Bị co thắt phế quản dùng thuốc gì?

Co thắt phế quản là tình trạng co thắt của các cơ trơn của thành phế quản trong phổi, thường xảy ra ở bệnh nhân bị hen phế quản, viêm phế quản mạn và dị ứng. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về tổng quan về co thắt phế quản và cách điều trị bệnh.

1. Tổng quan về co thắt phế quản

Co thắt phế quản là tình trạng co thắt của các cơ trơn của thành phế quản trong phổi. Cơ tiểu phế quản co quá mức làm đường thở sẽ thu hẹp lại không cho phép nhiều không khí đi vào hoặc đi ra khỏi phổi và làm tăng sản xuất chất nhầy ở phế quản. Điều này làm hạn chế lượng oxy đi vào máu và lượng carbon dioxide ra khỏi máu, gây nên triệu chứng khó thở, ho và thiếu oxy máu.

Co thắt phế quản thường xảy ra ở bệnh nhân bị hen suyễn, viêm phế quản mạn và dị ứng.

2. Triệu chứng của co thắt phế quản

Khi bị co thắt phế quản, bệnh nhân thường cảm thấy khó thở. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Thở khò khè.
  • Đau hoặc tức ngực.
  • Ho khan.
  • Mệt mỏi, chóng mặt.

3. Nguyên nhân của co thắt phế quản

Bất kỳ sự kích ứng nào trong đường thở đều có thể gây ra co thắt phế quản. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến những bệnh nhân bị hen suyễn. Một số yếu tố có thể góp phần gây ra co thắt phế quản bao gồm:

  • Chất gây dị ứng, chẳng hạn như bụi và lông thú cưng.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng.
  • Gây mê toàn thân trong khi phẫu thuật.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên hoặc dưới.
  • Thời tiết lạnh
  • Hút thuốc.
  • Tác dụng phụ của một số thuốc như Oxymetazoline và Phenylephrine. Cả hai loại thuốc này đều kích hoạt các thụ thể adrenergic alpha-1 dẫn đến co thắt cơ trơn. Thuốc chẹn beta không chọn lọc cũng được cho là tạo điều kiện cho co thắt phế quản.

Bên cạnh đó, trẻ em dễ mắc và có biến chứng co thắt phế quản hơn, do đường kính đường thở của trẻ em nhỏ hơn.

4. Cách điều trị co thắt phế quản

Trong hầu hết các trường hợp co thắt phế quản, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống co thắt phế quản. Những loại thuốc này có tác dụng làm giãn cơ trơn thành phế quản, làm giãn phế quản và tăng khẩu kính đường thở, nhờ đó không khí di chuyển qua đường dẫn khí để đến phế nang dễ dàng hơn.

Ba loại thuốc phổ biến nhất là nhóm thuốc đồng vận beta, thuốc kháng cholinergic và theophylline. Kế hoạch điều trị tốt nhất phụ thuộc vào từng bệnh nhân, chẳng hạn như mức độ nghiêm trọng của co thắt, tần suất xảy ra và nguyên nhân gây nên co thắt phế quản.

Đối với một số trường hợp nặng hoặc mãn tính, có thể cho bệnh nhân co thắt phế quản dùng thuốc steroid để giảm viêm trong đường thở và tăng lưu lượng khí. Trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, cần dùng thuốc kháng sinh trong phác đồ điều trị. Một số loại thuốc chống co thắt phế quản thường được sử dụng để điều trị bao gồm:

  • Nhóm thuốc đồng vận beta-2: Nhóm thuốc đồng vận beta-2 có tác dụng ngắn như Salbutamol, Terbutaline, Fenoterol làm giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng trong vòng vài phút sau sử dụng, nhưng thuốc chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Thuốc đồng vận beta-2 thường phát huy tác dụng khoảng 20 phút sau khi uống và kéo dài trong khoảng 4-6 giờ. Thuốc dùng dạng hít có hiệu quả cao đối với trường hợp triệu chứng bệnh tiến triển nhanh và nặng. Nhóm đồng vận beta-2 tác dụng dài như Salmeterol, Formoterol, Bambuterol thường cần hơn 1 giờ mới phát huy tác dụng, nhưng hiệu quả kéo dài lên đến hơn 12 giờ. Do đó, nhóm thuốc này có thể được sử dụng hằng ngày với mục đích ngăn chặn cơn co thắt phế quản. Không khuyến cáo sử dụng thuốc đồng vận beta-2 tác dụng dài cho trường hợp khẩn cấp.
  • Nhóm kháng cholinergic: Nhóm thuốc kháng cholinergic dùng trong điều trị bệnh giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một số trường hợp dùng trong điều trị hen phế quản. Cơ chế tác dụng của thuốc giúp làm giãn phế quản, giải phóng các chất tích tụ khiến phế quản co thắt lại. Nhóm kháng cholinergic thường được sử dụng ở dạng hít. Tuy nhiên, một số trường hợp khẩn cấp, cân nhắc chỉ định cho người bệnh sử dụng dạng phun khí dung.
  • Khuyến cáo thận trọng khi dùng nhóm thuốc kháng cholinergic ở các đối tượng: phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn dòng chảy bàng quang như ung thư tuyến tiền liệt, sỏi bàng quang.
  • Nhóm theophylline: Theophylline là thuốc giãn phế quản tác dụng dài, sử dụng đường uống ở dạng viên nén hoặc viên nang, hoặc đường tiêm tĩnh mạch trực tiếp (đối với trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nặng).

5. Phòng ngừa co thắt phế quản

Sử dụng thuốc chống co thắt phế quản cần kết hợp với các biện pháp phòng tránh để mang lại hiệu quả cao trong điều trị bệnh. Dưới đây là một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng để phòng ngừa co thắt phế quản:

  • Uống nhiều nước trong ngày để làm lỏng chất nhầy trong đường dẫn khí.
  • Bỏ thuốc lá và tránh hút thuốc lá thụ động.
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh phổi mãn tính, hoặc có vấn đề về hệ thống miễn dịch cân nhắc tiêm vacxin phòng cúm và phế cầu.
  • Tránh tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm, với các chất hóa học, chất tẩy rửa độc hại.
  • Bệnh nhân bị dị ứng với thức ăn hay thú cưng thì cần phải cách ly để tránh dẫn đến co thắt phế quản hoặc làm nghiêm trọng thêm khi đang bị bệnh.
  • Chú ý chế độ ăn uống, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ bị co thắt phế quản dùng thuốc gì? Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe