Bệnh nhiễm phong hàn là gì?

Nguyên nhân nhiễm phong hàn là do sự thay đổi thời tiết thất thường và cơ thể không thể thích nghi kịp. Bệnh nhiễm phong hàn thường ở dạng ngoại cảm, nhưng nếu tà nặng và vào sâu trong kinh lạc thì có thể dẫn tới bệnh thương hàn.

1. Bệnh nhiễm phong hàn là gì?

Bệnh nhiễm phong hàn trong Y Học Cổ Truyền rất hay được đề cập với các dấu hiệu gây mệt mỏi, đau nhức cơ thể. Căn bệnh này cũng khá nguy hiểm nếu mắc phải, đặc biệt do thay đổi thời tiết. Bởi vì khi người bệnh bị nhiễm phong hàn xảy ra do tà khí, hàn khí bên ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh cho người nhiễm. Đồng thời, nếu gặp thêm điều kiện khí hậu ẩm ướt thì bệnh có thể tiến triển thành phong hàn thấp.

Bệnh phong hàn thường xuất hiện ở thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường. Tình trạng nhiễm bệnh sẽ khiến cho cơ thể không thích nghi được với môi trường nên dễ nhiễm và sinh bệnh hơn.

2. Nguyên nhân gây nên bệnh nhiễm phong hàn

Nguyên nhân cơ bản có thể dẫn tới nhiễm phong hàn là do nhiễm bệnh từ bên ngoài và trong cơ thể.

Nguyên nhân nhiễm bệnh bên ngoài cơ thể là do bị ảnh hưởng bởi tác động từ môi trường bên ngoài. Chủ yếu là do hàn khí xâm nhập khiến cho cơ thể bị suy nhược, hệ miễn dịch giảm đi và dễ dàng tạo điều kiện bệnh sinh sôi. Các nguyên nhân bên ngoài cơ thể hoặc do khách quan được phân loại như sau:

  • Bệnh phong hàn thường xuất hiện với tình trạng cơ thể bị nhiễm lạnh khi đi mưa hoặc phơi sương, ngâm trong nước lạnh quá lâu. Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh bao gồm các triệu chứng như chảy nước mũi, nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới phù thũng. Một số dấu hiệu khác cũng có thể giúp xác định bệnh phong hàn bao gồm đau xương khớp, thấp khớp...
  • Chứng phong nhiệt thường xuất hiện vào mùa nóng với các triệu chứng như cảm nắng. Tình trạng này thường xuất hiện khi người bệnh tiếp xúc với gió mang nhiệt hoặc không khí khô nóng dẫn tới cảm, sốt, khó chịu....

Nguyên nhân gây bệnh nhiễm phong hàn từ bên trong cơ thể hay chủ quan có thể do tâm lý người bệnh không ổn định, kết hợp với chế độ ăn thất thường khiến cơ thể luôn ở trạng thái mệt mỏi, suy nhược. Ngoài ra, do một số bệnh lý như tăng huyết áp, viêm loét dạ dày tá tràng hoặc bao tử hoạt động kém, ngủ không đủ giấc, ăn không ngon miệng... cũng được xem như yếu tố nguy cơ tăng tình trạng suy nhược cơ thể và nhiễm bệnh phong hàn. Nếu tình trạng sức khỏe của người bệnh mệt mỏi và suy nhược kéo dài có thể dẫn đến các trạng thái bệnh lý khác như rối loạn lưỡng cực, trầm cảm...


Nhiễm phong hàn gây mệt mỏi
Nhiễm phong hàn gây mệt mỏi

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh nhiễm phong hàn

Bệnh nhiễm phong hàn thường xuất hiện các dấu hiệu hoặc triệu chứng như:

  • Cứng khớp, khó trong việc co duỗi và cử động;
  • Nhức mỏi toàn thân, phù thũng ở thắt lưng cũng như các chi dưới;
  • Thường xuyên cảm thấy đau quặn bụng, khó tiêu;
  • Các triệu chứng cảm lạnh như nhức đầu, ho nhiều, ngạt mũi, sốt nhẹ, chảy nước mũi;
  • Đau rát trong người, mệt mỏi khi đi đại tiểu tiện hoặc thay đổi màu nước tiểu/phân/chất thải có thể có mùi hôi khó chịu;
  • Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, chán ăn hoặc ăn không ngon, suy nhược cơ thể.

Bệnh nhiễm phong hàn được xem như cảm mạo thông thường và có thể điều trị ngay tại nhà. Tuy nhiên, nếu sử dụng phác đồ điều trị không phù hợp hoặc dùng thuốc không đúng có thể dẫn tới biến chứng như ho mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi, đau đầu diễn ra dai dẳng, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, tay chân đau nhức, mất cảm giác và sức mạnh.

