục, giới hạn rõ, nhẵn, có thể di động dễ dàng.
- Gia tăng sự căng tức hoặc đau ở vú ngay trước kỳ kinh nguyệt, được gọi là đau theo chu kỳ.
- Đau vú hoặc căng tức ở vùng sờ thấy nang.
- Tăng kích thước nang trước kỳ kinh nguyệt. Giảm kích thước nang và các triệu chứng sau kỳ kinh nguyệt.
Khi có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ, đến bệnh viện khám là việc làm cần thiết, tuy nhiên bạn không nên quá lo lắng.
Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử, các yếu tố nguy cơ, thăm khám lâm sàng cũng như chỉ định các xét nghiệm và phương tiện chẩn đoán hình ảnh để đánh giá vú.
Siêu âm vú thường là phương tiện đầu tay vì nó đơn giản, dễ thực hiện và ít tốn kém tuy nhiên đánh giá được phần lớn cấu trúc mô vú, phát hiện được các tổn thương, giúp phân định được nang đơn giản hay nang phức tạp.
Chụp nhũ ảnh không hữu ích như siêu âm trong việc xác định giữa các nang hay u vú nhưng thích hợp hơn để đánh giá vú ở bệnh nhân trên 35 tuổi. Bệnh nhân dưới 35 tuổi thường có mô vú dày đặc hơn, được đánh giá tốt hơn bằng siêu âm.
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng là một phương thức hình ảnh được sử dụng. Tuy nhiên, do chi phí và tính khả dụng nên không được sử dụng thường quy như siêu âm hoặc chụp nhũ ảnh.
Phương pháp đánh giá mô bệnh học bằng chọc hút kim nhỏ (FNA) hoặc sinh thiết kim lõi. FNA được thực hiện khi có nang có triệu chứng hoặc nang có các thành phần chồi đặc đáng ngờ.
3. Hướng xử trí nang vú
Nếu bác sĩ chẩn đoán là nang vú đơn giản, thì bạn không cần phải lo lắng vì hầu hết các nang vú đơn giản không nguy hiểm, lành tính và không cần điều trị hoặc chẩn đoán thêm. Nang vú có thể vẫn ổn định trong nhiều năm hoặc có thể tự khỏi. Tuy nhiên, bạn vẫn cần theo dõi sự phát triển của u trong khoảng 3-6 tháng bằng cách siêu âm định kỳ.
Trừ khi nang đặc biệt lớn, gây khó chịu hoặc đau đớn, nang có thể được dẫn lưu bằng một cây kim nhỏ. Quá trình dẫn lưu thường chỉ mất vài phút cho mỗi nang, nó có thể gây khó chịu hoặc đau nhẹ. Nếu nang tái phát trở lại, nó có thể được đánh giá một lần nữa bằng chụp nhũ ảnh và siêu âm vú, và cân nhắc dẫn lưu một lần nữa. Chất lỏng bên trong nang có thể trong suốt hoặc có màu, nhưng điều này cũng không có gì đáng lo ngại.
Một số nang vú phức tạp có thể yêu cầu các biện pháp chẩn đoán khác như chọc hút bằng kim nhỏ hoặc sinh thiết để loại trừ ung thư vú tuy nhiên phần lớn là lành tính. Chọc hút vừa chẩn đoán vừa loại bỏ nang cùng một lúc. Hoặc bác sĩ có thể yêu cầu gặp bạn 6-12 tháng một lần trong 1-2 năm để kiểm tra nang phức tạp này.
Nếu tại bất kỳ thời điểm nào, bác sĩ của bạn cảm thấy nang có những đặc điểm đáng ngờ cho thấy nó thực sự có thể là ung thư vú, bác sĩ có thể yêu cầu sinh thiết để đảm bảo bất kỳ phần đặc nào bên trong nang là lành tính.
4. Bị nang vú có nguy hiểm không?
Gần như tất cả các “nang đơn giản” không nguy hiểm đúng như tên gọi như vậy. Chúng hầu như không bao giờ liên quan đến nguy cơ ung thư cao hơn.
Ngoại lệ duy nhất có thể xảy ra trong đó nang có thể cho thấy nguy cơ ung thư là khi các yếu tố nguy cơ ung thư khác, chẳng hạn như tiền sử gia đình, khi kiểm tra thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cho thấy một số chồi đặc bên trong hoặc dọc theo thành của nó.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các nang đơn giản không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú, mặc dù có một khả năng nhỏ là các nang phức tạp có thể phát triển thành ung thư vú.
Một nghiên cứu năm 2019: Nguồn tin cậy cho thấy 30% trường hợp ung thư vú là ở những người có tiền sử bệnh vú lành tính. Nếu bạn cảm thấy lo lắng về nguy cơ mắc ung thư vú hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh vú, hãy nói chuyện với bác sĩ về cách thức và thời điểm bạn nên tầm soát mà bạn nên thực hiện.
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện những thay đổi sau ở vú:
- Bạn sờ thấy một khối u mới ở vú hoặc nách.
- Một phần vú của bạn cảm thấy dày hoặc sưng lên.
- Da trên vú của bạn bị lõm hoặc bị kích ứng, đỏ.
- Núm vú của bạn bị đau, bị kéo vào trong hoặc tiết dịch.
- Kích thước và hình dạng của vú của bạn đã thay đổi.
- Vú của bạn vẫn còn đau.
Nếu xuất hiện các triệu chứng trên không có nghĩa là bạn bị ung thư vú. Nhưng nó có nghĩa là bạn nên đi khám và theo dõi chặt chẽ hơn với bác sĩ của bạn.
5. Người có nang vú nên kiêng những thực phẩm nào?
- Sử dụng ít các loại nội tạng động vật và thực phẩm có lượng protein cao như trứng vịt lộn, hải sản,...
- Không uống sữa đậu nành hoặc các thực phẩm chế biến từ đậu nành vì thực phẩm này sẽ cung cấp nhiều estrogen – tác nhân trực tiếp làm các tế bào xơ vú phát triển, gia tăng kích thước các khối u hiện có và phát triển thêm các khối u mới.
- Không sử dụng các loại thực phẩm dễ biến đổi gen vì những thực phẩm này chứa nhiều hormone tăng trưởng, sẽ kích thích sự phát triển của u nang.
- Tránh thực phẩm chứa nhiều caffeine như cà phê, socola, nước uống tăng lực,... là sản phẩm làm gia tăng cảm giác đau tức, khó chịu ở ngực của người mắc bệnh.
6. Tổng kết
Nang vú khá phổ biến, đa số lành tính, đặc biệt là đối với những người ở độ tuổi 40. Với câu hỏi xơ nang vú có nguy hiểm không? thì thông thường, xơ nang vú không nguy hiểm, lành tính và không cần điều trị. Nếu bạn cảm thấy có bất kỳ khối u nào trong vú, điều quan trọng là phải đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.