Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em

Bài viết bởi Bác sĩ Nguyễn Thị Tâm - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Viêm tiểu phế quản là bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính của các phế quản cỡ nhỏ và tận gọi là tiểu phế quản. Tình trạng này làm tắc nghẽn các tiểu phế quản. Khi bị bệnh các tiểu phế quản bị viêm, sưng, phù nề tiết ra nhiều dịch nhầy làm cho đường thở trẻ bị chít hẹp gây ra khó thở, thậm chí tắc nghẽn do các chất nhầy dẫn đến xẹp phổi.

1. Tác nhân gây bệnh viêm tiểu phế quản

Tác nhân thường làm cho trẻ bị viêm tiểu phế quản là các virus, đứng đầu là do virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial virus - RSV) chiếm 50-80% các trường hợp mắc bệnh, có khả năng gây thành dịch do: RSV có thể sống 30 phút trên da người, 6-7 giờ trên đồ vật hoặc quần áo, vài ngày trong giọt chất tiết lớn bắn ra từ mũi miệng người bệnh và trong không khí. Có thể do Virus cúm và á cúm, Adenovirus, Rhinno virus,...

Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông, đầu mùa xuân.

Các đường lây:

  • Cách lây truyền nhiều nhất qua các giọt nước bọt, chất tiết lớn bắn ra từ mũi miệng người bệnh và trong không khí
  • Lây từ trẻ này sang trẻ khác qua bàn tay người chăm sóc và khi tiếp xúc bề mặt bị nhiễm (đồ chơi, quần áo trẻ bị bệnh).

Viêm tiêu phế quản lây truyền qua đường giọt bắn từ người mang bệnh
Viêm tiêu phế quản lây truyền qua đường giọt bắn từ người mang bệnh

Yếu tố nguy cơ:

2. Các dấu hiệu để phát hiện trẻ bị viêm tiểu phế quản

  • Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ < 2 tuổi, đặc biệt 3 đến 6 tháng tuổi.
  • Trẻ có triệu chứng viêm đường hô hấp trên 2-3 ngày trước đó: Sốt nhẹ, ho, sổ mũi.
  • Sau 3-5 ngày: ho nhiều hơn kèm khò khè, có thể khó thở, thở nhanh, co lõm ngực.
  • Trường hợp nặng có thể bỏ bú, tím tái...
  • Triệu chứng toàn thân có thể sốt cao, quấy khóc, ly bì.

Hầu hết trẻ bệnh tự hồi phục trong khoảng 10 ngày, ho giảm dần và khỏi. Một số trẻ có thể bị ho kéo dài.


Trẻ bị sốt và ho trong thời gian đầu mắc bệnh
Trẻ bị sốt và ho trong thời gian đầu mắc bệnh

3. Dấu hiệu cần phải nhập viện khi trẻ bị viêm tiểu phế quản nặng

Một số trẻ có nguy cơ cao bị bệnh nặng: Trẻ sinh non, nhẹ cân, trẻ < 3 tháng, trẻ có bệnh bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch, trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, trẻ sống trong môi trường đông đúc, chật hẹp, điều kiện kinh tế xã hội thấp.

Trẻ bệnh nặng cần phải nhập viện khi:

  • Có dấu hiệu: bú kém, tím tái, không uống được, ngủ li bì khó đánh thức, khó thở, thở nhanh, co lõm lồng ngực.
  • Có yếu tố nguy cơ cao.
  • Có các biến chứng: Suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi, viêm tai giữa.

4. Chăm sóc trẻ viêm tiểu phế quản tại nhà:

Trẻ viêm tiểu phế quản không có biến chứng, không có yếu tố nguy cơ có thể chăm sóc tại nhà:

  • Bú mẹ, ăn uống đầy đủ, ăn ít một để tránh bị nôn trớ, uống nước nhiều để làm loãng đờm
  • Làm thông thoáng mũi bằng nhỏ nước muối sinh lý để trẻ dễ thở, bú tốt
  • Uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ . Không tự ý dùng thuốc vì có thể có hại cho trẻ nếu dùng không đúng.
  • Tránh khói bụi, thuốc lá. Khói thuốc có thể làm trẻ bệnh nặng thêm và dễ bị hen sau này.
  • Cần phát hiện dấu hiệu nặng lên để cho trẻ tới cơ sở y tế khám bệnh.

Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc để tránh mắc các bệnh về hô hấp sau này
Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc để tránh mắc các bệnh về hô hấp sau này

5. Điều trị viêm tiểu phế quản tại bệnh viện:

Chống suy hô hấp:

  • Bồi phụ nước điện giải, phòng và điều trị mất nước
  • Điều trị triệu chứng
  • Điều trị nguyên nhân

Các phương pháp tổng quát: Không có điều trị đặc hiệu, điều trị chủ yếu là hỗ trợ chống suy hô hấp:

  • Làm thông thoáng đường thở: buồng thoáng mát, tư thế trẻ đầu cao khoảng 30 độ, hút đờm dãi.
  • Oxy liệu pháp: thở Oxy đã được làm ẩm, mục đích thở Oxy là duy trì SpO2 >95%, trẻ hết tím tái và khó thở.
  • Bồi phụ nước và điện giải: uống nhiều nước (có thể cho uống Oresol) để bù lại lượng nước và điện giải đã mất do sốt cao, thở nhanh, nôn, ăn kém. Nếu cần có thể truyền dịch đường tĩnh mạch.
  • Đặt nội khí quản, thông khí nhân tạo nếu có suy hô hấp nặng, ngừng thở, toan máu.

Thuốc:

  • Không sử dụng thường quy thuốc giãn phế quản, corticoides, thuốc loãng đờm. Có thể dùng thử và tùy theo đáp ứng của từng trẻ mới quyết định dùng tiếp hay dừng.
  • Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm

Vật lý trị liệu hô hấp:

  • Giải quyết tắc nghẽn mũi họng
  • Kỹ thuật thở ra thụ động và chậm và gây ho

Điều trị viêm tiêu phế quản ở bệnh viện bằng những biện pháp hỗ trợ chống suy hô hấp
Điều trị viêm tiêu phế quản ở bệnh viện bằng những biện pháp hỗ trợ chống suy hô hấp

6. Chăm sóc trẻ bị viêm tiểu phế quản

  • Để bệnh nhân nằm tư thế đúng: Đầu cao
  • Vật lý trị liệu hô hấp: Không cần chỉ định một cách thường quy. Chỉ định chủ yếu khi bệnh nhân có biến chứng xẹp phổi.
  • Hút đờm dãi, thông thoáng đường thở
  • Cho ăn loãng, chia nhỏ bữa ăn
  • Vỗ rung, dẫn lưu tư thế
  • Theo dõi mạch, nhiệt độ, nhịp thở và bão hoà oxy

7. Phòng bệnh cho trẻ:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi chạm vào trẻ
  • Tránh tiếp xúc những người đang ho, cảm lạnh hay đang bị sốt đặc biệt trong mùa dịch do RSV, tránh chỗ đông người
  • Không chơi chung đồ chơi với trẻ đang bị bệnh
  • Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa
  • Tránh khói thuốc, khói bụi và môi trường ô nhiễm
  • Nuôi trẻ đúng phương pháp và nuôi bằng sữa mẹ
  • Tiêm phòng đầy đủ để tăng sức đề kháng cho trẻ

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe