Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một rối loạn mạn tính, gồm những đặc tính tăng glucose máu, rối loạn chuyển hóa và các biến chứng về thận, thần kinh, tổn thương mắt và các bệnh tim mạch. Đây là một bệnh tiến triển dần dần và kéo dài qua nhiều giai đoạn khác nhau. Vậy bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây!
1. Bệnh tiểu đường type 2 có chữa được không?
Bệnh tiểu đường type 2 có sự tác động qua lại giữa yếu tố gen, yếu tố môi trường và tuổi. Yếu tố có thể can thiệp được là môi trường, chẳng hạn như chế độ ăn, luyện tập thể dục thể thao, các stress.
Nếu mới chẩn đoán bệnh, mức đường huyết chưa quá cao, chưa có biến chứng do đái tháo đường, chúng ta có thể điều trị bệnh tiểu đường type 2 bằng thay đổi chế độ ăn và luyện tập. Cũng tùy mức đường huyết và bệnh lý kèm theo mà bác sĩ quyết định có dùng thuốc không, dùng thuốc gì.... Nhìn chung, bệnh đái tháo đường type 2 có thể kiểm soát bằng chế độ ăn và luyện tập.
Cách tốt nhất để phòng chống các biến chứng về mạch máu, giảm tỷ lệ tử vong, kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh tiểu đường type 2 là duy trì glucose máu gần mức sinh lý.
Trắc nghiệm dành riêng cho người mắc đái tháo đường: Chế độ ăn của bạn đã hợp lý chưa?
Người bị bệnh đái tháo đường cần phải quan tâm nhiều hơn đến cách tính toán khẩu phần ăn sao cho phù hợp với nhu cầu và tình trạng sức khỏe. Nếu chưa rõ, bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông qua bài trắc nghiệm ngắn sau đây.2. Phác đồ điều trị bệnh tiểu đường type 2
Hướng dẫn điều trị này chỉ áp dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 ở giai đoạn không có những bệnh cấp tính, như nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng cấp, hoặc phẫu thuật, hoặc ung thư. Hướng dẫn điều trị này không áp dụng cho người dưới 18 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 2.
2.1. Lựa chọn thuốc và phối hợp thuốc điều trị đái tháo đường type 2
Những điều chú ý khi lựa chọn thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2:
- Tuân thủ các nguyên tắc điều trị.
- Trên thực tế, tùy bệnh cảnh của từng người bệnh mà quyết định phương pháp điều trị. Lúc đầu có thể điều trị không dùng thuốc; nếu không đạt mục tiêu điều trị phải xem xét sử dụng thuốc.
- Thuốc lựa chọn ban đầu của chế độ đơn trị liệu nên dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI), nếu BMI < 23 nên chọn thuốc nhóm sulfonylurea, nếu BMI từ 23 trở lên, nên chọn nhóm metformin.
Những nguyên tắc sử dụng insulin khi phối hợp insulin và thuốc hạ glucose máu bằng đường uống:
- Cần giải thích cho người bệnh hiểu và yên tâm với phương pháp điều trị phối hợp với insulin, hướng dẫn người bệnh cách tự theo dõi khi dùng insulin.
- Chọn bút tiêm hoặc bơm tiêm phải phù hợp với loại insulin (1ml = 100 đơn vị hay 1ml = 40 đơn vị; 1ml = 50 đơn vị insulin).
Chỉ định sử dụng insulin:
- Nếu HbA1C > 9,0% mà mức glucose máu lúc đói > 15,0 mmol/l.
- Người bệnh đái tháo đường kèm mắc một bệnh cấp tính khác; ví dụ nhiễm trùng nặng, nhồi máu cơ tim, đột quỵ...
- Người bệnh đái tháo đường suy thận có chống chỉ định dùng thuốc viên hạ glucose máu hoặc tổn thương gan...
- Người đái tháo đường mang thai hoặc đái tháo đường thai kỳ.
- Người điều trị các thuốc hạ glucose máu bằng thuốc viên không hiệu quả; người bị dị ứng với các thuốc viên hạ glucose máu...
Bắt đầu dùng insulin:
- Thường liều sulfonylurea được giảm đi 50% và chỉ uống vào buổi sáng.
- Liều insulin thường bắt đầu với liều 0,1 UI/kg loại NPH, tiêm trước lúc đi ngủ hoặc
- Ngày hai mũi tiêm với insulin hỗn hợp (insulin mixt), tùy thuộc vào mức glucose huyết tương và/hoặc HbA1c.
Điều chỉnh liều insulin:
- Khi tăng liều sulfonylurea đến mức tối đa hoặc liệu pháp insulin đạt tới mức 0,3 UI/kg mà vẫn không làm hạ được lượng đường trong máu.
- Điều chỉnh mức liều insulin cứ 3-4 ngày/lần hoặc 2 lần/tuần.
2.2. Chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường nên lựa chọn các loại thực phẩm cân đối về chất xơ và chất bột đường nhằm giúp đường huyết luôn ổn định sau ăn. Nên chú ý đến chỉ số đường huyết của thực phẩm (GI) để lựa chọn thức ăn phù hợp cho mình. Chỉ số GI càng cao, thì khả năng làm tăng đường huyết sau ăn càng cao.
- Nên bổ sung nhiều rau xanh, chúng chứa nhiều chất xơ giúp ổn định chỉ số đường huyết.
- Nên ăn những thực phẩm giàu omega-3, như cá hồi, hạt chia, óc chó,... có lợi cho tim mạch.
- Nên sử dụng các loại sữa ít chất béo, có chứa đường palatinose và chất xơ hòa tan, không làm đường huyết tăng nhanh sau khi ăn.
Thực phẩm nên ăn cho người tiểu đường loại 2 bao gồm carbohydrate phức tạp như gạo nâu, lúa mì nguyên chất, quinoa, bột yến mạch, trái cây, rau, đậu và đậu lăng.
Thực phẩm cần tránh bao gồm carbohydrate đơn giản, được chế biến, chẳng hạn như đường, mì ống, bánh mì trắng, bột mì và bánh quy, bánh ngọt, các loại thịt đóng hộp, thức ăn nhanh, gà rán, khoai tây chiên, thịt xông khói. Các thực phẩm chế biến sẵn thường nhiều muối và đường không những làm tăng đường huyết sau ăn mà còn ảnh hưởng chỉ số huyết áp.
Khả năng chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường (đái tháo đường) cho đến nay vẫn còn là một thách thức rất lớn trong y khoa. Nhưng theo nhận định của các nhà khoa học của Đại học Manchester (Vương quốc Anh) vào năm 2014, bệnh tiểu đường type 2 có hy vọng được chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc Tây y và lối sống lành mạnh. Vì vậy, hãy xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp để quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất.
Hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có gói Sàng lọc tim mạch và bệnh tiểu đường, giúp người bệnh phát hiện bệnh kịp thời ngay cả khi không có triệu chứng, từ đó có các biện pháp điều trị phù hợp để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn: Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)