Bệnh tiêu chảy ở trẻ và nguyên tắc điều trị

Bệnh tiêu chảy ở trẻ là tình trạng bệnh lý nguy hiểm ở trẻ em, có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải và sau đó có thể tử vong trong những trường hợp bệnh nặng. Để điều trị bệnh tiêu chảy một cách hiệu quả nhất thì chúng ta cần biết được phân loại bệnh tiêu chảy ở trẻ em cũng như những biểu hiện khác nhau của từng thể bệnh, từ đó có thể phân biệt và điều trị đúng phương pháp.

1. Bệnh tiêu chảy ở trẻ

Bệnh tiêu chảy ở trẻ là bệnh lý khá nguy hiểm, thường hay gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện chính là đi cầu phân lỏng như nước có thể có máu trong phân hoặc không có, trong đó số lần đi cầu lỏng trong ngày của trẻ thường nhiều hơn 3 lần và tình trạng bệnh tiêu chảy ở trẻ có thể diễn ra trong vòng 14 ngày. Bệnh tiêu chảy ở trẻ thường dẫn đến tình trạng rối loạn nước và điện giải, gây ra suy dinh dưỡng và thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy rất đa dạng, trong đó có thể kể đến tác nhân Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, một số loại vi khuẩn và ký sinh trùng cũng có khả năng gây bệnh tiêu chảy ở trẻ như vi khuẩn E. Coli, vi khuẩn Shigella, vi khuẩn Campylobacter jejuni, vi khuẩn Salmonella, hoặc Vibrio cholerae, ký sinh trùng thường gặp là Entamoeba histolytica hoặc Giardia lamblia.


Rotavirus là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ
Rotavirus là nguyên nhân chính gây bệnh tiêu chảy ở trẻ

Con đường lây nhiễm của những tác nhân gây bệnh này vào cơ thể thường là do ăn uống những thức ăn bị nhiễm virus, vi khuẩn hoặc tiếp xúc với những dụng cụ có nhiễm các loại virus, vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ở trẻ em này.

Triệu chứng tiêu chảy ở trẻ em thường gặp trên lâm sàng đó là:

  • Trẻ mệt mỏi, không chơi, chán ăn hoặc bỏ bú;
  • Nôn trớ một cách đột ngột;
  • Đi cầu phân lỏng tóe nước, có thể có nhầy máu trong phân;
  • Có những dấu hiệu của mất nước như kích thích, cơ thể vật vã, mắt trũng...;
  • Có thể có sốt;
  • Bụng chướng;
  • Cũng có những trường hợp trẻ đi cầu phải mót rặn.

2. Phân loại bệnh tiêu chảy

Phân loại bệnh tiêu chảy có thể dựa vào nguyên nhân, chia làm 2 loại chính là tiêu chảy do nhiễm trùng và tiêu chảy không do nhiễm trùng:

  • Tiêu chảy do nhiễm trùng: có tên gọi khác là viêm ruột ở trẻ em, thường do một số nguyên nhân gây ra như lỵ trực trùng, virus, nấm, ký sinh trùng... Ngoài ra, một số bệnh lý khác như nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng da hoặc các bệnh truyền nhiễm cũng có thể dẫn đến những dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy.

Tiêu chảy do nhiễm trùng thường do các loại nấm, ký sinh trùng gây ra
Tiêu chảy do nhiễm trùng thường do các loại nấm, ký sinh trùng gây ra

  • Tiêu chảy không do nhiễm trùng: nguyên nhân của tình trạng này là do trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách, trẻ bị dị ứng với một số loại thực phẩm như đường sữa, sữa bò... hoặc cũng có thể do nguyên nhân thời tiết khiến trẻ bị tiêu chảy.

