Tim bẩm sinh là dị tật gặp nhiều nhất ở trẻ sơ sinh. Bệnh lý này rất nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhân. Mặc dù có thể can thiệp điều trị nhưng nhiều người vẫn thắc mắc bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu?
1. Bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu?
Trẻ bị tim bẩm sinh sống được bao lâu là câu hỏi được nhiều phụ huynh có con nhỏ đặt ra. Theo các chuyên gia, bệnh tim bẩm sinh là những dị tật cấu trúc tim xuất hiện từ khi bé còn trong bào thai và là dị tật phổ biến nhất trong tất cả các dị tật ở trẻ sơ sinh. Mặc dù khá nghiêm trọng nhưng hiện nay cơ hội phát hiện sớm và điều trị thành công bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là rất cao. Tiên lượng sống của một đứa bé bị tim bẩm sinh phụ thuộc vào loại dị tật cụ thể cũng như mức độ nghiêm trọng của dị tật đó. Theo bác sĩ, một số dạng tim bẩm sinh nhẹ như thông liên thất hoặc thông liên nhĩ lỗ nhỏ có thời gian sống gần tương tự như người bình thường. Trong khi đó, những dạng tim bẩm sinh nặng như hội chứng thiểu sản tim trái có tiên lượng sống rất xấu. Để giải đáp cho câu hỏi bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu, các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thống kê và cho kết quả nhiều trường hợp có thể sống đến 75 tuổi (+/- 11 tuổi), và đặc biệt chỉ kém 4 tuổi so với người khỏe mạnh bình thường.
Giải thích vấn đề tại sao bệnh nhân tim bẩm sinh có tỷ lệ sống cao, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể do những yếu tố sau:
- Sự phát triển của khoa học công nghệ trong Y học giúp phát hiện sớm và chính xác các khuyết tật tim bẩm sinh. Ví dụ phương pháp siêu âm có thể phát hiện một số dạng tim bẩm sinh ở tuần thai thứ 18;
- Nhiều trường hợp trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đủ điều kiện phẫu thuật ở độ tuổi nhỏ hơn;
- Sự ra đời của nhiều phương pháp phẫu thuật mới giúp điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hiệu quả hơn;
- Kèm theo đó, quy trình chăm sóc trẻ hậu phẫu tim bẩm sinh được chú trọng và phát triển tốt hơn đã mang lại tiên lượng sống cho trẻ cao hơn.
2. Phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh
Trẻ bị tim bẩm sinh sống được bao lâu còn tùy thuộc vào khả năng tiếp cận với các biện pháp điều trị. Các chuyên gia cho biết mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng tim bẩm sinh có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp như thay thế van tim bệnh lý bằng van tim nhân tạo, phẫu thuật sửa chữa dị tật cấu trúc tim như đóng vách thông liên nhĩ/thông liên thất, đóng ống động mạch qua thông tim... Các biện pháp điều trị này giúp ngăn ngừa các biến chứng lâu dài của tim bẩm sinh, như rối loạn nhịp tim, viêm nội tâm mạc hay suy tim...
Một số phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hiện nay:
- Điều trị nội khoa: Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc như thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc ổn định nhịp tim, thuốc chống đông hoặc lợi tiểu...;
- Cấy thiết bị hỗ trợ như máy tạo nhịp, máy khử rung ICD... nhằm mục đích kiểm soát các bất thường nhịp tim, qua đó phòng ngừa các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng;
- Can thiệp nội mạch: Giúp sửa chữa các khuyết tật trong cấu trúc tim thay vì phẫu thuật mở. Theo đó, bác sĩ sẽ đưa một ống thông qua mạch máu dẫn đến tim, sau đó đưa một dụng cụ nhỏ vào ống thông để tiến hành sửa chữa dị tật tim;
- Phẫu thuật: Nếu phương pháp can thiệp nội mạch không thể sửa chữa khiếm khuyết hoặc không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mở lồng ngực để đóng các lỗ thông bất thường, mở rộng các mạch máu hoặc sửa van tim bất thường;
- Ghép tim: Một số dạng tim bẩm sinh quá phức tạp không thể sửa chữa bằng các phương pháp thông thường đòi hỏi phải ghép tim để cải thiện tiên lượng sống của bệnh nhân.
3. Biến chứng bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu còn phụ thuộc nhiều vào những biến chứng mà bệnh nhân gặp phải. Đáng chú ý dù được can thiệp phẫu thuật điều trị sớm nhưng tim bẩm sinh vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra một số biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như sau:
- Loạn nhịp tim, bao gồm nhịp tim không đều, quá nhanh, quá chậm hoặc lúc nhanh lúc chậm đều không tốt cho sức khỏe của bệnh nhân tim bẩm sinh. Do tình trạng loạn nhịp tim nên các cơ quan trong cơ thể không được cung cấp máu đều đặn và dẫn đến suy giảm chức năng. Đặc biệt, nguy cơ rối loạn nhịp tim có thể tăng lên do ảnh hưởng sau can thiệp phẫu thuật tim hoặc tác dụng phụ của thuốc. Khi đó bác sĩ sẽ xem xét mức độ nguy hiểm của loạn nhịp mà chỉ định biện pháp can thiệp phù hợp;
- Bệnh lý về gan: Bệnh nhân tim bẩm sinh dạng khuyết tật tâm thất độc nhất có nguy cơ mắc bệnh gan rất cao, do đó bác sĩ khuyến cáo nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm khi có các triệu chứng suy giảm chức năng hay tổn thương gan;
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn: Có thể do can thiệp điều trị bệnh tim bẩm sinh để lại hoặc do các yếu tố bên ngoài tác động. Biến chứng tim bẩm sinh này cần được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, nếu không có thể tăng nguy cơ hình thành huyết khối tắc mạch, suy tim hoặc tổn thương van tim;
- Tăng áp động mạch phổi: Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh mặc dù được can thiệp thì đôi khi vẫn không thể khắc phục hoàn toàn, từ đó khiến tim và phổi hoạt động quá mức, dẫn đến tăng áp động mạch phổi;
- Một số biến chứng khác: Bệnh tim bẩm sinh ở người trưởng thành có nguy cơ cao gây ra các biến chứng khác như béo phì, đái tháo đường, xơ vữa động mạch...
4. Sống chung với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Khi được chẩn đoán xác định mắc bệnh tim bẩm sinh, dù được can thiệp, phẫu thuật hay chưa thì người bệnh vẫn phải tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn.
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe tim mạch nói chung và bệnh nhân tim bẩm sinh nói riêng như sau:
- Tăng cường rau xanh và trái cây tươi và hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn/đóng hộp;
- Sử dụng dầu thực vật với tỷ lệ chất béo bão hòa thấp để thay thế cho mỡ động vật;
- Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt thay vì bánh mì và ngũ cốc tinh chế;
- Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường;
- Sử dụng sữa không béo hoặc ít béo;
- Tăng cường sử dụng cá trong chế độ ăn hằng ngày;
- Sử dụng thịt gia cầm bỏ da, thịt nạc và các loại thịt giảm mỡ;
- Giảm lượng muối cung cấp trong khẩu phần ăn, tốt nhất là dưới 5g/ngày;
- Hạn chế ăn ngoài, khuyến cáo chế biến bữa ăn tại nhà để kiểm soát các thành phần tốt hơn;
- Hoạt động thể chất: Bệnh nhân bị tim bẩm sinh cần xây dựng chế độ tập luyện thể chất phù hợp mỗi ngày nhằm cải thiện triệu chứng và tăng cường sức khỏe. Với trẻ nhỏ, phụ huynh nên khuyến cáo bé vận động thể chất tối thiểu 30 phút/ngày, đặc biệt tránh ngồi một chỗ quá lâu. Người lớn bị tim bẩm sinh nên duy trì các bài tập thể chất nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, bơi lội, yoga...;
- Duy trì cân nặng ổn định: Việc này đặc biệt quan trọng với bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh. Tình trạng thừa cân, béo phì góp phần làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ tim mạch và các bệnh lý mạn tính khác, đặc biệt là đái tháo đường. Với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 7 tuổi, phụ huynh cần tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng giúp con giảm cân, đồng thoải phải đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho sự phát triển thể chất lẫn trí não;
- Tuân thủ điều trị của bác sĩ: Nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh phải uống thuốc suốt đời. Vì thế, người bệnh cần tái khám định kỳ để bác sĩ điều chỉnh thuốc phù hợp với tình trạng bệnh ở từng thời điểm cụ thể. Lưu ý, bệnh nhân không được tự ý ngưng thuốc, thay đổi liều lượng hoặc dùng lại toa thuốc cũ mà bỏ qua tái khám, vì có thể khiến bệnh tái phát hoặc diễn tiến nặng hơn;
- Tuân thủ lịch khám thai: Chỉ định này dành riêng cho thai phụ đã phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh. Khi đó bà bầu cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ của bác sĩ để theo dõi tiến triển bệnh và có hướng điều trị phù hợp khi em bé chào đời.
Hy vọng với những chia sẻ trên đây đã giúp cha mẹ có được cho mình câu trả lời về bệnh tim bẩm sinh sống được bao lâu. Tốt nhất khi xác định trẻ mắc tim bẩm sinh, cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện thăm khám để nhận được tư vấn phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.