Bệnh Zika ở phụ nữ có thai: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Thị Thu - Trưởng khoa Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Các triệu chứng zika ở bà bầu thường nhẹ và thường hết trong vài ngày. Tuy không gây ảnh hưởng nhiều sức khỏe người mẹ, nhưng bệnh Zika có thể gây các dị tật nghiêm trọng ở trẻ, đặc biệt là tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.

1. Những con đường lây truyền bệnh zika cho phụ nữ có thai

Phụ nữ có thai có thể mắc bệnh Zika khi bị đốt bởi muỗi Aedes mang mầm bệnh. Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng gây lây truyền vi-rút Zika đó là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Trong đó muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn (do muỗi có các vạch đen trắng trên thân) là tác nhân gây bệnh chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi Aedes thường đốt người vào ban ngày, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc khi trời gần tối, muỗi thường đậu ở rèm cửa, nơi treo quần áo. Ngoài lây truyền bệnh Zika, muỗi Aedes cũng là tác nhân gây các bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng và bệnh chikungunya.

Vi-rút Zika còn có thể lây qua đường quan hệ tình dục. Theo một số nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới WHO, vi-rút Zika có thể tồn tại tới 188 ngày trong tinh dịch nam giới mắc bệnh. Nếu quan hệ tình dục không có các biện pháp bảo vệ trong khoảng thời gian này, phụ nữ mang thai có thể bị lây bệnh Zika từ bạn đời. Ngoài ra, vi-rút Zika có thể lây truyền cho phụ nữ mang thai qua đường truyền máu hoặc ghép tạng.

2. Các triệu chứng zika ở bà bầu

Hầu hết các người bệnh nhiễm Zika không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ từ 37.8- 38.5 độ C, đau đầu, phát ban, ngứa, mệt mỏi. Một số người có thể bị viêm kết mạc mắt và đau xương khớp (thường là khớp nhỏ ở tay chân). Các triệu chứng zika ở bà bầu không khác biệt so với các đối tượng khác. Bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, uống thuốc hạ sốt, giảm đau Paracetamol nếu cần. Các triệu chứng thường hết trong khoảng 2-7 ngày.


Hầu hết các người bệnh nhiễm Zika không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ từ 37.8- 38.5 độ C
Hầu hết các người bệnh nhiễm Zika không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ như sốt nhẹ từ 37.8- 38.5 độ C

3. Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh khi bà bầu bị zika

Vi-rút Zika có thể lây từ mẹ sang thai nhi, khả năng lây cao nhất là trong ba tháng đầu thai kỳ. Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người mẹ, nhưng vi-rút Zika có thể gây các dị tật ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thai nhi. Trong đó, tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh là dị tật đáng lo ngại nhất. Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh xuất hiện 1-10% số trẻ được sinh ra bởi bà bầu bị zika ba tháng đầu thai kỳ. Đặc điểm của những trẻ này khi sinh ra là:

  • Một phần hộp sọ trẻ bị sụp, các đường khớp sọ chồng lên nhau, da đầu dư thừa, xương chẩm trẻ nhô cao.
  • Não bộ trẻ biến đổi bất thường: vôi hóa dưới vỏ não, lượng chất trắng giảm, giảm sản thùy nhộng tiểu não, những khoảng chứa dịch tăng, thể chai bất thường, vỏ não mỏng với những nếp nhăn bất thường.
  • Một hoặc cả hai chân trẻ bị vẹo, một hoặc nhiều khớp bị co cứng bẩm sinh.
  • Mắt trẻ có những bất thường như sẹo hoàng điểm, teo đám rối mạch mạc vòng mạc, thiểu hoặc bất sản thần kinh thị giác, có các đốm sắc tố võng mạc trung tâm, đục thủy tinh thể, khuyết mống mắt,...
  • Trẻ có các khiếm khuyết về chức năng thần kinh như mất khả năng vận động, giảm trương lực cơ, mất khả năng nhận thức, khóc quá nhiều, dễ kích thích, động kinh, giảm hoặc mất thị lực, thính lực.

Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Trẻ mắc bệnh cần được theo dõi chặt chẽ trong những năm đầu đời. Chụp ảnh sọ não sẽ được thực hiện thường xuyên để đánh giá sự phát triển của não bộ. Các phương pháp phẫu thuật có thể được thực hiện nếu não còn phát triển, ngoài ra trẻ cần được tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

4. Phát hiện tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh như thế nào?


Trẻ không may sinh ra với dị tật đầu nhỏ do vi-rút Zika sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe
Trẻ không may sinh ra với dị tật đầu nhỏ do vi-rút Zika sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe

Trẻ không may sinh ra với dị tật đầu nhỏ do vi-rút Zika sẽ đối mặt với hàng loạt vấn đề về sức khỏe, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ bị dị tật là một gánh nặng đối với gia đình và xã hội. Do đó phát hiện sớm tình trạng dị tật của thai có vai trò quan trọng. Những phụ nữ mang thai đang sống trong vùng có lưu hành dịch Zika hoặc đã từng đến vùng dịch Zika, khi có các triệu chứng như sốt, đau đầu, phát ban, viêm khớp, viêm kết mạc cần đến các cơ sở y tế để xét nghiệm vi-rút Zika. Nếu các kết quả xét nghiệm xác định phụ nữ có thai nhiễm Zika trong ba tháng đầu hoặc có phơi nhiễm với nguồn bệnh, những phụ nữ này cần khám thai theo định kỳ, thực hiện siêu âm 3-4 tuần/lần để phát hiện các dấu hiệu bất thường ở thai nhi.

Tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh có thể phát hiện sau 18 tuần bằng siêu âm. Bác sĩ sẽ đo kích thước đầu thai nhi, qua hai chỉ số quan trọng nhất là chu vi đầu và đường kính lưỡng đỉnh, bác sĩ sẽ đánh giá sự phát triển của vòng đầu, qua đó có thể phát hiện dị tật đầu nhỏ. Siêu âm cấu trúc não có thể phát hiện những bất thường của cấu trúc não, là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng não bé.

Khi có chẩn đoán xác định trẻ mắc dị tật đầu nhỏ, trên cơ sở tư vấn từ bác sĩ, cha mẹ sẽ quyết định có chấm dứt thai kỳ hay không.

5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh zika ở phụ nữ có thai


Ngủ màn vào cả ban ngày và ban đêm, lắp màng chắn muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào để phòng ngừa muỗi đốt
Ngủ màn vào cả ban ngày và ban đêm, lắp màng chắn muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào để phòng ngừa muỗi đốt

Để phòng ngừa bệnh Zika, phụ nữ có thai nên tránh bị muỗi đốt bằng cách:

  • Ngủ màn vào cả ban ngày và ban đêm, lắp màng chắn muỗi ở cửa sổ và cửa ra vào.
  • Diệt lăng quăng, bọ gậy; hạn chế trữ nước trong xô, chậu; loại bỏ nước đọng trong chậu hoa, lốp xe,...
  • Mặc quần áo dài và che kín cơ thể, đặc biệt là vào sáng sớm và vài giờ trước khi trời tối vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh.
  • Sử dụng các sản phẩm chống muỗi dạng xịt hoặc dạng thoa an toàn cho phụ nữ có thai.

Vi-rút Zika có thể lây qua đường tình dục do đó phụ nữ có thai cần thận trọng khi quan hệ tình dục với bạn tình nhiễm hoặc phơi nhiễm vi-rút Zika (đang sống hoặc đã từng đến vùng lưu hành dịch Zika). Phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục ít nhất 6 tháng kể từ khi bạn tình có triệu chứng bệnh Zika hoặc từ lần cuối phơi nhiễm.

Phụ nữ mắc bệnh Zika hoặc phơi nhiễm với vi-rút Zika phải sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục trong ít nhất 8 tuần kể từ khi có triệu chứng bệnh hoặc từ lần cuối phơi nhiễm để hạn chế khả năng mang thai trong thời kỳ mắc Zika.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe