Bệnh Scorbut do thiếu vitamin C

Việc thiếu vitamin C có thể dẫn tới sự hình thành khiếm khuyết collagen và mô liên kết, gây ra những vết thâm tím, chảy máu chân răng, xuất hiện đốm đỏ trên da, đau khớp, khiến các vết thương khó lành và gây ra bệnh Scorbut nghiêm trọng.

1. Bệnh Scorbut (Scurvy) là gì?

Bệnh Scorbut là tên của tình trạng thiếu hụt vitamin C. Nó có thể gây ra thiếu máu, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, chảy máu tự phát, đau ở các chi đặc biệt đau ở chân, sưng phù một số bộ phận của cơ thể, đôi khi gây viêm loét lợi và rụng răng.

Đây là căn bệnh mãn tính và được đánh giá là tương đối nghiêm trọng. Hầu như những người biết về căn bệnh này đều cho rằng đây là bệnh của quá khứ, thời các thủy thủ phải lênh đênh nhiều tháng trên biển, sống trong tình trạng khan hiếm trái cây và rau quả tươi. Mặc dù bệnh không phổ biến trong xã hội hiện đại nhưng chúng vẫn tồn tại. Bất cứ ai không nạp đủ vitamin C trong chế độ ăn uống hàng ngày đều có nguy cơ mắc bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh Scorbut

Nguyên nhân gây bệnh Scorbut là do thiếu vitamin C. Thực tế, cơ thể người không thể tự tổng hợp vitamin C cũng như không thể dự trữ vitamin C quá lâu. Chính vì vậy, chúng ta phải thường xuyên bổ sung vitamin C qua chế độ ăn (các loại thực phẩm cũng như đồ uống). Những người không nạp đủ vitamin C trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh Scorbut và gặp phải những triệu chứng, biến chứng nghiêm trọng.


Thiếu vitamin C là nguyên nhân chính gây bệnh Scorbut
Thiếu vitamin C là nguyên nhân chính gây bệnh Scorbut

3. Yếu tố nguy cơ

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Những người thường xuyên bỏ bê, không chăm sóc việc ăn uống của bản thân hoặc ăn uống một cách mất kiểm soát như người nghiện rượu, sử dụng ma túy bất hợp pháp, người già, người bệnh tâm thần.
  • Chế độ ăn kiêng khem: Một số chế độ ăn kiêng, đặc biệt là những chế độ ăn kiêng loại bỏ một số nhóm thực phẩm có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Một trong những chế độ ăn kiêng cực đoan này bao gồm chế độ ăn giàu protein, ít carbohydrate.
  • Tình trạng phụ thuộc: Có không ít người già và trẻ em không được chăm sóc đầy đủ, tử tế.
  • Chế độ ăn kiêng chống dị ứng: Đây là kiểu ăn kiêng nghiêm ngặt được đề ra nhằm mục đích kiểm soát dị ứng.
  • Chứng rối loạn ăn uống: Chán ăn tâm thần (anorexia nervosa), chứng ăn-ói (bulimia nervosa).
  • Hút thuốc: Người hút thuốc lá bị giảm khả năng hấp thụ vitamin C.
  • Người bị bệnh kém hấp thu: Những người này thường gặp khó khăn trong việc hấp thu các dưỡng chất nạp vào cơ thể, trong đó có vitamin C.
  • Trẻ em và trẻ nhỏ: Nếu trẻ em không được bổ sung đầy đủ vitamin theo khuyến cáo thì các bậc cha mẹ cần tìm hiểu những vitamin cần thiết cho trẻ.
  • Người cao tuổi: Không có khả năng nấu ăn hoặc duy trì một chế độ ăn uống khỏe mạnh.

4. Triệu chứng của bệnh Scorbut

Ban đầu, bệnh nhân mắc bệnh Scorbut thường không có biểu hiện cụ thể, rõ ràng như nhiều các căn bệnh khác. Một số bệnh nhân mắc bệnh thường chủ quan cho rằng đây là dấu hiệu của bệnh cảm cúm thông thường.

Các triệu chứng của thiếu vitamin C có thể bắt đầu xuất hiện sau 8-12 tuần. Các dấu hiệu sớm gồm chán ăn, sụt cân, mệt mỏi, khó chịu và thờ ơ. Trong vòng 1-3 tháng, có thể có các dấu hiệu như: Thiếu máu, đau cơ hoặc đau xương, sưng hoặc phù nề, xuất huyết hoặc nhiều đốm nhỏ, màu đỏ do chảy máu dưới da, lông tóc xoắn lại, bệnh về lợi và răng bị rụng, vết thương lâu lành, khó thở, tâm trạng thay đổi và bị trầm cảm.


Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng khó thở
Người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng khó thở

Theo thời gian, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu phù toàn thân, vàng da nặng, hồng cầu bị phá hủy hay còn gọi là huyết tán, chảy máu đột ngột và tự phát, đau thần kinh, sốt, co giật và có thể tử vong.

Trẻ sơ sinh bị bệnh Scorbut sẽ trở nên lo lắng và dễ cáu kỉnh, đồng thời có thể có tư thế chân ếch do bị đau. Sự phát triển của xương dài phần cánh tay và chân thường bị giới hạn, khiến trẻ mắc bệnh còi cọc. Ngoài ra, thiếu vitamin C khiến các mảng tăng trưởng trong xương sớm bị cứng lại. Ở mọi người thuộc mọi lứa tuổi, bệnh Scorbut không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng bao gồm thiếu máu, đau tim hoặc tử vong. Bệnh nhân cũng có thể có xuất huyết dưới màng xương, một loại chảy máu xảy ra ở hai đầu các xương dài.

5. Chẩn đoán bệnh Scorbut

Chẩn đoán bệnh Scorbut sẽ dựa vào các yếu tố sau đây:

  • Kiểm tra thể chất
  • Thu thập thông tin tiền sử bệnh
  • Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số câu hỏi chi tiết về thói quen ăn kiêng hoặc chế độ ăn uống
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra lượng vitamin C và sắt
  • Chụp X-quang khớp ở một số vị trí như đầu gối, cổ tay và xương sườn

6. Điều trị bệnh Scorbut

Phương pháp điều trị căn bệnh này chính là tăng cường bổ sung lượng vitamin C hàng ngày, và cách dễ dàng nhất là qua đường ăn uống. Liều khuyến cáo bổ sung vitamin C hằng ngày như sau: 1-2g mỗi ngày từ 2 đến 3 ngày. 500mg trong 7 ngày tiếp theo. 100mg trong vòng 1 đến 3 tháng.

Nếu điều trị có hiệu quả thì trong vòng 24 giờ, tình trạng xuất huyết dưới da và xuất huyết nướu răng sẽ ngừng lại. Đối với tình trạng đau khớp, đau cơ thì cần một vài tuần để thuyên giảm.


Bổ sung vitamin C hàng ngày bằng thực phẩm giúp điều trị bệnh Scorbut
Bổ sung vitamin C hàng ngày bằng thực phẩm giúp điều trị bệnh Scorbut

Đối với tình trạng thiếu máu do suy dinh dưỡng, người bệnh có khả năng cần phải điều trị bằng cách cải thiện chế độ ăn uống và dùng một số loại thực phẩm chức năng trong thời gian ngắn hạn. Ngoài ra, một số vấn đề khác có liên quan như chứng rối loạn ăn uống hoặc nghiện rượu có thể cần được giải quyết.

7. Chế độ sinh hoạt phù hợp cho bệnh Scorbut

Bệnh Scorbut thể được ngăn ngừa bằng cách bổ sung đủ vitamin C, tốt nhất từ chế độ ăn uống, nhưng đôi khi cần bổ sung thêm qua các thực phẩm chức năng.

Theo đó, cách tốt nhất để có đủ vitamin và khoáng chất là chế độ ăn uống lành mạnh và cân đối. Ngoài ra, có thể bổ sung vitamin C qua thực phẩm như rau xanh, củ quả tươi. Các loại rau có nhiều vitamin C là rau cải, rau muống, rau cần... Các loại quả có nhiều vitamin C là táo, các loại quả có tép như cam, quýt, chanh, bưởi...

Tuy nhiên, bạn nên bổ sung với một lượng vừa phải, bởi nếu bổ sung quá liều vitamin C có thể tạo sỏi oxalat (do dehydro ascorbic chuyển thành acid oxalic), hoặc sỏi thận urat. Ngoài ra, dùng nhiều vitamin C liều cao kéo dài ở thai phụ gây tăng nhu cầu bất thường về vitamin C ở thai nhi dẫn đến bệnh Scorbut sớm ở trẻ sơ sinh.


Người bệnh có thể bổ sung vitamin C thông qua một số loại thực phẩm chức năng
Người bệnh có thể bổ sung vitamin C thông qua một số loại thực phẩm chức năng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe