Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
“Bị cảm lạnh dùng thuốc gì thì nhanh khỏi?” - Là câu hỏi rất nhiều người quan tâm hiện nay, vì cảm lạnh có triệu chứng hết sức bình thường nhưng nếu không điều trị đúng cách có thể để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm.
1. Triệu chứng thường gặp khi bị cảm lạnh
Cảm lạnh thường bắt đầu với biểu hiện mệt mỏi, toàn thân nhức rã rời, cảm giác lạnh, nhiễm hàn, hắt hơi kèm theo đau đầu kéo dài trong vài ngày, đặc biệt xuất hiện triệu chứng chảy nước mũi và ho. Các triệu chứng này có thể bắt đầu sau 16 giờ nhiễm bệnh, đỉnh điểm là 2 - 4 ngày sau khi khởi phát và thường chấm dứt sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên với một số trường hợp, bệnh có thể kéo dài tới 3 tuần. Đặc biệt, trẻ em ho kéo dài hơn 10 ngày trong 35 - 40% các trường hợp, đây là một con số khá cao, có thể dẫn đến bệnh viêm phổi, viêm xoang, viêm tai giữa và nhiều căn bệnh khác.
Trắc nghiệm: Bạn có phân biệt được chính xác cảm lạnh và cúm mùa?
Cảm cúm và cảm lạnh là hai khái niệm mà chúng ta thường đánh đồng nó giống nhau, không phân biệt rõ ràng. Dưới đây là một số câu hỏi trắc nghiệm, giúp bạn có thêm những kiến thức phân biệt cảm lạnh và cảm cúm. Từ đó, có những biện pháp điều trị bệnh phù hợp.2. Bị cảm lạnh nên uống thuốc gì?
Khi bị nhiễm cảm lạnh, người mắc gặp rất nhiều bất tiện và khó chịu, điển hình là triệu chứng hắt hơi liên tục và ho kéo dài. Vì thế, khi bị cảm lạnh trong những ngày đầu tiên, bệnh nhân nên uống các loại thuốc thông dụng để hỗ trợ trị cảm hữu hiệu nhất.
2.1. Thuốc co mạch mũi
Trên thị trường hiện nay có hai dạng chính, đó là dạng nhỏ mũi và xịt mũi với hoạt chất chính xylometazolin và naphazolin. Đây là các thuốc kích thích thần kinh giao cảm đường uống như ephedrine, pseudoephedrine, phenylephrine... và thuốc dùng qua mũi như naphazolin,....
Thuốc này có các tác dụng phụ như mất ngủ hoặc buồn ngủ, đau đầu hoặc rối loạn tiêu hóa. Không dừng lại ở đó, nếu sử dụng trong thời gian dài thậm chí có thể dẫn tới nghẹt mũi mạn tính. Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra khuyến cáo rằng không sử dụng các thuốc làm thông mũi, chống nghẹt mũi cho trẻ dưới chưa đủ 2 tuổi.
2.2. Thuốc giảm đau, hạ sốt
Thuốc giảm đau hạ sốt thường chứa thành phần là paracetamol (acetaminophen) hoặc ibuprofen có công dụng là hạ sốt, giảm đau. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý khi dùng các thuốc này, không nên uống đồ có cồn và khi có bệnh gan do rượu bởi điều này sẽ làm tổn thương cho gan nhiều hơn. Do vậy, khi muốn sử dụng, bệnh nhân cần kiểm tra bao bì của thuốc để xem có chứa thành phần này hay không để có biết cách dùng thuốc hợp lý, tránh hiện tượng lạm dụng nhiều từ đó làm trầm trọng thêm tác dụng phụ.
2.3. Thuốc kháng sinh
Bệnh nhân có thể sử dụng kháng sinh dự phòng bội nhiễm sau cảm lạnh thuộc nhóm beta lactam (theo chỉ định của bác sĩ). Tuy nhiên, bệnh nhân cần lưu ý thêm, không sử dụng thuốc cho những người bị dị ứng với bất cứ thuốc nào thuộc nhóm này hoặc nếu đã từng dùng thuốc nhưng men gan tăng trong thời gian dùng cũng phải cẩn trọng.
Ngoài ra, bệnh cảm lạnh hoàn toàn có thể được trị khỏi nhờ các loại thảo dược, vitamin và khoáng chất. Bệnh nhân cũng có thể kết hợp sử dụng các loại máy xông mũi để tạo ẩm cho mũi hoặc đơn giản bị cảm lạnh uống panadol cũng đem lại hiệu quả điều trị.
3. Các lưu ý cần biết khi uống thuốc trị cảm lạnh
Cần phải lưu ý những vấn đề sau đi khi muốn nhanh khỏi cảm lạnh nhờ thuốc:
- Chọn thương hiệu thuốc tin cậy:
Các loại thuốc điều trị cảm thường sản xuất dưới nhiều tên thương mại khác nhau nên khi lựa chọn, người bệnh nên tìm các thương hiệu nổi tiếng, có uy tín trên thị trường thuốc để đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, độ an toàn cao.
- Thời điểm uống thuốc phải hợp lý:
Chỉ được uống thuốc giảm đau, hạ sốt khi bị sốt cao (trên 38,5 độ C) để tránh gây hại đến gan. Ngoài ra, không nên dùng cùng một lúc chung một hoạt chất dưới dạng bào chế khác nhau vì sẽ dễ gây quá liều. Đặc biệt, không sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt có kết hợp thành phần chống dị ứng và các biệt dược có chứa chất này cho người đang lên cơn hen, phì đại tuyến tiền liệt, tắc cổ bàng quang, tá tràng, trẻ sơ sinh, người mang thai 3 tháng cuối hoặc phụ nữ đang nuôi con bú...
- Lưu ý hạn sử dụng thuốc cảm:
Quá hạn sử dụng, thuốc thường bị biến chất và không đảm bảo hiệu lực điều trị bệnh. Do đó, người sử dụng cần kiểm soát chắc chắn thời hạn sử dụng của loại thuốc mình dùng để tránh những tác dụng phụ không mong muốn cho sức khỏe.
Cảm lạnh uống thuốc gì nhanh khỏi sẽ tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người. Chính vì vậy, tốt hơn hết bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để khắc phục triệu chứng cảm lạnh một cách nhanh chóng nhất. Ngoài ra để tăng cường hiệu quả điều trị, bệnh nhân nên duy trì lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với rèn luyện thể thao để gia tăng sức đề kháng. Đây chính là chìa khóa tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh và chiến thắng được nhiều căn bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.