Bị chân tay miệng bôi Acyclovir được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Acyclovir là thuốc chống lại các tác nhân gây bệnh do một số virus gây ra như thủy đậu, herpes,... Cũng là bệnh do virus gây nên nhưng không có bất kỳ khuyến cáo nào cho phép sử dụng Acyclovir để điều trị bệnh chân tay miệng.

1. Nguyên nhân gây chân tay miệng?

Virus thuộc nhóm Enterovirus là nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng. Nhóm virus này có nhiều loại khác nhau (Poliovirus, Coxsackievirus, Echovirus và các loại Enterovirus khác). Khi bị tay chân miệng, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với triệu chứng nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Tuy nhiên, nếu do virus Enterovirus 71 thì gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh.

Chân tay miệng xảy ra phổ biến nhất là trẻ em dưới 10 tuổi. Virus gây bệnh tay chân miệng thường lây lan qua đường miệng, hậu môn như nước bọt, chất nhầy, phân và dịch tiết của người mắc bệnh. Nguy cơ mắc bệnh chân tay miệng khi:

  • Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh hoặc tiếp xúc với dịch tiết từ nước mũi, nước bọt của người bệnh trong khi hắt hơi, ho.
  • Trẻ cầm nắm đồ chơi, chạm vào sàn nhà có dính virus gây bệnh rồi vô tình đưa lên mắt, mũi, miệng.
  • Người chăm sóc người bệnh không rửa tay thường xuyên, khiến virus lây lan.

Chân tay miệng xảy ra phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 10 tuổi
Chân tay miệng xảy ra phổ biến nhất là ở trẻ em dưới 10 tuổi

2. Triệu chứng chân tay miệng

Triệu chứng bệnh chân tay miệng rất đặc trưng, khoảng 1 đến 2 ngày ủ bệnh, tay chân miệng sẽ khởi phát với những triệu chứng như sau:

  • Bị sốt: Sốt là dấu hiệu đầu tiên khi trẻ bị nhiễm virus gây chân tay miệng, đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể để ngăn sự tấn công của virus, vi khuẩn gây hại.
  • Da xuất hiện các tổn thương: Da của người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn đỏ, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, khoang miệng hoặc lưỡi,... Các tổn thương này có thể gây ngứa, đau rát và khó chịu khi bị vỡ ra. Do đó trẻ không nên gãi vào vết đỏ để hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng.
  • Mệt mỏi, chán ăn: Ngoài những triệu chứng trên, trẻ sẽ đau miệng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi hoặc bị tiêu chảy nặng. Đối với trẻ nhỏ, nếu quấy khóc và giật mình thường xuyên thì có thể là dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, trường hợp này cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để thăm khám kịp thời.

Da của người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn đỏ, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, khoang miệng hoặc lưỡi,...
Da của người bệnh sẽ xuất hiện các mẩn đỏ, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, khoang miệng hoặc lưỡi,...

3. Dùng thuốc trong điều trị chân tay miệng

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị virus gây bệnh chân tay miệng, vì vậy việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Các thuốc điều trị bao gồm:

  • Thuốc hạ sốt, giảm đau: Khi bị bệnh, người bệnh thường hay sốt. Lúc này, có thể dùng thuốc hạ sốt giảm đau (paracetamol, ibuprofen) để giúp giảm đau, giảm quấy khóc ở trẻ.
  • Thuốc kháng sinh, kháng virus: Chân tay miệng là bệnh do virus, kháng sinh không trị được virus gây bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi có triệu chứng chứng bội nhiễm thêm vi khuẩn. Hiện nay, Acyclovir là thuốc chống lại các tác nhân gây bệnh như virus. Cũng là bệnh do virus gây nên, chân tay miệng bôi Acyclovir được không? Theo đó, không có bất kỳ khuyến cáo nào cho phép sử dụng Acyclovir để điều trị chân tay miệng.
  • Thuốc bôi da, giảm ngứa da: Vậy trong trường hợp bị ngứa, tay chân miệng bôi thuốc gì? Nếu gặp phải tình trạng có nhiều bóng nước lớn và vỡ thì có thể bôi thuốc sát trùng như xanhmethylen, kem chứa ion bạc... Nếu ngứa nhiều có thể dùng thuốc kháng histamin.
  • Thuốc bôi tại miệng: Các nốt ban thường mọc trong khoang miệng, niêm mạc lưỡi, họng,... nên khiến trẻ khó chịu, bỏ ăn,... trường hợp này nên dùng gel kháng sinh, chất sát khuẩn tại chỗ hoặc chất gây tê giảm đau để giảm bội nhiễm, giảm đau. Tuy nhiên trẻ loét miệng có thể rất đau, không hợp tác, trường hợp này có thể không sử dụng các thuốc bôi miệng vì tổn thương này lành tính nên có thể tự lành.
  • Thuốc chống viêm corticoid: Thuốc chống viêm corticoid không khuyến cáo sử dụng cho người bị tay chân miệng đang điều trị ngoại trú. Thuốc chống viêm corticoid là nhóm thuốc có ảnh hưởng đến miễn dịch, nội tiết... vì vậy, thuốc chỉ nên sử dụng trong trường hợp nặng, điều trị nội trú.

Hiện vẫn còn nhiều người tự mua thuốc bôi điều trị tay chân miệng, tuy nhiên, khi bị tay chân miệng bôi gì thì cần phải hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào. Bởi các loại thuốc đều có tác dụng phụ nhất định khi dùng không đúng liều lượng, chỉ định,....


Cần phải hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc bôi nào cho trẻ bị tay chân miệng
Cần phải hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc bôi nào cho trẻ bị tay chân miệng

4. Phòng tránh tay chân miệng

Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng, nên biện pháp phòng bệnh tối ưu nhất là thực hiện vệ sinh tốt bằng các phương pháp sau:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng, trước khi nấu ăn và ăn uống, trước khi cho trẻ ăn, sau khi dùng nhà vệ sinh. Bỏ khăn giấy và tã lót đã sử dụng vào thùng rác đúng cách.
  • Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm với nước, khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường
  • Khi hắt hơi, ho nên che miệng và mũi, sau đó vệ sinh tay bằng nước và xà phòng;
  • Vệ sinh nhà cửa, sân vườn, nơi vui chơi sạch sẽ, thường xuyên. Đối với đồ chơi chung, khử trùng hàng ngày bằng các chất tẩy rửa, tráng lại nước và lau bằng khăn sát trùng.
  • Không mớm cơm, thức ăn cho trẻ và không dùng tay bốc thức ăn trực tiếp cho trẻ.
  • Trường hợp mắc bệnh, cần tự cách ly và đến ngay cơ sở y tế để điều trị.

Tay chân miệng là bệnh lý rất dễ mắc phải, nếu không chủ động phòng ngừa và có biện pháp điều trị hiệu quả thì rất dễ gây biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, trẻ trong giai đoạn từ 6 tháng đến 3 tuổi rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, bệnh lý về da và nhiễm trùng đường tiêu hóa... cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc chăm sóc và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe