Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hải Hà - Trưởng Đơn nguyên vắc-xin – Khoa Ngoại trú Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Uốn ván hay cách gọi khác là bệnh “phong đòn gánh” là một bệnh nhiễm trùng cấp do ngoại độc tố của vi khuẩn Clostridium tetani gây ra. Ngoại độc tố này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co giật các cơ trên nền cơ căng cứng, có thể gây suy hô hấp-trụy tim mạch, rối loạn thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
1. Bệnh uốn ván lây qua đường nào?
- Vi khuẩn uốn ván thường xâm nhập vào cơ thể con người qua các vết thương bị nhiễm bẩn. Ngoài ra có một số trường hợp mắc bệnh sau khi phẫu thuật hoặc nạo phá thai trong điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
- Đối với trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván là do quá trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ sơ sinh không được chăm sóc và vệ sinh rốn sạch sẽ; băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Từ đó tạo điều kiện để nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn.
2. Bệnh uốn ván có lây truyền trực tiếp từ người sang người hay không?
Bệnh uốn ván không lây truyền trực tiếp từ người sang người và có thể phòng ngừa bằng vắc-xin. Phương thức lây truyền bệnh như sau: Nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, hay do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi xuất hiện trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những nơi không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử và/hoặc các dị vật xâm nhập vào cơ thể bị nhiễm bẩn tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển. Uốn ván sơ sinh cũng thường bắt nguồn từ nhiễm trùng do cắt dây rốn ở trẻ sơ sinh không đảm bảo nguyên tắc vô khuẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc vệ sinh rốn sạch sẽ, gạc băng rốn không vô khuẩn nên bị nhiễm nha bào uốn ván.
Nha bào uốn ván xâm nhập vào vết thương trên da, sinh sôi nảy nở và tạo ra độc tố bám vào đuôi các sợi thần kinh. Chất độc sẽ lan dần vào tủy sống và não. Độc tố ngăn chặn những tín hiệu hóa học từ não và tủy sống đến cơ. Cơ sẽ bị co giật nặng, bệnh nhân có thể ngừng thở và tử vong nếu nhóm cơ hô hấp bị co cứng kéo dài.
Các vết thương có nguy cơ nhiễm uốn ván bao gồm:
- Vết thương hở
- Vết thương nhiễm bẩn, nhiều dị vật
- Vết thương do đạn bắn
- Gãy xương hở
- Bỏng
- Vết thương do phẫu thuật
- Vết cắn của động vật
- Bất cứ dạng vết thương nào (ví dụ như đinh sắt bị rỉ hoặc gai đâm, xăm mình, xỏ khuyên, vết tiêm...);
3. Tiêm uốn ván là gì?
Tiêm vắc-xin phòng uốn ván là phương pháp bảo vệ cơ thể tránh khỏi bệnh uốn ván một cách chủ động có hiệu quả nhất. Vắc-xin phòng uốn ván có tác dụng vô cùng lớn trong việc phòng tránh, ngăn ngừa bệnh uốn ván nguy hiểm. Từ đó tỉ lệ tử vong do căn bệnh này giảm đi. Trong những trường hợp có vết thương, ngoài vắc-xin phòng uốn ván, một số trường hợp cần phải tiêm thêm huyết thanh chống uốn ván (SAT) để bảo vệ cơ thể tốt. Vắc-xin phòng uốn ván giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh uốn ván đối với cả trẻ em và người lớn, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao dưới đây:
- Phụ nữ mang thai, trẻ em
- Trường hợp công nhân vệ sinh môi trường, cống rãnh, nước thải công cộng.
- Những người thường làm việc tại trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
- Người làm vườn, làm việc ở các trang trại, nông trường.
- Công nhân xây dựng công trình.
- Bộ đội, thanh niên xung phong.
Vắc-xin phòng uốn ván có thể là vắc-xin đơn thuần hoặc phối hợp với các bệnh khác như vắc-xin 6 trong 1 (Infanrix hexa, Hexaxim), 5 trong 1 (Pentaxim, CombeFive, Quinvaxem), 4 trong 1 (Tetraxim), 3 trong 1 (Adacel, Boostrix, DPT)... Vắc-xin được khuyến cáo tiêm cơ bản như sau:
- Trẻ em sẽ được tiêm vắc-xin phối hợp phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib vào 2,3,4 và 18 tháng tuổi. Sau đó, trẻ được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt lúc 4-6 tuổi và từ 10-13 tuổi trở lên cho đến người lớn, người già có thể tiêm nhắc vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Phụ nữ có thai lần đầu cần có miễn dịch cơ bản bằng 2 liều vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần cách nhau tối thiểu 1 tháng, liều thứ 2 phải tiêm trước khi sinh ít nhất 1 tháng. Những lần có thai sau, vắc-xin phòng uốn ván được nhắc lại 1 liều cách lúc sinh tối thiểu 1 tháng. Ngoài ra, có thể sử dụng 1 liều vắc-xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván thay thế cho 1 liều vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần, tiêm vào thời kì thai 27 đến dưới 35 tuần để có kháng thể chống ho gà sớm cho trẻ sơ sinh.
- Phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng nên được tiêm phòng uốn ván với 3 liều cơ bản theo phác đồ 0-1-6, nghĩa là tiêm liều 2 cách liều 1 tối thiểu 1 tháng, liều 3 cách liều 2 tối thiểu 6 tháng.
Bên cạnh đó, cứ mỗi 5 - 10 năm bạn phải tiêm nhắc lại một liều để hiệu quả bảo vệ cơ thể đạt tối đa vì vắc-xin ngừa uốn ván không có giá trị phòng ngừa trọn đời. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để tiêm vắc-xin phòng uốn ván. Đối với một số trường hợp có thể chống chỉ định hoặc hoãn tiêm như sau:
- Không tiêm cho trường hợp người bị mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào của vắc-xin.
- Những người có biểu hiện dị ứng với lần trước đó thì lần sau cũng không được tiêm.
- Không tiêm chủng đối với người có dấu hiệu, triệu chứng thần kinh sau khi tiêm các liều trước đó.
- Hoãn lịch tiêm với trường hợp sốt cao hoặc mắc các bệnh cấp tính.
4. Địa chỉ tiêm phòng uốn ván
Hiện nay, tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có thực hiện dịch vụ tiêm vắc-xin phòng uốn ván đơn thuần (vắc-xin phòng uốn ván hấp phụ TT) và vắc-xin phối hợp (6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1, 3 trong 1 được sản xuất bởi hãng GSK của Bỉ và Sanofi Pasteur của Pháp) cho mọi đối tượng theo độ tuổi và cho cả phụ nữ mang thai.
Những ưu điểm khi tiêm phòng tại Vinmec bao gồm:
- Trước khi tiêm vắc-xin, tất cả khách hàng được khám sàng lọc trước tiêm với các bác sĩ chuyên khoa Nhi – vắc-xin để giúp khách hàng đảm bảo sức khỏe tốt khi tiêm chủng. Bác sĩ sẽ tư vấn các loại vắc-xin phòng bệnh phù hợp với từng lứa tuổi theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới cũng như cách theo dõi phản ứng sau tiêm vắc-xin.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ giúp gia đình yên tâm trong quá trình tiêm chủng.
- 100% đối tượng tiêm chủng được theo dõi và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Phòng theo dõi sau tiêm chủng được trang bị đầy đủ các phương tiện cấp cứu; đội ngũ bác sĩ - điều dưỡng được đào tạo về xử trí cấp cứu phản vệ nhằm đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, hệ thống Bệnh viện Vinmec luôn luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng để xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp – ngừng tuần hoàn để đảm bảo cho trẻ được tiêm chủng an toàn nhất.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, với tủ lạnh chứa vắc-xin tại mỗi phòng tiêm là tủ lạnh chuyên dụng vẫn có thể đảm bảo nhiệt độ +2 độ C đến +8 độ C khi mất điện trong vòng 24 giờ, nhằm giữ vắc-xin trong điều kiện tốt để đảm bảo chất lượng.
- Hiện Vinmec đang xây dựng phần mềm có thể kiểm tra lịch sử tiêm của trẻ hoặc đặt lịch nhắc để cha mẹ không quên lịch tiêm chủng của con qua máy tính, điện thoại một cách thuận tiện.
- Thông tin tiêm chủng sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Bác sĩ Nguyễn Hải Hà từng công tác nhiều năm tại Khoa Nhi – Sơ sinh Bệnh viện Thanh Nhàn – Hà Nội và Khoa sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City trước khi đảm nhiệm vị trí là Trưởng đơn nguyên vắc xin thuộc khoa Ngoại trú Nhi bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City như hiện nay
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.