Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Nấm Candida có thể gây bệnh ở các lứa tuổi khác nhau và ở cả hai giới. Bệnh thường xuất hiện ở những người có yếu tố nguy cơ như đái đường, chứng khô miệng, tăng tiết mồ hôi, sử dụng corticoid và kháng sinh phổ rộng hoặc suy giảm miễn dịch, bao gồm nhiễm HIV/AIDS.
1. Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
- Nguyên nhân chủ yếu do Candida albicans. Đây là loại nấm men có hình bầu dục, kích thước 2-6 x 3-9 μm, có thể tạo ra tế bào nấm nảy chồi, giả sợi hoặc sợi thực sự.
- Ngoài C. Albicans, Candida bao gồm hơn 100 chủng khác, hầu hết trong số đó không phát triển và gây bệnh trên người. Các chủng khác của Candida như C. tropicalis, C. Dubliniensis, C. Parapsilosis, C. Guilliermondii.. là nguyên nhân gây bệnh cho người, đặc biệt là trong các nhiễm trùng lan tỏa.
2. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh niêm mạc do candida
2.1 Lâm sàng
- Viêm miệng (tưa miệng): hay gặp nhất, xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường biểu hiện nặng ở trẻ nhỏ, phụ nữ cho con bú và người già. Yếu tố thuận lợi là sử dụng kháng sinh, corticoid, sử dụng răng giả, ung thư, điều trị tia xạ, HIV/AIDS.
- Viêm lưỡi giả mạc: biểu hiện có thể cấp và mãn tính. Cấp tính hay gặp ở phụ nữ cho con bú và người già với biểu hiện đốm giả mạc màu hơi trắng, trên nền niêm mạc đỏ, phù nề ở lưỡi, vòm miệng, má, vùng hầu. Triệu chứng cơ năng là rát và bỏng nhẹ. Ở thể mạn tính, tổn thương ít đỏ và phù nề hơn nhưng lan rộng, có thể xuống thực quản.
- Viêm teo: thượng bì miệng mỏng, cảm giác rát bỏng, bóng, phù. Có thể teo, đỏ và loét ở niêm mạc lưỡi. Thể này hay gặp ở người sử dụng răng giả.
- Bạch sản: là đốm, màu hơi trắng với bờ không đều, khó lấy bỏ.
- Viêm góc miệng: vết nứt ở da góc miệng, vảy da trắng, cảm giác đau khi nhai và tổn thương có thể lan ra xung quanh miệng. Yếu tố thuận lợi là suy dinh dưỡng, tăng tiết nước bọt.
- Viêm âm hộ/âm đạo: tiến triển mạn tính. Tổn thương là mảng đỏ có giả mạc trắng, ngứa, có thể kèm mụn mủ ở vùng xung quanh tổn thương, có thể lan xuống vùng đáy chậu. Hay gặp ở phụ nữ có thai, đặt dụng cụ tử cung, sử dụng thuốc tránh thai. Các yếu tố thuận lợi khác là đái đường, béo phì hoặc điều trị corticoid.
- Viêm quy đầu: thường gặp ở người chưa cắt bao quy đầu. Vị trí ở quy đầu và bao da quy đầu. Tổn thương là sẩn đỏ, mụn mủ, tăng tiết, cảm giác kích ứng, đau. Bệnh hay tái phát.
2.2 Cận lâm sàng
- Soi tươi trong dung dịch KOH hay trong tiêu bản nhuộm gram, giêm- sa thấy hình ảnh bào tử nấm men kèm giả sợi.
- Nuôi cấy trong môi trường Sabouraud mọc khuẩn lạc màu trắng hoặc vàng kem, bề mặt bóng, mịn. Nuôi cấy lên men đường để phân lập các loài Candida khác nhau.
- Xét nghiệm PCR: giúp phân loại các loài Candida, tuy nhiên, có thể gặp khó khăn khi trong bệnh phẩm có nhiều hơn một loài Candida.
3. Điều trị
3.1 Nguyên tắc điều trị
- Xác định và loại bỏ các yếu tố nguy cơ là rất quan trọng trong điều trị bệnh niêm mạc do Candida.
- Dùng kháng sinh chống nấm.
3.2 Điều trị cụ thể
- Viêm miệng: Nystatin dạng dung dịch, súc miệng 2-3 lần/ngày. Trong trường hợp nặng có thể dùng kháng sinh chống nấm uống.
- Viêm âm hộ/âm đạo: thuốc chống nấm nhóm azol dạng đặt hoặc dạng kem bôi gồm butoconazol, clotrimazol, econazol, ketoconazol, fenticonazol, miconazol, omoconazol, oxiconazol và terconazol. Thuốc đặt tại chỗ: miconazol hoặc clotrimazol 200mg, đặt âm đạo liều duy nhất, econazol 150mg, đặt âm đạo 1 lần/tối trong 2 ngày. Có thể sử dụng thuốc uongs Fluconazol 150mg, uống liều duy nhất, Itraconazol 100mg x 2 lần/ngày trong 3 ngày.
- Viêm quy đầu: bôi thuốc nhóm imidazole (clotrimazol, ketoconazol, miconazol), terbinafin 2 lần/ngày đến khi hết tổn thương.
+ Trường hợp nặng có thể kết hợp thuốc uống:
Ketoconazol 200mg/ngày, trong 7 ngày;
Fluconazol 150mg/tuần, trong 4 tuần,
Itraconazol 200mg x 2 lần/ngày, trong 4 tuần;
Posaconazol 800mg/ngày, trong 3 tuần...
+ Thuốc đường toàn: Itraconazol 200mg/ngày trong 3 tháng, hoặc 200mg/12 giờ trong 1 tuần/tháng và lặp lại 2 tháng kế tiếp, hoặc Fluconazol 150-300mg/tuần trong 4-6 tuần, hoặc Terbinafin 250mg/ngày trong 3 tháng.
+ Trong trường hợp đáp ứng kém hoặc kháng lại thuốc chống nấm, điều trị Amphotericin B tiêm tĩnh mạch 1 lần, cách nhau 3 ngày, liều ban đầu 0.1mg/kg (với tổn thương khu trú) và 0.7 mg/kg (tổn thương lan rộng và tiến triển). Khi tổn thương đáp ứng thì chuyển sang sử dụng các thuốc như Itraconazol 200mg/12 giờ trong 4 tuần; hoặc Fluconazol 150-300 mg/tuần trong 4 tuần; hoặc voriconazol tiêm tĩnh mạch 4mg/kg/12 giờ; Posaconazol 800 mg/ngày. Nếu nấm Candida kháng thuốc có thể sử dụng liều 70 mg/ngày đầu tiên, tiếp đến 50mg/ngày trong 30 ngày.
Các thuốc kháng sinh chống nấm dùng đường uống có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt đối với gan, thận vì vậy cần xét nghiệm trước khi điều trị để có chỉ định đúng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường về sức khỏe bạn nên thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.