Hô hấp là động tác sống còn của con người, phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng của phế quản. Trong đó co thắt phế quản là hiện tượng rất nguy hiểm và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chúng ta. Vậy co thắt phế quản là gì và tình trạng này nguy hiểm như thế nào?
1. Co thắt phế quản là gì?
Khi chúng ta hít thở, không khí sẽ lần lượt đi qua đường hô hấp trên, sau đó đến khí quản, tiếp tục theo các nhánh phế quản và kết thúc ở các phế nang. Trong đó, phế quản chính là cơ quan quan trọng nhất, được cấu tạo theo kiểu phân nhánh để đưa không khí đến 2 bên phổi, từ đó đảm bảo quá trình trao đổi khí O2 và CO2 diễn ra tốt nhất và phục vụ cho các hoạt động của cơ thể. Vậy chứng co thắt phế quản là gì?
Co thắt phế quản là tình trạng co thắt xảy ra ở các cơ xung quanh phế quản, dẫn đến thu hẹp đường thở và gây khó khăn cho hoạt động hô hấp, trao đổi khí tại phổi.
Triệu chứng đầu tiên của chứng co thắt phế quản là hiện tượng căng tức ngực và khó thở do đường dẫn khí đã bị thu hẹp. Ngoài ra, bệnh nhân bị co thắt phế quản khó thở còn gặp phải những dấu hiệu khác như:
- Khò khè;
- Mệt mỏi;
- Ho nhiều: Phụ thuộc nguyên nhân gây co thắt mà các tuyến phế quản có thể tăng tiết dịch nhầy và dẫn đến triệu chứng ho nghiêm trọng hơn.
2. Nguyên nhân gây co thắt phế quản là gì?
Co thắt phế quản khó thở có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm:
- Hen suyễn: Đây là một bệnh lý mãn tính của phế quản, xảy ra khi đường dẫn khí bị viêm do các yếu tố kích ứng, dẫn đến co thắt cơ hô hấp. Hen phế quản dị ứng là dạng hay gặp nhất, thường xảy ra ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng và tình trạng phế quản co thắt sẽ xảy ra khi bệnh nhân tiếp xúc với các chất gây dị ứng như lông thú cưng, phấn hoa, mạt bụi...;
- Viêm phế quản: Thể cấp tính thường liên quan đến các tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp hoặc cảm lạnh mà không được xử trí tốt. Triệu chứng viêm phế quản cấp tính nếu kéo dài và tái phát nhiều lần có thể tiến triển sang thể viêm phế quản mạn tính với triệu chứng phổ biến là co thắt phế quản khó thở;
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay gọi tắt là COPD có chiều hướng nghiêm trọng tăng theo thời gian, dần dần đường thở bị thu hẹp và co thắt nhiều, bên cạnh một số triệu chứng khác như ho, khó thở, khò khè, tăng tiết đờm...;
- Khí phế thũng: Là một dạng bệnh của COPD dẫn đến tăng ứ khí kéo dài trong các phế nang. Theo thời các phế nang sẽ càng giãn rộng, hậu quả có thể hình thành các kén khí trong phổi.
Trong chẩn đoán và điều trị chứng co thắt phế quản khó thở, việc xác định nguyên nhân bệnh lý là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi bệnh nhân khi xuất hiện các dấu hiệu khó thở nghi do phế quản co thắt cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Một số yếu tố nguy cơ sau đây có thể dẫn đến chứng co thắt phế quản khó thở:
- Bệnh nhân có tiền căn hoặc cơ địa dị ứng với một yếu tố nào đó (như thực phẩm, lông thú nuôi) sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen phế quản cao hơn, đồng nghĩa với nguy cơ bị co thắt phế quản khó thở cao hơn. Đồng thời, bệnh nhân có nhiều khả năng bị hen và co thắt phế quản cao hơn khi trong gia đình có người được chẩn đoán hen hoặc các tình trạng dị ứng khác;
- Bệnh nhân có thói quen hút thuốc có nguy cơ cao bị hen và các bệnh lý hô hấp khác như viêm phế quản cấp tính, viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Đáng chú ý việc thường xuyên hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) hoặc tiếp xúc với không khí ô nhiễm cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh;
- Bệnh nhân lớn tuổi, trẻ nhỏ hay các trường hợp có hệ miễn dịch suy giảm đều có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn bình thường. Chính những tình trạng nhiễm trùng này sẽ dẫn đến viêm và co thắt phế quản khó thở.
3. Co thắt phế quản có nguy hiểm không?
Co thắt phế quản khó thở tác động trực tiếp đến chức năng hô hấp và hiệu quả trao đổi khí tại phổi. Điều này có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Theo thời gian, tình trạng co thắt phế quản sẽ tác động tiêu cực đến thể lực và sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Chứng co thắt phế quản nghiêm trọng làm lượng không khí giàu oxy mà bệnh nhân hít vào bị hạn chế. Theo sinh lý, các cơ quan quan trọng của cơ thể hoạt động tốt là nhờ vào mức độ cung cấp oxy. Do đó, khi lượng oxy hít vào bị thiếu hụt thì các cơ quan khác của có thể ít nhiều bị tổn thương.