Ngoài ra, trên lâm sàng thì bệnh tiêu chảy ở trẻ thường được chia làm 3 thể bệnh dựa vào tính chất phân cũng như thời gian diễn ra tiêu chảy ở trẻ như sau:

Bên cạnh phân loại bệnh tiêu chảy ở trẻ em thì khi thăm khám lâm sàng, cần đánh giá thêm phân độ mất nước ở trẻ để khảo sát tình trạng mất nước đang diễn ra trong cơ thể trẻ như thế nào, từ đó có hướng xử lý phù hợp:

  • Mất nước nặng: trẻ li bì, có dấu hiệu của hôn mê, mắt trũng, không thể uống hoặc uống kém, dấu véo da mất rất chậm (thường > 2 giây);
  • Có mất nước: trẻ kích thích, vật vã, mắt trũng, khi đưa nước cho trẻ thì có dấu hiệu uống một cách háo hức, dấu véo da mất chậm (khoảng 2 giây);
  • Không mất nước: trẻ không có những biểu hiện của mất nước nặng hoặc có mất nước.

3. Điều trị bệnh tiêu chảy

Nguyên tắc điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em đó là điều trị tình trạng mất nước ở trẻ, đồng thời sử dụng kháng sinh và xử lý những biến chứng gây ra bởi bệnh tiêu chảy ở trẻ như rối loạn điện giải, rối loạn toan kiềm, suy thận cấp, hạ đường máu, suy dinh dưỡng...


Bổ sung tình trạng mất nước hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em
Bổ sung tình trạng mất nước hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Trong những trường hợp trẻ em có tình trạng mất nước nặng hoặc dẫn đến sốc, co giật, rối loạn điện giải thì cần xử lý tình trạng này sớm nhất có thể, sau đó nếu bệnh nhân có tình trạng hạ đường huyết thì cần cho bệnh nhân uống 50ml nước đường hoặc sử dụng dung dịch Glucose 30% IV truyền tĩnh mạch.

Nếu trẻ có mất nước thì bù nước và điện giải tại nhà như sau:

  • Dùng Oresol 75ml/kg đường uống trong vòng 4 – 6 giờ;
  • Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, không bú mẹ được thì bổ sung thêm 100 – 200 ml nước để bù nước;
  • Trong tình trạng trẻ không uống hoặc uống kém dung dịch Oresol thì đưa đến cơ sở y tế để đặt sonde dạ dày nhỏ giọt;
  • Nếu trẻ khám thấy bụng chướng và nôn liên tục 4 lần/ 2 – 4 giờ, đi cầu liên tục lượng lớn khoảng nhiều hơn 10 lần thì dùng dung dịch Lactate Ringer 75ml/kg truyền tĩnh mạch trong 4 giờ.

Một số kháng sinh có thể sử dụng trên bệnh nhân đi cầu có nhầy máu như Ciprofloxacin, Bactrim khi nghĩ đến vi khuẩn tả hoặc có thể dùng Tetracyclin theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị.

Điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ cũng nên chú ý đến tình trạng dinh dưỡng và vệ sinh ở trẻ, áp dụng một số nguyên tắc sau:

  • Có trẻ ăn đủ chất, tuyệt đối không vì nôn hay đi cầu lỏng mà cho trẻ nhịn ăn vì sẽ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng;
  • Nếu trẻ đang bú mẹ thì tiếp tục cho bé bú, có thể tăng số lần bú trong ngày lên;
  • Nếu trong trường hợp trẻ không bú mẹ thì có thể dùng sữa bột, sữa công thức thường ngày mà trẻ vẫn hay sử dụng và pha loãng để trẻ dễ hấp thu;
  • Nếu trẻ trên 6 tháng tuổi thì có thể bổ sung thêm một số loại thức ăn như thịt nạc, cá... chế biến đúng cách và hợp vệ sinh;
  • Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi vào nhà vệ sinh;

Bé cần rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn
Bé cần rửa sạch tay sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn

  • Thực hiện ăn chín uống sôi;
  • Đảm bảo nguồn nước sạch;
  • Phân thải ra từ trẻ bị bệnh cần được xử lý để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

4. Kết luận

Bệnh tiêu chảy ở trẻ là một bệnh lý rất hay xảy ra trên lâm sàng, khiến trẻ mệt mỏi, gầy sút cân, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Vì vậy, khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh tiêu chảy ở trẻ thì cha mẹ cần đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị bệnh tiêu chảy kịp thời.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe