Béo phì - Sự tiềm ẩn ung thư

Bài viết được viết bởi BSCK I Lê Thị Nhã Hiền, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Tình trạng thừa cân và béo phì đang ngày càng phổ biến trên toàn thế giới. Hiện nay, bằng chứng về mối liên quan giữa béo phì và ung thư ngày càng rõ ràng. Tại Mỹ, xấp xỉ 85,000 ca ung thư mới mắc hàng năm có liên quan đến béo phì. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng nếu chỉ số khối của cơ thể (the body mass index-BMI) tăng 5kg/ m2, tỷ lệ tử vong bởi ung thư tăng 10%. Ngoài ra, các nghiên cứu ở nhóm bệnh nhân có phẫu thuật giảm cân (bariatric surgery) được báo cáo gần đây cho thấy sự giảm tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong do ung thư, đặc biệt ở phụ nữ.

Béo phì vẫn đang là một trong những lĩnh vực sức khỏe nhức nhối của toàn cầu. Một nghiên cứu gộp năm 2005 đã nêu rõ xấp xỉ 937 triệu người trưởng thành thừa cân và 396 triệu người trưởng thành béo phì. Với định nghĩa chỉ số BMI >= 25 hoặc < 30: thừa cân; >= 30: béo phì, khoảng 1/3 dân số thế giới được xếp vào nhóm thừa cân, béo phì. Nếu xu hướng tiếp tục không suy giảm, tình trạng thừa cân và béo phì trên toàn thế giới được dự báo sẽ đạt khoảng 58%. Ngày càng có nhiều nghiên cứu hơn về sự liên quan giữa béo phì và nguy cơ ung thư.

1. Béo phì có thể gây ung thư không?

Vào năm 2002, Cơ quan Nghiên cứu quốc tế về ung thư (The International Agency for Research on Cancer - IARC) đã công bố có sự liên quan giữa béo phì và một số loại ung thư như: đại tràng, vú ở phụ nữ sau mãn kinh, nội mạc tử cung, thận, thực quản. Tỷ lệ phần trăm ung thư do béo phì là 11% ung thư đại tràng, 9% ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh, 39% ung thư nội mạc tử cung, 25% ung thư thận, 37% ung thư thực quản(4). Sau đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng có sự liên quan giữa béo phì và một số ung thư như ung thư gan, tụy, lymphoma non Hodgkin.

Đến năm 2005 và 2007, tổ chức nghiên cứu ung thư thế giới (the World Cancer Research Fund - WCRF) đã công bố mối liên quan giữa chế độ ăn, hoạt động thể lực có thể phòng ngừa ung thư( 5). Ngoài ra, WCRF cùng nêu mối quan hệ giữa béo phì và nguy cơ mắc một số loại ung thư như: thực quản, tụy, đại trực tràng, vú ở phụ nữ sau mãn kinh, nội mạc tử cung và thận.


Béo phì có thể gây ra ung thư thực quản với tỉ lệ 37%
Béo phì có thể gây ra ung thư thực quản với tỉ lệ 37%

2. Béo phì là gì?

Để phân loại mức độ béo phì, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thường dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) được tính bằng cách chia cân nặng (kg) cho bình phương chiều cao (mét) theo công thức:

BMI = W (kg) / H (m2) W: cân nặng, H: chiều cao.

Một người trưởng thành có chỉ số BMI trong khoảng 25 – 29,9 được xem là thừa cân, và một người trưởng thành có chỉ số BMI > = 30 được xem là béo phì.

3. Cơ chế gây ung thư ở người béo phì?

Chất béo trong cơ thể có hai chức năng chính: Dự trữ năng lượng và liên tục lan truyền thông tin, chỉ dẫn đến phần còn lại của cơ thể. Những thông tin này có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng tế bào, phản ứng hóa học trong tế bào và chu kỳ sinh sản của cơ thể. Khi có quá nhiều chất béo trong cơ thể, những tín hiệu được truyền đi xung quanh cơ thể có thể gây ra các rối loạn, là nguồn gốc gây ung thư. Các nghiên cứu cho đến nay đã xác định được khá nhiều cơ chế gây ra ung thư do béo phì, trong đó có 3 cơ chế chính bao gồm:

  • Quá trình viêm: khi có nhiều tế bào mỡ trong cơ thể, các tế bào miễn dịch chuyên biệt tăng tiết cytokine, từ đó thúc đẩy quá trình viêm mạn tính, làm cho các tế bào phân chia nhanh hơn, khi xảy ra trong một thời gian dài có thể gây ra tổn thương DNA dẫn đến ung thư. Béo phì là một yếu tố nguy cơ sỏi mật, đặc trưng bởi tình trạng viêm túi mật mãn tính, có nguy cơ gây ung thư túi mật.
  • Hormone tăng trưởng: Quá nhiều chất béo trong cơ thể có thể làm tăng lượng insulin và các yếu tố tăng trưởng khác giống như insulin-1 (IGF-1). (Tình trạng này được gọi là hyperinsulinemia hoặc kháng insulin, tiền đề của bệnh tiểu đường type 2.) Mức độ cao insulin và IGF-1 làm cho các tế bào phân chia thường xuyên hơn. Điều này có thể thúc đẩy sự phát triển của ung thư đại tràng, thận, tuyến tiền liệt và nội mạc tử cung.
  • Hormon giới tính - sau thời kỳ mãn kinh: Mô mỡ trong cơ thể tạo ra lượng estrogen dư thừa. Estrogen do tế bào mỡ tạo ra có thể làm cho tế bào phân chia nhanh hơn ở vú và nội mạc tử cung (hai loại ung thư liên quan chặt chẽ nhất với béo phì), làm tăng nguy cơ gây đột biến các tế bào và ung thư.
  • Ngoài ra, các tế bào mỡ tạo ra Adipokine, hormon có thể kích thích hoặc ức chế sự phát triển tế bào. Tế bào mỡ cũng có thể có tác động trực tiếp và gián tiếp lên các chất điều hòa tăng trưởng tế bào khác.

Người béo phì cần được thăm khám sức khỏe định kỳ
Người béo phì cần được thăm khám sức khỏe định kỳ

4. Phòng ngừa ung thư? Tại sao không?

Hệ thống Bệnh Viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec với trang thiết bị hiện đại luôn đồng hành cùng chung tay trên con đường đẩy lùi sự phát triển ung thư qua các gói tầm soát ung thư và các dịch vụ tiêm vắc-xin phòng ung thư. Đặc biệt là những người mắc bệnh béo phì nên kiểm tra sức khỏe thường định kỳ và tầm soát ung thư để sớm phát hiện ra các vấn đề sức khỏe, điều trị kịp thời.

Sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và sàng lọc ung thư công nghệ cao, bao gồm xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ thị sinh học phát hiện khối u sớm. Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (Ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến,....)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe