Viêm tai giữa là một căn bệnh thường gặp trẻ em. Khi trẻ em bị viêm tai giữa, nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời và chăm sóc đúng cách có thể khiến cho bệnh tái phát nhiều lần, dẫn đến những biến chứng về sức khỏe. Vậy bệnh viêm tai giữa ở trẻ có nguy hiểm không?
1. Bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Bệnh viêm tai giữa có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi khác nhau, nhưng bệnh thường gặp nhất là ở trẻ nhỏ, đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi. Nếu không được điều trị triệt để, bệnh viêm tai giữa ở trẻ có thể tái đi tái lại nhiều lần và dẫn tới những biến chứng khác.
Viêm tai giữa xảy ra khi tất cả hệ thống xương chũm và hòm nhĩ bị viêm nhiễm. Khi mắc bệnh, bên trong hòm nhĩ của trẻ sẽ có dịch, dịch này có thể là dịch vô trùng hoặc nhiễm trùng. Bệnh viêm tai giữa thường gặp vào thời điểm giao mùa hoặc vào mùa mưa.
Viêm tai giữa ở trẻ em nói chung được chia thành 2 loại như sau:
- Viêm tai giữa cấp tính thường xảy ra một cách đột ngột và gây ra tình trạng đau tai do tai giữa bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển sang viêm tai giữa có mủ, thậm chí gây ảnh hưởng đến mũi và gây mất thính lực.
- Viêm tai giữa mạn tính thường xảy ra sau khi các đợt viêm tai giữa cấp tính không được điều trị triệt để. Hiện tượng niêm mạc tai giữa bị tổn thương càng ngày càng nghiêm trọng và có thể dẫn tới tình trạng chảy mủ bên trong tai.
2. Bệnh viêm tai giữa có nguy hiểm không?
Viêm tai giữa là bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng hướng. Sau khi điều trị, tình trạng nghe kém của trẻ có thể phục hồi hoàn toàn. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải trang bị đầy đủ kiến thức về bệnh viêm tai giữa và đưa trẻ đi khám sớm nhằm hạn chế dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho trẻ.
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng với tai mà nguy hiểm hơn là biến chứng ở não.
Viêm tai giữa xảy ra ở trẻ sơ sinh sẽ khiến cho khả năng nghe của trẻ kém đi. Trẻ không thể nghe rõ những gì mọi người nói nên khó có thể nói theo được. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa ở trẻ, bao gồm:
- Viêm tai giữa mạn tính có/không có cholesteatoma.
- Viêm xương chũm cấp
- Viêm mê nhĩ
- Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
- Biến chứng nội sọ như viêm màng não, áp xe não có thể nguy hiểm tới tính mạng.
- Xơ nhĩ
- Xẹp nhĩ
3. Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Ở trẻ em, khi bị viêm tai giữa thường có các triệu chứng sau:
- Trẻ bị sốt cao có thể lên tới 39 - 40 độ C.
- Trẻ quấy khóc, bỏ bú, ăn kém, nôn mửa kèm theo co giật.
- Trẻ lớn hơn biết nói sẽ kêu đau tai và trẻ nhỏ sẽ ra hiệu bằng các dấu hiệu như lắc đầu, dùng tay dụi lỗ tai.
- Cùng với đó, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa như phân lỏng, đi ngoài nhiều lần và xuất hiện kèm với sốt.
Khi trẻ em có các biểu hiện như sốt, nôn mửa, tiêu chảy cần được thăm khám kỹ càng để kịp thời phát hiện được bệnh viêm tai giữa cấp nếu có.
Nếu phụ huynh không phát hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời, bệnh viêm tai giữa sẽ nhanh chóng chuyển biến nặng gây vỡ và chảy mủ ra ngoài tai bởi màng nhĩ bị thủng. Lúc này, trẻ sẽ có thể có các biểu hiện như là:
- Trẻ giảm sốt, ăn uống tốt hơn, giảm quấy khóc.
- Tình trạng rối loạn tiêu hóa giảm, trẻ đi vệ sinh bình thường.
- Tình trạng đau tai giảm.
Khi thấy các dấu hiệu này, không ít bậc phụ huynh cho rằng bệnh của trẻ đã thuyên giảm. Nhưng thực chất, đây lại là các dấu hiệu cho thấy bệnh đang chuyển sang giai đoạn mạn tính với triệu chứng điển hình là chảy mủ. Nếu không kịp thời điều trị, bệnh sẽ chuyển sang viêm tai giữa mạn tính hoặc viêm tai - xương chũm mạn tính và nguy cơ xảy ra các biến chứng rất cao.
Chính vì vậy, các bậc phụ huynh khi chăm con nhỏ cần chú ý:
- Khi trẻ có dấu hiệu bệnh lý mũi họng, cần đưa trẻ đi khám để điều trị sớm phòng lây lan lên tai.
- Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ viêm tai cần đi khám ở phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác.
- Nếu trẻ hay bị viêm tai giữa cấp, cần tìm hiểu nguyên nhân gây để xử lý một cách triệt để như là bệnh lý viêm amidan, viêm VA, viêm mũi họng, trào ngược dạ dày - thực quản.
- Cần tạo cho trẻ một sức khỏe tốt thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ tập thể dục đều đặn, cùng với một môi trường sống lành mạnh chính là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.