Bài viết được tư vấn chuyên môn cùng ThS.BS Võ Thiện Ngôn - Bác sĩ Ngoại tiết niệu, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Vôi hóa tuyến tiền liệt là căn bệnh có tỷ lệ mắc khá cao ở nam giới tuổi trung niên. Nếu không kịp thời phát hiện, điều trị, bệnh có thể tiến triển nặng, dễ dẫn tới biến chứng viêm tuyến tiền liệt, tắc đường tiểu,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sinh hoạt và đời sống tình dục của bệnh nhân.
1. Bệnh nốt vôi hóa tuyến tiền liệt là gì?
Vôi hóa tuyến tiền liệt còn gọi là sỏi tiền liệt tuyến. Đây là tình trạng lắng đọng canxi tại tuyến tiền liệt, làm bít các túi nhỏ tiết dịch vào niệu đạo, từ đó gây ứ đọng dịch, dẫn tới nhiễm trùng và kết tủa thành vôi. Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên, là một căn bệnh khá lành tính vì những viên sỏi tại tuyến tiền liệt hầu như không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm bệnh thì những viên sỏi có thể gây viêm nhiễm tuyến tiền liệt, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn, có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của nam giới.
2. Nguyên nhân gây bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt
Bệnh nốt vôi hóa tuyến tiền liệt có thể liên quan tới các căn bệnh như phì đại tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt hoặc ung thư tuyến tiền liệt. Nguyên nhân gây vôi hóa thường là:
- Nam giới bị viêm nhiễm đường tiểu nhưng không được điều trị sớm. Lâu dần, cặn vôi lắng đọng nhiều hơn ở tuyến tiền liệt và hình thành nốt vôi hóa;
- Nam giới mắc các bệnh lý khác như carcinoma, phì đại tuyến tiền liệt, sau khi mổ khối u phì đại, sau xạ trị ung thư tiền liệt tuyến,...;
- Nguyên nhân khác: Chế độ ăn uống, vệ sinh thân thể không hợp lý,...
3. Triệu chứng bệnh nốt vôi hóa tuyến tiền liệt
Vôi hóa tuyến tiền liệt thường khó phát hiện bởi bệnh hầu như không có triệu chứng cụ thể ở giai đoạn sớm. Vì vậy, nhiều trường hợp vô tình phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ. Số khác, chỉ khi bệnh đã nặng mới đi khám, phát hiện bệnh.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, những biểu hiện của căn bệnh này gồm:
- Dòng nước tiểu yếu, tiểu khó, tiểu đau, nóng rát khi đi tiểu, tiểu nhiều lần, thường xuyên, hay tiểu đêm;
- Xuất hiện những cơn đau bất thường ở vùng bụng và háng;
- Đau vùng đáy chậu, trực tràng và dương vật;
- Có triệu chứng khó chịu ở dương vật, tinh hoàn;
- Sau khi quan hệ, bị đau khi xuất tinh, tinh dịch chuyển màu vàng nhạt, chỉ chảy ra chứ không xuất tinh mạnh như trước.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh bao gồm: Siêu âm, chụp X-quang, CT scan và sinh thiết tuyến tiền liệt.
4. Bệnh nốt vôi hóa tuyến tiền liệt nguy hiểm không?
- Tăng nguy cơ hiếm muộn: Đối với nam giới, tuyến tiền liệt đóng vai trò vô cùng quan trọng bởi nó làm nhiệm vụ góp phần nuôi dưỡng, sản sinh tinh trùng. Nếu bỏ qua các triệu chứng ban đầu của bệnh, không điều trị sớm thì nam giới có thể phải đối diện với nguy cơ gặp khó khăn trong việc sinh sản sau này. Cụ thể, nếu cục vôi hóa trong tuyến tiền liệt bị nhiễm khuẩn thì dễ gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Tuyến tiền liệt bị sưng, viêm sẽ chèn vào niệu đạo, gây cản trở việc xuất tinh và tinh dịch có màu vàng nhạt. Tình trạng này gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, làm giảm khả năng thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh - hiếm muộn;
- Dễ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm: Nốt vôi hóa tuyến tiền liệt dễ gây viêm tuyến tiền liệt mãn tính, có thể biến chứng thành bệnh phì đại tuyến tiền liệt hoặc thậm chí dẫn tới ung thư tuyến tiền liệt, nhiễm trùng máu. Bên cạnh đó, căn bệnh này cần thời gian điều trị lâu dài nhưng dễ tái phát nên việc điều trị dứt điểm cũng gặp nhiều khó khăn.
5. Phương pháp điều trị bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt
Những nốt vôi hóa trong tuyến tiền liệt là nơi trú ẩn của nhiều loại vi khuẩn, các vi sinh vật, rất khó tiêu diệt hoàn toàn. Các nốt này cũng khó lấy hết hẳn. Nếu những điểm vôi hóa không quá to hoặc quá nhiều thì chúng hầu như không gây trở ngại gì nên đôi khi không cần can thiệp.
Trường hợp khác, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân điều trị theo các phương pháp sau:
- Sử dụng kháng sinh: Là phương pháp điều trị phổ thông cho các trường hợp bị nốt vôi hóa tiền liệt tuyến. Các trường hợp viêm tiền liệt tuyến cấp có thể được chữa lành dễ dàng khi sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, thuốc không có nhiều tác dụng đối với viêm tiền liệt tuyến mãn tính. Ở người bệnh mãn tính, khi dùng thuốc kháng sinh, triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm nhưng khi ngưng điều trị thì bệnh lại tái phát lại. Các kháng sinh liều cao cũng có thể được chỉ định cho bệnh nhân nhưng khả năng lành bệnh không cao và đi kèm với nguy cơ gây độc gan và thận;
- Tiêm thuốc vào tuyến tiền liệt: Là phương pháp điều trị bổ trợ cho dùng kháng sinh đường uống. Việc tiêm thuốc tại tuyến tiền liệt giúp nâng cao nồng độ thuốc điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp lâm sàng cho thấy tiêm thuốc không hoàn toàn điều trị triệt để bệnh vôi hóa tuyến tiền liệt;
- Sử dụng thảo dược: Theo y học cổ truyền, vôi hóa hoặc viêm tuyến tiền liệt đều do nguyên nhân tắc nghẽn nhiệt và tích tụ hàn khí ở phần bụng dưới, bị ứ đọng khí và máu huyết. Việc điều trị bằng các loại thảo dược để triệt hàn, tiêu nhiệt có thể giúp cải thiện bệnh. Với trường hợp bị viêm nhiễm kéo dài, thảo dược lợi tiểu cũng là lựa chọn cần thiết. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này còn chưa được kiểm chứng;
- Trị liệu vật lý: Các bác sĩ sử dụng máy siêu âm làm tăng tưới máu tuyến tiền liệt hoặc massage làm giảm tắc nghẽn, thông các ống tuyến, giúp kháng sinh thâm nhập sâu hơn vào các mô tuyến. Tuy nhiên, phương pháp này có thể làm gia tăng phản ứng viêm, không thể tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh nên đây chỉ là một phương pháp điều trị bổ trợ, không phải là liệu pháp chính;
- Phương pháp khác: Phẫu thuật thông ống tuyến tiền liệt bị tắc hoặc vôi hóa để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
6. Lối sống, sinh hoạt phòng ngừa diễn tiến của vôi hóa tuyến tiền liệt
Khi phát hiện có sỏi hoặc vôi hóa trong tuyến tiền liệt, bệnh chưa gây triệu chứng khó chịu, người bệnh nên tham khảo các biện pháp sau để tránh những biến chứng do bệnh gây ra:
- Duy trì đời sống tình dục thường xuyên và đều đặn để tránh nguy cơ tắc tuyến tiền liệt;
- Hạn chế ăn thức ăn quá nhiều muối hoặc thực phẩm nhiều gia vị cay nóng;
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, không hút thuốc lá hay các chất kích thích,...;
- Nên uống nhiều nước mỗi ngày để hỗ trợ đào thải độc tố ra khỏi cơ thể;
- Thường xuyên rèn luyện cơ thể, luyện tập thể thao để có một cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai. Các bài tập tốt cho vùng xương chậu như đi bộ, tập yoga,... sẽ tốt cho người bệnh;
- Giữ vệ sinh cơ quan sinh dục để tránh nhiễm khuẩn tuyến tiền liệt.
Bệnh nốt vôi hóa tuyến tiền liệt có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, nam giới nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nên kiểm tra nếu có các dấu hiệu cảnh báo để phát hiện bệnh sớm, có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các gói Khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu riêng của quý khách hàng với chính sách giá hợp lý.
Kết quả khám của người bệnh sẽ được trả về tận nhà. Sau khi nhận được kết quả khám sức khỏe tổng quát, nếu phát hiện các bệnh lý cần khám và điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện với chất lượng điều trị và dịch vụ khách hàng vượt trội.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.