Bệnh trĩ ở mẹ sau sinh có thể do nhiều nguyên nhân, như rặn nhiều khi sinh nở, táo bón,... Trong hầu hết các trường hợp, nếu không được can thiệp kịp thời thì bệnh thường sẽ nặng hơn chứ không thể tự khỏi được.
1. Bệnh trĩ là gì?
Bệnh trĩ (hay còn gọi là Lòi dom) là bệnh xảy ra do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch trĩ ở xung quanh hậu môn. Các búi tĩnh mạch này bị giãn, tức là tĩnh mạch trở nên phình to và ứ máu.
Trĩ chủ yếu có 2 loại:
- Trĩ ngoại: Khi búi trĩ xuất phát phía dưới đường lược (hay còn gọi là đường hậu môn-trực tràng), được gọi là trĩ ngoại.
- Trĩ nội: Nếu búi trĩ xuất phát phía trên đường lược thì được gọi là trĩ nội.
Bệnh trĩ chia ra làm 4 cấp độ với biểu hiện và mức độ sa búi trĩ khác nhau:
- Độ 1: đi đại tiện thấy ra máu, búi trĩ vẫn chưa sa ra ngoài.
- Độ 2: Búi trĩ bị sa ra khi đại tiện nhưng tự co lại được.
- Độ 3: Búi trĩ sa ra ngoài, không tự co được mà phải dùng tay đẩy vào.
- Độ 4: Búi trĩ thường trực ở hậu môn, dễ bị nhiễm trùng.
Ở phụ nữ sau sinh, một số dấu hiệu sớm có thể giúp nhận biết bệnh trĩ là:
- Đi ngoài ra máu. Ở giai đoạn đầu, máu xuất hiện với tần suất và số lượng tương đối ít. Phụ nữ có thể vô tình nhận thấy vết máu trên giấy vệ sinh hoặc nhìn thấy tia máu có trong phân. Tuy nhiên, theo thời gian tình trạng chảy máu khi đi đại tiện sẽ xấu dần đi với lượng máu và tần suất tăng lên. Thậm chí bạn có thể cảm nhận rõ ràng tia máu chảy. Hơn thế nữa, máu chảy ra từ búi trĩ nhiều có khả năng bị đông lại trong hậu môn và xuất hiện những cục máu đông khi đi đại tiện.
- Sa búi trĩ. Tùy theo mức độ mà người mẹ sẽ cảm thấy các biểu hiện bệnh khác nhau. Ở mức độ nhẹ, bệnh trĩ thường không nhiều khó khăn đến các sinh hoạt thường ngày. Khi búi trĩ bắt đầu sa ở mức độ 3 trở lên sẽ gây khó chịu cho người bệnh, nhất là khi phải di chuyển nhiều hay bê vác đồ nặng. Người bệnh có thể cảm nhận được là thấy hơi cộm khi ngồi khiến người bệnh không thoải mái.
- Ngứa hậu môn. Đây là một triệu chứng thường thấy khi bị trĩ. Bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và mất tự tin khi gặp mọi người.
- Đau: có thể cảm thấy đau khi búi trĩ bị tắc mạch, nứt kẽ hậu môn.
- Nứt và rát hậu môn. Khi tình trạng bệnh kéo dài mà không có biện pháp điều trị, hậu môn có thể bắt đầu bị nứt và gây cảm giác rát, khó chịu. Điều này cũng khiến bạn dễ bị chảy máu khi đi vệ sinh.
2. Tại sao phụ nữ hay bị trĩ sau sinh?
Nguyên nhân chủ yếu khiến phụ nữ dễ bị bệnh trĩ sau sinh:
- Rặn nhiều khi sinh nở: Trong quá trình chuyển dạ và sinh con, bà bầu rặn nhiều hoặc không đúng cách, tử cung mở to tăng áp lực cho khoang chậu, tụ máu sưng phù phần hậu môn khiến các búi trĩ sa ra ngoài.