Trường hợp chứng co thắt phế quản khó thở trở nên tồi tệ hơn, khả năng cao là do các bệnh lý là nguyên nhân gây co thắt hiện không còn đáp ứng với liệu pháp điều trị hiện tại. Khi đó bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để được bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân và đưa ra hướng điều trị phù hợp hơn.
4. Chẩn đoán và điều trị chứng co thắt phế quản khó thở
Thông qua các bước thăm khám, bác sĩ sẽ khai thác các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải cũng như thu thập thông tin bệnh sử, tiền sử bệnh lý trước đây, đặc biệt là bệnh hen phế quản hoặc tiền sử dị ứng. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe để ghi nhận quá trình thông khí khi bệnh nhân hít vào và thở ra.
Bên cạnh lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm khác để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán, bao gồm chụp X quang hoặc CT ngực để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bất thường cấu trúc phổi. Một số trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định đo hô hấp ký để xác định các thông số thông khí khi bệnh nhân hít thở. Nếu phế quản bị viêm nhiễm và thu hẹp, các hoạt động trao đổi khí tại phổi của bệnh nhân sẽ bị hạn chế nghiêm trọng.
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị hen phế quản dị ứng, bác sĩ sẽ hướng dẫn họ thực hiện các xét nghiệm dị ứng. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể lấy mẫu đàm của bệnh nhân đem đi xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây co thắt phế quản có liên quan đến vi khuẩn, virus hay vi nấm hay không.
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị co thắt phế quản khó thở theo nguyên nhân gây bệnh:
- Bệnh nhân hen suyễn sẽ được bác sĩ chỉ định các loại thuốc giãn phế quản với mục đích hỗ trợ đường thở thông thoáng, tránh bị tắc nghẽn;
- Bệnh nhân viêm phế quản cấp tính sẽ được bác sĩ kê toa sử dụng thuốc corticosteroid dạng hít với mục tiêu làm giảm nhanh chóng các triệu chứng do co thắt gây ra. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ nên sử dụng loại thuốc này trong thời gian ngắn, do việc lahm dụng steroid dạng hít kéo dài sẽ kéo theo các tác dụng phụ nguy hiểm như: loãng xương hoặc tăng huyết áp. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng các thuốc kháng sinh phù hợp để điều trị bệnh viêm phế quản cấp tính do vi khuẩn;
- Bệnh nhân viêm phế quản mãn tính hoặc khí phế thũng sẽ được bác sĩ kê toa các thuốc hít và thuốc kháng sinh phù hợp. Những trường hợp nghiêm trọng có thể cần đến liệu pháp oxy nếu bệnh nhân khó thở nhiều;
- Co thắt phế quản khó thở do COPD có thể được điều trị bằng các loại thuốc (như giãn phế quản hoặc corticosteroid), oxy liệu pháp hoặc phẫu thuật ghép phổi.
5. Biện pháp dự phòng co thắt phế quản là gì?
Chứng co thắt phế quản khó thở có thể được dự phòng hiệu quả bằng cách kiểm soát các bệnh lý liên quan bằng những biện pháp sau:
- Tránh tiếp xúc với dị nguyên: Bệnh nhân cần xác định bản thân dị ứng và co thắt phế quản khi tiếp xúc với dị nguyên cụ thể là gì, thường gặp như phấn hoa, lông thú nuôi, hải sản, đậu phộng hoặc khói bụi... Những trường hợp cần thiết có thể được bác sĩ cho thực hiện các xét nghiệm tìm dị nguyên. Lưu ý quan trọng nhất là người có cơ địa dị ứng cần tránh xa dị nguyên, qua đó dự phòng chứng co thắt phế quản hiệu quả hơn;
- Uống nhiều nước: Đây là biện pháp đơn giản, giúp chất nhầy hô hấp tích tụ trong ngực loãng ra và giảm co thắt phế quản. Tuy nhiên, cần lưu ý việc uống nhiều nước khi phế quản đang co thắt nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm;
- Tránh xa thuốc lá, khói bụi hoặc hóa chất: Những tác nhân này có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây co thắt phế quản khó thở, song chúng lại gây hại nhiều cho cơ quan hô hấp, có thể kích thích và góp phần dẫn đến các biến chứng nguy hiểm;
- Tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh lý đường hô hấp: Các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên chủ động tiêm ngừa vắc-xin cúm hàng năm trước mùa dịch khoảng 1-2 tuần. Những đối tượng có nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu hoặc đang mắc bệnh lý phổi mãn tính cần tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đặc biệt vắc-xin ngừa cúm và phế cầu khuẩn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.