Bệnh vú to ở nam giới: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trương Thành Tâm - Bác sĩ Nhi khoa - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Mặc dù vú to ở nam giới không là bệnh nặng và rất ít biến chứng thực thể, tuy nhiên người đàn ông mang “bộ ngực như nữ giới” sẽ gặp phải những vấn đề về sinh lý nam giới cũng như tâm lý thần kinh nghiêm trọng. Vì vậy bệnh vú to ở nam giới cũng cần được quan tâm xử trí.

1. Bệnh vú to ở nam giới

1.1. Khái niệm

Bệnh vú to ở nam giới, có tên tiếng anh là “Gynecomastia”, chỉ tình trạng tuyến vú ở người đàn ông có kích thước mô vú lớn hơn bình thường (khoảng 5 cm). Tuy nhiên có 2 trường hợp khác với triệu chứng tương tự cần phân biệt là: vú to nam giả (Pseudogynecomastia) và vú to mỡ (Lipomastia) - chỉ tình trạng mỡ tích tụ nhiều ở ngực của những nam giới béo phì.

Dựa theo lâm sàng, bệnh vú to ở nam giới được phân thành 4 mức độ như sau:

  • Mức 1: Vú to ít và không có da thừa;
  • Mức 2: Vú to vừa và không có phần da thừa;
  • Mức 3: Vú khá lớn và có da thừa;
  • Mức 4: Vú rất lớn và da thừa nhiều.

Trên thực tế, vú to ở nam giới không là bệnh lý của mà là biểu hiện lâm sàng của tình trạng rối loạn cân bằng nội tiết sinh dục tại tuyến vú, trong đó người đàn ông có hormone nữ nổi trội hơn hormone nam.

1.2. Hormone nội tiết sinh dục liên quan tới bệnh vú to như thế nào?

Tất cả những hormone sinh dục đều được sản sinh và tổng hợp từ tiền chất là cholesterol, thông qua các bước trung gian chính bao gồm pregnenolone - dehydroepiandrosterone - testosterone - estradiol. Nội tiết sinh dục nam và nữ được chia ra hai nhóm, đều hiện diện ở cả hai giới nhưng với tỷ lệ nồng độ khác nhau:

  • Các hormone nam (androgen): Đại diện là testosterone, chiếm ưu thế ở đàn ông;
  • Các hormone nữ (estrogen): Đại diện là estradiol, có nhiều ở phụ nữ.

Khi có sự mất cân bằng giữa nồng độ hormone sinh dục nam và nội tiết nữ diễn ra trong cơ thể người đàn ông, cụ thể là tỷ lệ estrogen cao hơn mức bình thường và chiếm ưu thế vượt trội so với androgen, sẽ xuất hiện triệu chứng vú to nam giới.


Khi tỷ lệ estrogen cao hơn mức bình thường và chiếm ưu thế vượt trội so với androgen, sẽ xuất hiện triệu chứng vú to nam giới
Khi tỷ lệ estrogen cao hơn mức bình thường và chiếm ưu thế vượt trội so với androgen, sẽ xuất hiện triệu chứng vú to nam giới

2. Nguyên nhân bệnh vú to ở nam giới

2.1. Vú to nam “sinh lý”

Tình trạng vú nam lớn “sinh lý” có khả năng rơi vào các tình huống sau đây:

  • Đàn ông dùng sữa đậu nành uống thay nước thường xuyên;
  • Tiêu thụ thức ăn công nghiệp có sử dụng hormone tăng trưởng;
  • Do ảnh hưởng của hormone nữ từ mẹ, thường gặp ở trẻ sơ sinh;
  • Do tích mỡ kết hợp rối loạn tỷ lệ hormone sinh dục ở người từ độ tuổi trung niên trở đi, khoảng 1/4 quý ông từ 50 - 70 tuổi có biểu hiện vú to;
  • Giao động nhất thời các hormone sinh dục trong giai đoạn dậy thì, hơn 70% trẻ vị thành niên (12 - 14 tuổi) giới tính nam có estrogen cao tạm thời khiến vú phát triển to, đôi khi thấy đau khi sờ vào.

Theo nhiều nghiên cứu khoa học, có khoảng 5 - 60% nam giới độ tuổi thiếu niên và phát triển bình thường sẽ xuất hiện vú to sinh lý. Tần suất này thay đổi rất rộng và sẽ tự động ổn định dần theo thời gian, trong vòng 6 tháng - 2 năm.

2.2. Vú to nam bệnh lý

Nhóm nguyên nhân này bao gồm một số bệnh lý liên quan, nhiễm độc tố, tác dụng phụ của thuốc và tình trạng thiểu dưỡng. Cụ thể là:

  • Các bệnh làm thay đổi chuyển hóa hormone sinh dục, giảm thoái biến các nội tiết nữ estrogen: Béo phì và xơ gan;
  • Những bệnh lý liên quan đến tinh hoàn: Hội chứng thừa nhiễm sắc thể giới tính X Klinefelter, ung thư tinh hoàn, chấn thương hoặc viêm nhiễm tinh hoàn... khiến quá trình tổng hợp hormone nam testosterone bị suy giảm và làm mất cân bằng hormone, thậm chí dẫn đến vô sinh nam;
  • Các bệnh lý nội tiết chuyển hóa: Cường giáp, tăng prolactin máu, suy thận mạn tính,...;
  • Nhiễm độc các phthalate (DEP, DEHP,...): Đây là những estrogen ngoại lai, hay còn gọi là xeno-estrogen, có tác dụng tương tự hormone nữ và tồn tại trong đồ ăn, thức uống, đồ chơi hàng ngày con người tiếp xúc;
  • Tác dụng phụ của một số thuốc: Lợi tiểu spironolactone, ức chế calci, ức chế men chuyển điều trị tăng huyết áp và các thuốc kháng sinh như isoniazid, metronidazole, ketoconazole, ...;
  • Suy dinh dưỡng, thiếu ăn: Khi thiếu dinh dưỡng, nồng độ testosterone máu trong cơ thể người đàn ông sẽ giảm xuống trong khi mức estrogen vẫn không đổi, lâu dần sẽ gây ra mất cân bằng. Hơn thế nữa, hội chứng tái dưỡng (refeeding syndrome) khi nam giới ăn bình thường trở lại cũng thường gây ra vú to.

Dùng sữa đậu nành thường xuyên có thể gây vú to ở nam giới
Dùng sữa đậu nành thường xuyên có thể gây vú to ở nam giới

3. Chẩn đoán bệnh vú to ở nam giới

Đối với những trường hợp bệnh nhân nam có bộ ngực lớn hơn kích thước bình thường, bác sĩ thường chỉ định:

  • Kiểm tra tổng thể về kích thước, độ săn chắc, dịch tiết và hạch lympho ở tuyến vú;
  • Chẩn đoán phân biệt với hai tình trạng vú to nam giả và vú to mỡ;
  • Kiểm tra dương vật, tinh hoàn và hệ dục tính kỳ II như lông, giọng nói..;
  • Tìm kiếm các dấu hiệu của bệnh lý về gan, thận, nội tiết,... nếu có;
  • Khai thác kỹ thông tin về những loại thuốc, mỹ phẩm, và thực phẩm chức năng bệnh nhân đã dùng.

Ngoài ra để xác định bệnh vú to, nam giới có bộ ngực lớn còn cần thực hiện 4 xét nghiệm cần thiết sau đây:

  • Nồng độ các hormone sinh lý nam giới như Estradiol, Testosterone, LH, FSH, Prolactin, TSH;
  • Chức năng gan, thận và bilan lipid máu;
  • Siêu âm tuyến vú;
  • Chụp nhũ ảnh (Mammography).

Trên thực tế, hơn 50% ca vú to không tìm ra nguyên nhân mặc dù bệnh nhân đã làm đủ các xét nghiệm sinh học. Có trường hợp bệnh nhân nam phát hiện ngực to dần lên nhiều năm, khi đến khám được xác định ngực đã lớn đến mức độ 3, tuy nhiên các kết quả xét nghiệm nội tiết và tế bào học vẫn nằm trong giới hạn bình thường.

4. Điều trị bệnh vú to ở nam giới

Nhìn chung, tình trạng vú to nam “sinh lý”, hoặc do tác dụng phụ của các chất sẽ tự biến mất theo thời gian, sau khi đã ngưng dùng thuốc hoặc thực phẩm gây ảnh hưởng. Ngược lại những trường hợp vú to nam bệnh lý thì cần phải được điều trị theo nguyên nhân gốc.

Trong giai đoạn sớm, khi nhu mô vú chưa thành sẹo, có thể dùng ba nhóm thuốc dưới dạng uống, kem bôi và tiêm bắp, điều trị nội khoa kéo dài như sau:

  • Thuốc bổ sung hormone nam testosterone nhằm bù lại lượng thiếu hụt;
  • Thuốc điều hòa thụ thể estrogen, có thể kể đến kháng oestrogen tamoxifen (Nolvadex) và raloxifene (Evista);
  • Thuốc ức chế enzym chính sinh tổng hợp estrogen aromatase là anastrozole (Arimidex).

Tuy nhiên cho đến nay, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa thống nhất cho phép bất kỳ một loại thuốc nội khoa nào đặc trị tình trạng vú to ở nam giới. Đối với những trường hợp nam giới có bộ ngực quá lớn, biện pháp phẫu thuật cắt bỏ mô vú thừa là lựa chọn chung trên toàn thế giới hiện nay. Quá trình mổ tuy khá đơn giản nhưng lại có hiệu quả cao, ít biến chứng và bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.

Tóm lại, bệnh vú to ở nam giới không phải là vấn đề ở chính tuyến vú mà chỉ là biểu hiện của mất cân bằng nội tiết sinh lý nam giới hoặc những rối loạn chuyển hóa toàn thân khác. Mặc dù không mấy nguy hiểm và có thể tự khỏi ở một số trường hợp, nhưng các bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ đôi khi sẽ chỉ định bệnh nhân nam mang bộ ngực nữ can thiệp ngoại khoa để giải quyết hình dáng phản cảm, tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt và tâm lý tự ti, làm giảm chất lượng sống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe