Bài viết được tham vấn y khoa bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Huỳnh An Thiên - Bác sĩ Nội thần kinh, Khoa Khám bệnh & Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Viêm não tự miễn là một căn bệnh mới xuất hiện và thường bị nhầm tưởng với các bệnh như rối loạn tâm thần hay thần kinh. Để giúp bệnh viêm não tự miễn hồi phục hiệu quả, người bệnh cần được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.
1. Tìm hiểu về bệnh viêm não tự miễn
Đây là một dạng viêm não xuất hiện khi hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động bất thường, tấn công nhằm vào thụ thể N-methyl-D-aspartate (NMDA) ở bề mặt tế bào thần kinh. Bệnh viêm não tự miễn là căn bệnh hiếm gặp có diễn biến phức tạp và có nguy cơ gây ra những thay đổi nhanh chóng về sức khỏe thể chất và tinh thần.
Có một số trường hợp, viêm não tự miễn xuất hiện do có liên quan đến hội chứng cận ung thư. Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra căn bệnh này vẫn đang được các chuyên gia nghiên cứu và chưa có kết quả chính xác. Thông qua các khảo sát trước đó, có thể thấy rối loạn tự miễn này xảy ra ngẫu nhiên, không có liên quan đến yếu tố di truyền.
2. Các dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não tự miễn
Quá trình xuất hiện bệnh có thể gây ra các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh và tâm thần. Mỗi người bệnh mắc viêm não tự miễn sẽ thường có các biểu hiện khác nhau.
- Một số dấu hiệu điển hình liên quan đến thần kinh cần quan tâm đến như: Suy giảm nhận thức và trí nhớ, xuất hiện những cử động bất thường, co giật, có những vấn đề về việc giữ cân bằng, khả năng giao tiếp hoặc thị lực bị ảnh hưởng, tay chân yếu dần đi, khó ngủ...
- Một số dấu hiệu điển hình liên quan đến tâm thần cần quan tâm đến như: Thích gây hấn, xuất hiện các cơn hoảng loạn, hưng phấn hoặc sợ hãi quá mức, hội chứng catatonia, ám ảnh cưỡng chế, có hành vi tình dục bất thường, rối loạn tâm thần, ảo giác, ảo tưởng,.....
Trong 2 tuần đầu, biểu hiện tiêu biểu của bệnh sẽ đi kèm các triệu chứng tâm thần như: kích động, mất ngủ, có hành vi bất thường, lo âu, ảo thị (nhìn thấy vật thể lạ, người lạ..), giảm trí nhớ, ảo thanh (nghe tiếng nói trong tai, nghe âm thanh lạ...). Từ những triệu chứng trên, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị tại chuyên khoa tâm thần.
Bắt đầu từ tuần thứ 3 trở đi, bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng như: lơ mơ, co giật, không tiếp xúc với người xung quanh, nhai miệng liên tục làm tổn thương môi và lưỡi, gồng cứng chân tay, tay chân có các cử động bất thường liên tục. Các biểu hiện này sẽ là cơ sở chứng minh bệnh nhân không phải bị tâm thần mà là dấu hiệu của viêm não. Trường hợp diễn tiến nhanh, bệnh nhân sẽ bị thở yếu, cần có sự hỗ trợ từ máy thở. Trong giai đoạn này, người bệnh cần thực hiện chụp phim cộng hưởng từ (MRI) não và xét nghiệm dịch lấy ra qua chọc dò thắt lưng (dịch não tủy) có thể ghi nhận có bất thường.
Những dấu hiệu của bệnh thường sẽ có sự tiến triển nhanh chóng có thể chỉ sau vài tuần hoặc thậm chí là vài ngày. Khi bệnh trở nặng có thể gây mất ý thức, thậm chí là hôn mê ở người bệnh. Vì đây là căn bệnh xuất hiện khá đột ngột nên cần được phân biệt với các vấn đề về tâm thần lâu dài, đã diễn ra từ nhiều tháng hoặc nhiều năm.
3. Viêm não tự miễn được chẩn đoán như thế nào?
Bệnh viêm não tự miễn được chẩn đoán chính xác nhờ vào sự phối hợp của nhiều chuyên khoa như xương khớp, tâm thần, thần kinh,... Các chuyên khoa này sẽ xem xét kỹ lưỡng về tiền sử bệnh của bệnh nhân sau đó thực hiện khám lâm sàng và làm các xét nghiệm chuyên sâu
Một số xét nghiệm chuyên sâu như: siêu âm bụng cũng được thực hiện để loại trừ khả năng có một khối u liên quan; chụp MRI não và đo điện não đồ (EEG) giúp đo sóng não; chọc dò tủy sống để tìm kháng thể, bao gồm cả kháng thể NMDA. Trước khi đưa ra kết luận chẩn đoán viêm não tự miễn, bác sĩ sẽ cần phải loại từ những nguyên nhân gây ra viêm não khác ví dụ như nhiễm trùng.
4. Bệnh viêm não tự miễn hồi phục như thế nào?
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau. Hiện chưa có phác đồ điều trị chuẩn cho bệnh viêm não tự miễn hồi phục. Bệnh nhân sẽ được chỉ định phối hợp nhiều phương thức điều trị miễn dịch như: sử dụng thuốc ức chế miễn dịch; thay huyết tương; truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch. Trong trường hợp bệnh nhân có bướu quái thì sẽ được chỉ định cắt bướu quái tại bệnh viện chuyên khoa.
Thuốc điều trị chính là corticosteroid và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác. Những loại thuốc này sẽ có công dụng kiểm soát tình trạng viêm não. Bên cạnh đó, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc kiểm soát triệu chứng, ví dụ như thuốc chống co giật hoặc các triệu chứng tâm thần.
Trong trường hợp có khối u xuất hiện và chèn ép hệ thần kinh thì việc thực hiện phẫu thuật loại bỏ sẽ giúp cải thiện đáng kể cho người bị viêm não tự miễn. Sau khi các vấn đề viêm não được kiểm soát thì người bệnh cần được tiến hành phục hồi chức năng lâu dài như trị trị liệu về thể chất, ngôn ngữ (giao tiếp)... để giúp họ lấy lại các chức năng ban đầu. Trường hợp trẻ em và người trẻ tuổi sẽ có khả năng phục hồi thần kinh khá tốt. Quá trình phục hồi có thể kéo dài trong vài tháng. Những cải thiện đầu tiên có thể thấy được là khả năng vận động và nhận thức, giảm co giật.
Nguy cơ tái phát bệnh viêm não tự miễn ở trẻ em là khoảng 20%. Người bệnh có thể phòng ngừa được nguy cơ tái bệnh trong tương lai phần nào nhờ vào các loại thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như: mycophenolate mofetil, azathioprine và cần theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.