Bệnh u nhú dây thanh quản

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh u nhú dây thanh quản là một bệnh u lành tính ở thanh quản, do quá sản của các gai nhú dưới lớp biểu mô. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, u nhú có thể phát triển mạnh gây tắc nghẽn đường thở, một số ít trường hợp khác có thể phát triển thành u ác tính.

1. U nhú dây thanh quản

Bệnh u nhú dây thanh quản hay còn gọi là papiloma thanh quản là tình trạng tổn thương dây thanh quản và khí quản. Là những u lành tính ở thanh quản, do quá sản của các gai nhú dưới lớp biểu mô, hình thành các u nhó nhỏ và phát triển thành một khối sùi trên bề mặt. Bệnh u nhú dây thanh quản có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, biểu hiện lâm sàng khác nhau.

2. Nguyên nhân gây bệnh u nhú dây thanh quản

Nguyên nhân gây bệnh u nhú dây thanh quản chưa rõ ràng, có thể do virus hoặc do nội tiết,...Tuy nhiên nguồn gốc gây bệnh u nhú dây thanh quản là do virus HPV, phổ biến nhất là chủng virus 6 và 11. Virus HPV có thể gây nên những tổn thương ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể như: Tử cung, âm đạo,...


U nhú dây thanh quản có nguồn gốc từ chủng virus HPV 6 và 11
U nhú dây thanh quản có nguồn gốc từ chủng virus HPV 6 và 11

Bệnh u nhú dây thanh quản có thể lây truyền từ người sang người, thông qua tiếp xúc thân mật. Tuy nhiên, còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch của từng người, chứ không nhất thiết cứ tiếp xúc là bị lây bệnh.

Đối với trẻ em, nguyên nhân do ảnh hưởng từ quá trình sinh nở tự nhiên qua đường âm đạo, nếu người mẹ có nhiễm virus HPV. Đối với người trường thành thì tỷ lệ mắc bệnh ít hơn và phát triển chậm hơn.

Bệnh thường hay tái phát, ngay cả khi khối u sùi đã được cắt bỏ hoàn toàn trước đó. Bởi vì do virus HPV vẫn tồn tại và phát triển mạnh mẽ bất cứ khi nào.

3. Triệu chứng bệnh u nhú dây thanh quản

3.1 Triệu chứng cơ năng

  • Khàn tiếng: Nhẹ, vừa, nặng, thậm chí là mất tiếng. Mức độ khàn tiếng sẽ tăng dần từ từ tùy theo độ lớn của khối u.
  • Viêm khi bội nhiễm: Khó thở thường gặp ở trẻ em. Do khối u sùi phát triển nhiều dẫn tới hẹp thanh môn. Nặng có thể lan xuống khí quản, phế quản thậm chí là nhu mô phổi.

3.2 Triệu chứng thực thể

Triệu chứng thực thể cần nội soi thanh quản thấy:

  • Ở người lớn: Thấy những khối u sùi có khi thành múi trên bề mặt dây thanh quản. U sùi thường thấy ở mặt trên và bờ tự do dây thanh quản.
  • Ở trẻ em: Nội soi thanh quản trực tiếp thấy u sùi thành khối, có hình dạng giống như quả dâu màu hồng hoặc sẫm, mọc rải rác trên dây thanh, thanh thiệt, băng thanh thất, sụn phễu.

Nội soi để chẩn đoán u nhú dây thanh quản
Nội soi để chẩn đoán u nhú dây thanh quản

4. Chẩn đoán bệnh u nhú dây thanh quản

Chẩn đoán bệnh u nhú dây thanh quản có thể xác định nhờ vào sinh thiết. Ngoài ra cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh như: viêm thanh quản mãn tính, lao, giang mai, ung thư,... Do đó, cần làm thêm một số loại xét nghiệm như:

  • Thử mantoux
  • Thử đờm,
  • X-quang phổi
  • Thử phản ứng BW

5. Điều trị u nhú dây thanh quản

Điều trị u nhú dây thanh quản bằng thuốc ít kết quả. Do đó, bác sĩ sẽ điều trị phẫu thuật cắt bỏ u nhú bằng kìm, kéo vi phẫu, cắt hút dưới nội soi hoặc lấy bỏ khối u bằng laser CO­2. Tuy nhiên bệnh u nhú dây thanh quản rất dễ tái phát do không lấy hết khối u.

Trẻ em khi đến tuổi dậy thì thường tự khỏi. Người lớn có thể bị ung thư hoá nếu ở mức độ nặng. Tuy nhiên, không dùng xạ trị để điều trị u nhú vì không có tác dụng và dễ gây ung thư hóa.

Tóm lại, bệnh u nhú dây thanh quản là tình trạng tổn thương dây thanh quản, do quá sản các gai nhú dẫn tới các u lành tính. Tuy nhiên, ở trẻ em bệnh ít có khả năng ác tính như u thường phát triển nhanh, gây bít tắc đường thở, tình trạng nặng có thể lan xuống nhu mô phổi và có thể dẫn tới tử vong. Còn đối với người lớn, u nhú thanh quản có khả năng phát triển trở thành những khối u ác tính, có tính chất khu trú. Do đó, khi thấy có những dấu hiệu như khàn tiếng thì không nên chủ quản mà cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe