Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm trên 13 năm trong lĩnh vực khám chữa bệnh Sản phụ khoa.
Nếu bạn đang mang thai và bị thủy đậu (varicella) - một bệnh nhiễm siêu vi rất dễ lây lan gây ra phát ban ngứa, giống như mụn nước - bạn và em bé có thể phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe. Hãy tìm hiểu để có thêm kiến thức bổ ích trong bài viết này nhé!
1. Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu (dân gian thường gọi là trái rạ) là bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp do nhiễm Varicella zoster virus (VZV), thường gặp ở trẻ em. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 tuần.
Triệu chứng lâm sàng thường dễ nhận biết: Sốt, mệt mỏi và nổi bóng nước khắp người, đường kính bóng nước từ 2 – 5mm.
Nhiễm trùng thường không nguy hiểm ở trẻ em. Nhưng 1 đến 2 trong số 10 phụ nữ mang thai (khoảng 10 đến 20 phần trăm) bị thủy đậu có một dạng viêm phổi nguy hiểm.
2. Tần suất bệnh thủy đậu trong thai kỳ
Tại bệnh viện Từ Dũ, hàng năm với hơn 70.000 trường hợp đến khám thai, trong đó có 1 số không nhỏ thai phụ bệnh thủy đậu. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2009 có 11 thai phụ bị thủy đậu.
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau tần suất mắc bệnh thủy đậu nguyên phát (mắc bệnh lần đầu tiên) trong thai kỳ khoảng 5/10.000 – 7/10000, bởi vì hầu hết các thai phụ đã từng mắc bệnh khi còn nhỏ hoặc đã được chủng ngừa trước đó.
3. Bệnh thủy đậu ảnh hưởng trên thai kỳ như thế nào?
Phụ nữ đã từng nhiễm bệnh thủy đậu trước khi mang thai hoặc đã được chủng ngừa bệnh thủy đậu thì được miễn dịch với bệnh này, trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh. Ngược lại nếu mẹ mang thai nhưng chưa từng nhiễm bệnh thủy đậu cũng như chưa được tiêm chủng ngừa bệnh thủy đậu thì khả năng bé khi được sinh ra sẽ bị ảnh hưởng mặc dù không nhiều như một số trường hợp bé có thể bị hội chứng varicella bẩm sinh. Đây là một nhóm các khuyết tật bẩm sinh có thể bao gồm:
- Sẹo
- Vấn đề với cơ bắp và xương
- Cánh tay hoặc chân bị tê liệt hoặc không được hình thành chính xác
- Mù
- Động kinh
- Vấn đề về học tập
- Microcephaly - Đây là một khuyết tật bẩm sinh trong đó đầu của em bé nhỏ hơn dự kiến, so với những em bé cùng giới tính và cùng tuổi.
Chỉ có khoảng 1 hoặc 2 trong số 100 em bé (1 đến 2 phần trăm) có mẹ bị thủy đậu trong 20 tuần đầu tiên của thai kỳ mắc hội chứng varicella bẩm sinh. Bạn có thể làm siêu âm để kiểm tra một số dị tật bẩm sinh do thủy đậu.
Dị tật bẩm sinh rất hiếm khi bạn bị nhiễm thủy đậu sau 20 tuần mang thai. Nhưng em bé của bạn có thể có vấn đề với hệ thống thần kinh trung ương (não và tủy sống) nếu bạn bị nhiễm bệnh trong ba tháng thứ ba của thai kỳ.
Nhiễm trùng sau 20 tuần mang thai cũng có thể gây ra bệnh zona ở em bé trong 1 đến 2 năm đầu đời. Bệnh zona (còn gọi là herpes zoster) là một bệnh nhiễm trùng do cùng loại virus gây ra bệnh thủy đậu. Một người bị bệnh zona có các mụn nước đau đớn thường xuất hiện trên một khu vực nhỏ của cơ thể. Bệnh zona dường như không gây ra dị tật bẩm sinh hoặc nhiễm trùng ở em bé.
4. Cách xử trí khi thai phụ bệnh thủy đậu
Thai phụ cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu hóa, nếu sốt có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol. Giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ những bóng nước vì có nguy cơ bội nhiễm.
Đối với thai phụ nhiễm bệnh thủy đậu diễn tiến nặng có nguy cơ viêm phổi nên bạn cần phải nhập viện và điều trị với thuốc chống virus cao hơn thông qua đường tĩnh mạch.
5. Cách dự phòng
Nếu bạn đã bị thủy đậu trước đó, thì bạn không cần phải làm gì để bảo vệ em bé trong thai kỳ. Cơ thể bạn nên có kháng thể bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh thủy đậu. Do đó, em bé của bạn sẽ được bảo vệ.
Nếu bạn chưa bị thủy đậu trước đây và đang mang thai, bạn có thể được tiêm globulin miễn dịch zoster (ZIG) khi bạn tiếp xúc với người bị thủy đậu. ZIG phải được đưa ra trong vòng 4 ngày kể từ lần tiếp xúc đầu tiên. Điều này chỉ được đưa ra nếu bạn chưa có kháng thể chống thủy đậu.
Bạn có thể chủng ngừa thủy đậu nếu bạn không có kháng thể thủy đậu và bạn không có thai. Bạn phải đợi 3 tháng trước khi cố gắng thụ thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.