- Táo bón: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón của mẹ trong thời gian mang thai cũng như sau sinh, ví dụ như do mẹ bầu ngồi hay nằm nhiều khiến phân lưu lại ruột lâu hơn, tái hấp thụ nước nhiều gây táo bón. Chế độ ăn không phù hợp, ít rau xanh, ít uống nước, bổ sung nhiều canxi,... cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón cho mẹ. Táo bón lâu ngày thường dẫn đến bệnh trĩ.
- Trọng lượng cơ thể của thai nhi: Thai nhi lớn tạo áp lực lên vùng trực tràng hậu môn khiến các tĩnh mạch bị chèn ép, máu khó lưu thông, căng phình lên làm giãn nở các mạch máu hình thành trĩ.
- Đã từng bị trĩ: Đã từng bị trĩ trước khi mang thai khiến bệnh trĩ ở mẹ sau sinh có xu hướng diễn biến nặng hơn và gây chảy máu, thuyên tắc búi trĩ, viêm phù nề búi trĩ. Ngoài ra, trong quá trình mang thai, nồng độ progesterone ở mẹ bầu tăng cao, khiến tĩnh mạch giãn ra và ngày càng ứ máu khiến người đã từng bị trĩ dễ bị tái phát bệnh trở lại.
3. Trĩ sau sinh có tự khỏi không?
Bị trĩ sau sinh không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, trên thực tế, do tâm lý chủ quan, cố gắng chịu đựng mà nhiều phụ nữ khi đến khám đã ở trong tình trạng nặng phải phẫu thuật cắt trĩ.
Do đó, ngay khi có các dấu hiệu sớm của bệnh, mẹ sau sinh nên đi thăm khám tại bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa đánh giá, kết luận về tình trạng của mình cũng như được điều trị sớm thì sẽ hiệu quả hơn, đơn giản hơn.
4. Cách chữa trĩ sau sinh
Để điều trị an toàn và dứt điểm bệnh trĩ sau sinh, ưu tiên hàng đầu là sử dụng các phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn, giảm tối thiểu việc sử dụng thuốc để an toàn cho nguồn sữa mẹ.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh nặng dẫn đến các biến chứng như chảy máu cấp tính, hoại tử búi trĩ, tắc thì bắt buộc phải phẫu thuật (khi trĩ sa độ 4, trĩ vòng, trĩ hỗn hợp tức có cầu nối giữa trĩ nội và trĩ ngoại, búi trĩ không còn khả năng trượt lên trên đường lược bên trong hậu môn được).
Đối với trĩ nội độ 2, 3 và độ 4 và trĩ vòng, các mẹ sau sinh có thể sử dụng Phẫu thuật Longo với ưu điểm ít đau sau mổ, không để lại sẹo sau mổ, thời gian nằm viện ngắn và tỷ lệ tái phát sau mổ rất ít.
Khoảng 85% bệnh nhân có thể đi lại bình thường, tự phục vụ bản thân ngay trong ngày phẫu thuật và có thể xuất viện chỉ 1 ngày sau mổ. Đặc biệt, cắt trĩ theo phương pháp Longo đã cắt nguồn cung cấp máu đến các búi trĩ đồng thời sửa chữa cấu trúc ống hậu môn trở về gần như bình thường. Do đó việc tái phát là rất ít gặp.
Phẫu thuật Longo hiện đang được áp dụng ở hầu hết các trung tâm phẫu thuật tại các nước phát triển và hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc.
5. Mẹ sau sinh nên làm gì để đẩy nhanh quá trình lành trĩ?
Nếu bạn muốn đẩy nhanh việc lành trĩ, bạn có thể làm những điều sau:
- Phòng ngừa hay trị táo bón.
- Bạn nên đi vệ sinh ngay nếu muốn đi đại tiện. Đừng nhịn đi vì sợ đau. Nếu càng để lâu, phân sẽ càng cứng hơn và trĩ sẽ càng nặng hơn.
- Tập bài Kegel để săn chắc cơ vùng đáy chậu.
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.