4. Một số phương pháp chữa bệnh nhiễm phong hàn tại nhà

Hiện nay có khá nhiều phương pháp giúp hỗ trợ chữa bệnh nhiễm phong hàn tại nhà và không cần sử dụng thuốc như sau:

4.1. Điều trị nhiễm phong hàn bằng xoa bóp bấm huyệt

Khi người bệnh có các triệu chứng của nhiễm phong hàn thì cần ở nơi ấm áp, tránh gió. Sau đó, thực hiện xoa bóp và day ấn các huyệt điều trị nhiễm phong hàn như sau:

  • Huyệt thái xung - thuộc Can, có vị trí nằm ở giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ, đo lên khoảng 2 tấc về phía mu bàn chân.
  • Huyệt nội quan thuộc kinh Tâm bào, có vị trí nằm ở mặt trước cẳng tay, từ lằn chỉ cổ tay đo lên 2 tấc.
  • Huyệt Tam lý thuộc kinh vị, nằm ở mặt ngoài của cẳng chân, dưới xương bánh chè 3 tấc và xương mào chày 1 tấc.
  • Huyệt Thận du thuộc kinh bàng quang có vị trí nằm ở vùng thắt lưng từ mỏm gai đốt sống thắt lưng đo ra khoảng 1 tấc rưỡi.
  • Tay phải thực hiện day ấn các huyệt Lao cung, lạc chẩm đồng thời và cùng một lúc. Huyệt Lao cung thuộc kinh bào có vị trí nằm ở kẽ giữa ngón tay giữa và áp út. Còn huyệt lạc chẩm có vị trị nằm ở mu bàn tay các khe liên khớp của ngón giữa và tay trỏ 1 tấc rưỡi về phía mu bàn tay.
  • Bấm huyệt liệt khuyết ở vị trí cổ tay lên 1.5 tấc, đưa 2 bàn tay lên để ngón trỏ và khe ngón tay cái đan chéo nhau, đầu ngón tay trỏ đặt lên đầu xương cạnh của cổ tay kia cũng chính là huyệt liệt khuyết. Thực hiện bấm huyệt liệt khuyết giúp điều chỉnh chức năng phổi, thông kinh mạch, tăng cường khí huyết và giảm tình trạng đau nhức cơ thể.
  • Bấm huyệt phong môn ở vị trí giao nhau của đường thẳng ngoài đốc mạch và đường ngang qua mỏm gai của đốt sống lưng. Thực hiện bấm huyệt phong môn giúp phát tán tà khí, đồng thời đẩy tà khí ra khỏi cơ thể.

Khi bấm huyệt điều trị bệnh nhiễm phong hàn cần thực hiện với thời gian trong khoảng từ 30 giây đến 1 phút với lực ấn vừa phải, sao cho người bệnh cảm thấy đau nhẹ.

4.2. Xông hơi điều trị bệnh nhiễm phong hàn

Khi bị nhiễm phong hàn, người bệnh có thể thực hiện xông hơi để xua đuổi tà khí, giúp cơ thể toát mồ hôi, giải cảm và hỗ trợ cân bằng thân nhiệt một cách hiệu quả.

Nồi nước sử dụng xông hơi cho bệnh nhiễm phong hàn thường bao gồm các thành phần như lá bạc hà, tía tô, kinh giới, chanh, bưởi, tre, sả, cúc tần. Các loại lá này được mang đi rửa sạch, sau đó cho vào nồi cùng với nước đổ ngập và đun sôi.

Sử dụng nước đun sôi này xông toàn thân cho toát mồ hôi, sau đó lau sạch và thay quần áo. Khi sử dụng phương pháp xông hơi chữa nhiễm phong hàn, người bệnh cần lưu ý phải chườm kín người khi xông, tránh gió lùa. Đặc biệt, không được sử dụng phương pháp xông hơi cho trẻ nhỏ để điều trị nhiễm phong hàn.


Xông hơi trị nhiễm phong hàn
Xông hơi trị nhiễm phong hàn

4.3. Áp dụng biện pháp đánh gió với cám gạo rang nóng

Phương pháp đánh gió được sử dụng khá phổ biến trong điều trị phong hàn cổ truyền. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần chuẩn bị một bát gạo tẻ cám và được sao vàng đến khi có mùi thơm. Sau đó, đổ gạo vào một chiếc khăn sạch, cho thêm một vài lát gừng tươi và buộc chặt lại.

Sử dụng túi gạo này đánh gió lên cơ thể theo thứ tự vị trí từ trán, lưng, bàn tay rồi đến bàn chân như sau:

  • Vùng trán: Chà xát ở 2 thái dương rồi di chuyển xuống, thực hiện khoảng từ 20 đến 30 lần;
  • Vùng lưng: Thực hiện chà xát dọc gáy đến 2 bên bả vai rồi xuống lưng, thắt lưng và sống lưng, thực hiện từ 20 đến 30 lần;
  • Vùng tay: Chà xát từ cánh tay đến mu bàn tay khoảng từ 20 đến 30 lần;
  • Vùng chân: Chà xát từ đùi xuống tới cẳng chân và mu bàn chân khoảng từ 20 đến 30 lần.

Sau khi thực hiện đánh gió người bệnh cần được nghỉ ngơi, đắp chăn kín để ra mồ hôi. Sau đó, lau sạch mồ hôi và thay quần áo.

Khi nhiễm phong hàn thường sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hoá của người bệnh khiến cho cơ quan này làm việc kém hiệu quả. Vì vậy, hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ để xây dựng chế độ ăn hợp lý giúp nhanh chóng khỏi bệnh. Trong trường hợp tình trạng trở nên nghiêm trọng hoặc không thuyên giảm, người bệnh nên đến bệnh viện để được bác sĩ điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe