Bị mụn rộp (herpes) sinh dục khi mang thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh mụn rộp sinh dục (Herpes sinh dục), là bệnh lý nhiễm khuẩn đường sinh dục do virus Herpes Simplex (HSV) gây nên. Virus bệnh khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe của phụ nữ mang thai vì thế các chuyên gia khuyên bạn nên tìm hiểu kỹ về bệnh mụn rộp sinh dục để có biện pháp phòng tránh và xử lý nếu cần.

1. Mụn rộp sinh dục là gì?

Mụn rộp sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). STD này gây ra vết loét, mụn rộp - những vết phồng rộp đau đớn (vết sưng chứa đầy chất lỏng) có thể vỡ ra và chảy dịch. Khoảng 16 % người trong độ tuổi từ 14 đến 49 mắc STD này.

2. Nguyên nhân gây mụn rộp sinh dục (herpes sinh dục)

Hai loại virus herpes simplex gây ra mụn rộp sinh dục: HSV-1 (thường gây bệnh lở môi) và HSV-2 (thường gây ra mụn rộp sinh dục).

Các virus xâm nhập vào cơ thể thông qua màng nhầy. Màng nhầy là các lớp mô mỏng lót các khe hở trên cơ thể. Chúng có thể được tìm thấy trong mũi, miệng và bộ phận sinh dục.

Một khi virus đã vào trong cơ thể, chúng sẽ tự kết hợp vào các tế bào và sau đó ở lại trong các tế bào thần kinh của khung chậu. Virus có xu hướng nhân lên và thích nghi với môi trường sống rất dễ dàng, điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

HSV-1 hoặc HSV-2 có thể được tìm thấy ở những người có dịch tiết bị nhiễm khuẩn như nước bọt, tinh dịch, và dịch tiết âm đạo.


Virus HSV-2
Virus HSV-2

3. Nhận biết các triệu chứng của mụn rộp sinh dục

Sự xuất hiện của mụn nước được coi là đánh dấu cho sự bùng phát một ổ dịch. Sự bùng phát đầu tiên sẽ xuất hiện sớm nhất là 2 ngày sau khi nhiễm virus, hoặc muộn nhất là 30 ngày sau đó.

Các triệu chứng chung ở nam giới bao gồm mụn nước ở dương vật, bìu hoặc mông (gần hoặc xung quanh hậu môn).

Các triệu chứng chung ở nữ giới bao gồm mụn nước xung quanh hoặc gần âm đạo, hậu môn và mông.

Các triệu chứng chung ở cả nam và nữ bao gồm:

  • Mụn nước có thể xuất hiện trong miệng, trên môi, mặt và bất cứ nơi nào khác tiếp xúc với các khu vực bị nhiễm bệnh.
  • Những vùng bị nhiễm bệnh thường bắt đầu ngứa, hoặc ngứa ran, trước khi xuất hiện mụn nước thực sự .
  • Các mụn nước có thể bị loét (vết loét mở) và chảy dịch.
  • Lớp vảy có thể xuất hiện trên các vết loét trong vòng một tuần sau khi bệnh bùng phát.
  • Các hạch bạch huyết (chống nhiễm trùng và viêm trong cơ thể) có thể bị sưng.
  • Có thể bị đau đầu, đau nhức cơ thể và sốt.

Các triệu chứng chung của em bé sinh ra với mụn rộp (truyền bệnh qua sinh thường) bao gồm loét trên mặt, các cơ quan khác và bộ phận sinh dục. Em bé sinh ra với mụn rộp sinh dục có thể phát triển các biến chứng rất nghiêm trọng như mù, tổn thương não, thậm chí là tử vong.

Vì vậy, phụ nữ mang thai cần báo về tình trạng nhiễm mụn rộp sinh dục khi mang thai cho bác sĩ biết để thực hiện các biện pháp phòng ngừa vi-rút lây truyền sang em bé trong khi sinh. Phương pháp thường được áp dụng là em bé sẽ được sinh qua mổ đẻ thay vì sinh thường qua đường âm đạo.

4. Chẩn đoán mụn rộp sinh dục

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán nhiễm herpes sinh dục bằng cách kiểm tra bằng trực quan các vết loét herpes. Ngoài ra để tăng thêm độ chính xác, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng.

Xét nghiệm máu có thể chẩn đoán virus herpes simplex (herpes đơn dạng) trước khi trải qua một đợt bùng phát bệnh. Đặt lịch hẹn với bác sĩ nếu nghĩ rằng đã bị phơi nhiễm với mụn rộp sinh dục, ngay cả khi bạn chưa gặp phải bất kỳ triệu chứng nào.

5. Mụn rộp sinh dục được điều trị như thế nào?


Thuốc kháng vi-rút có thể giúp tăng tốc thời gian chữa lành vết loét và giảm đau
Thuốc kháng vi-rút có thể giúp tăng tốc thời gian chữa lành vết loét và giảm đau

Điều trị có thể làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh, nhưng nó không thể chữa khỏi bệnh virus herpes simplex.

5.1 Thuốc

Thuốc kháng vi-rút có thể giúp tăng tốc thời gian chữa lành vết loét và giảm đau. Thuốc được sử dụng ngay trong điều trị khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của một đợt bùng phát (ngứa ran, ngứa và các triệu chứng khác). Những người bị bùng phát bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc để làm giảm khả năng bệnh quay lại trong tương lai.

5.2 Chăm sóc tại nhà

Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ khi tắm hoặc tắm trong nước ấm. Giữ cho vùng bị nhiễm bệnh sạch và khô. Mặc quần áo cotton rộng để giữ cho cơ thể, đặc biệt là các vùng kín được thoải mái.

6. Phụ nữ mang thai cần làm gì khi bị mụn rộp sinh dục?

Phụ nữ mang thai bị bệnh STD thường lo lắng về khả năng lây bệnh cho con. Mụn rộp sinh dục có thể lây sang em bé qua sinh nở đường âm đạo. Vì vậy, điều quan trọng là phải nói cho bác sĩ biết nếu bị mụn rộp sinh dục trong thời kỳ mang thai.

Bác sĩ sẽ cung cấp các thông tin bạn cần biết trong và sau khi sinh em bé. Họ có thể kê các toa thuốc điều trị an toàn khi mang thai để đảm bảo em bé sinh ra được khỏe mạnh. Họ cũng có thể đề nghị thai phụ lựa chọn sinh con qua sinh mổ.

Mụn rộp sinh dục cũng có thể gây ra các biến chứng thai kỳ như sảy thai hoặc sinh non.

7. Tiến triển bệnh lâu dài đối với mụn rộp sinh dục

Quan hệ tình dục an toàn và sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục với ai đó sẽ giúp ngăn ngừa lây lan mụn rộp sinh dục và STD khác.

Không có cách chữa trị mụn rộp sinh dục, nhưng bệnh này có thể được kiểm soát bằng thuốc. Bệnh nằm ở dạng tiềm ẩn (ngủ) trong cơ thể bạn cho đến khi các yếu tố thuận lợi cho bệnh xuất hiện. Bùng phát có thể xảy ra khi bạn trở nên căng thẳng, ốm yếu hoặc mệt mỏi. Bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra một kế hoạch điều trị giúp kiểm soát bệnh kịp thời. Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe