Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị các triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng để cơ thể nâng cao sức đề kháng chống lại virus, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng nguy hiểm (nếu có) của bệnh.
1. Bệnh quai bị là gì?
Tác nhân gây bệnh quai bị là virus Paramyxovirus. Nhóm họ virus này gồm nhiều tác nhân khác nhau về khả năng gây bệnh; kích thước của họ virus này thường từ 150 - 700nm; trọng lượng phân tử từ 5 - 7.106 daltons, nucleocapsid cuộn nhỏ có đường kính từ 12 đến 18nm.
Bệnh quai bị chỉ xuất hiện ở người và thường gặp nhất ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 6 đến 10 tuổi. Bệnh thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển sang lạnh.
Đây là bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi:
- Người bị nhiễm virus quai bị hắt hơi hoặc ho khi không che miệng.
- Sử dụng chung đồ dùng với người bị nhiễm bệnh.
- Hôn nhau.
Bệnh sẽ lây cho người tiếp xúc một tuần trước khi bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng và có thể tiếp tục lây nhiễm 2 tuần sau đó, thời gian lây mạnh nhất là vào khoảng 2 ngày trước khi có triệu chứng viêm tuyến mang tai.
2. Triệu chứng bệnh quai bị
Các triệu chứng bệnh quai bị thường xuất hiện trong vòng hai tuần sau khi tiếp xúc với virus quai bị. Các triệu chứng đầu tiên xuất hiện có thể giống với triệu chứng của cảm cúm thông thường. Cụ thể:
Thời kỳ ủ bệnh:
- Virus quai bị ủ bệnh từ 14-24 ngày trong cơ thể người bệnh
- Thường không gây ra các triệu chứng lâm sàng.
Thời kỳ khởi bệnh:
- Người bệnh kém ăn dẫn đến suy nhược;
- Cơ thể mệt mỏi, khó chịu;
- Đau đầu và sốt nhẹ, không kèm lạnh run;
- Đau họng, góc hàm, mỏm chũm, khớp thái dương hàm và góc dưới của xương hàm.
Thời kỳ toàn phát:
- Tuyến mang tai sưng to và đau nhức một bên rồi lan sang bên đối diện và tuyến nước bọt khác.
- Sốt cao 38- 40 độ C trong 3 ngày đầu của bệnh.
- Vì đau nên người bệnh thường chán ăn.
Thời kỳ hồi phục:
- Sau 1 tuần, các tuyến mang tai bị sưng giảm đau và nhỏ dần;
- Các triệu chứng như đau họng, khó nuốt giảm và dần dần khỏi.
3. Biến chứng của quai bị
Các biến chứng của bệnh quai bị phổ biến nhất là:
- Viêm tinh hoàn: Tinh hoàn sẽ sưng lên và trở nên đau; mào tinh căng phù; viêm và sốt có thể kéo dài; teo tinh hoàn và có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này.
- Viêm bàng quang: Buồng trứng sưng và đau, có thể để lại di chứng vô sinh ở phụ nữ (hiếm gặp).
- Viêm não - màng não do virus: Khi virus lây lan qua dòng máu và lây nhiễm vào hệ thống thần kinh trung ương của cơ thể (não và tủy sống). Virus quai bị di chuyển lên não và gây nhiễm trùng ở đó thì sẽ dẫn tới viêm não. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng. Người bệnh có thể trải qua những cơn đau đầu dữ dội đột ngột, có thể mất ý thức hoặc co giật.
- Viêm tụy: Đây là một biến chứng nặng của quai bị, bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn và ói, có thể tụt huyết áp.
- Sảy thai: Nếu một người phụ nữ đang mang thai bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì có nguy cơ rất cao sảy thai hoặc sinh con bị dị tật; còn nếu thai phụ bị quai bị trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.
- Mất thính giác: Virus quai bị có thể sẽ xâm nhập đến ốc tai dẫn đến mất thính giác.
4. Điều trị bệnh quai bị
Hiện nay, bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng chống lại virus, phát hiện và xử trí sớm các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Cụ thể:
- Cách ly ít nhất 2 tuần đối với người bị quai bị và yêu cầu người bệnh nghỉ ngơi tại giường.
- Bổ sung nước cho cơ thể (uống 2 lít nước 1 ngày). Tuyệt đối không được uống nước ép trái cây có vị chua vì có chứa thành phần axit nên kích thích các tuyến mang tai, tạo nhiều nước bọt và gây đau.
- Hạn chế thức ăn có chứa thành phần nếp như xôi hay bánh chưng... vì nó sẽ làm cho vùng hàm trở nên sưng to và đau hơn.
- Nên chọn ăn các thức ăn dạng lỏng, mềm, dễ nuốt để không phải sử dụng cơ hàm, tránh đau; bổ sung vitamin C để nâng cao khả năng miễn dịch.
- Không sử dụng nước lạnh và ra gió để tránh làm cho vùng quai bị bị sưng to và nặng hơn.
- Vệ sinh cơ thể, răng miệng sạch sẽ; giảm đau, sưng bằng cách đắp ấm vùng sưng.
- Trường hợp bị viêm tinh hoàn thì cho người bệnh mặc quần lót nâng tinh hoàn để giảm đau, nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Phải phẫu thuật giải áp khi tinh hoàn bị chèn ép quá nhiều.
- Dùng corticoid đúng liều, quan trọng nhất là dùng liều lớn khi khởi đầu (60mg Prednisolon), sau đó giảm dần trong 7-10 ngày.
- Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt chứa thành phần Paracetamol khi có các triệu chứng sốt cao trên 38,5 độ C hay khi đau nhiều ảnh hưởng tới khả năng ăn uống và giấc ngủ.
- Có thể dùng bài thuốc dân gian như: dùng rượu hạt gấc bôi vào vùng bị sưng để giảm triệu chứng sưng đau.
5. Phòng ngừa bệnh quai bị
Tiêm vắc-xin phòng bệnh quai bị: Đây là phương pháp được khuyến cáo trong chương trình tiêm chủng. Để phòng bệnh hiệu quả, cần phải cho trẻ hoàn thành đầy đủ liệu trình tiêm vắc-xin để có thể bảo vệ chống lại bệnh.
Hạn chế tiếp xúc với người bị quai bị, nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang; không ăn uống chung hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang bị bệnh quai bị.
Trong trường hợp đã tiếp xúc với người bị quai bị mà bạn chưa tiêm vắc-xin quai bị hay không có biện pháp bảo vệ thì cần phải tiêm ngay để tránh nhiễm bệnh quai bị. Lưu ý: cần tiêm vắc-xin quai bị không quá 72h sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị.
Cải thiện chế độ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể hằng ngày; giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp để ngăn chặn các virus xâm nhập.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Để đăng ký tiêm phòng, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt hẹn TẠI ĐÂY.
XEM THÊM: