Hỏi
Chào bác sĩ! Mẹ em năm nay 60, bị sa dạ con độ 2 nhưng mẹ hiện đang bị bị tiểu đường. Cách đây 20 năm mẹ em đã từng mổ chửa ngoài dạ. Bác sĩ cho em hỏi em muốn hỏi bệnh nhân tiểu đường có làm được phương pháp treo dạ con không? Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Em xin cảm ơn.
Câu hỏi ẩn danh
Trả lời
Chào bạn.
1. Sa sinh dục
Sa sinh dục là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc thành sau âm đạo và trực tràng.
Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, đẻ không an toàn trong lứa tuổi 40-50 tuổi trở lên. Người chưa đẻ lần nào cũng có thể sa sinh dục nhưng ít gặp hơn và chỉ sa cổ tử cung đơn thuần. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động.
2. Điều trị
Điều trị nội khoa: Ở những bệnh nhân già yếu, mắc các bệnh mãn tính, không có điều kiện phẫu thuật nên vệ sinh hằng ngày và hạn chế lao động.
Có 3 phương pháp có thể áp dụng:
Phục hồi chức năng, đặc biệt là ở tầng sinh môn: Hướng dẫn các bài tập co cơ để phục hồi cơ nâng ở vùng đáy chậu. Phương pháp này có thể làm mất các triệu chứng cơ năng và lùi lại thời gian phẫu thuật. Nếu phải phẫu thuật, thì việc phục hồi trương lực cơ đáy chậu cũng làm hạn chế tái phát sau mổ.
Vòng nâng đặt trong âm đạo: ngày nay ít có chỉ định. Estrogen (ovestin, colpotrophine): Đôi khi có tác dụng tốt với một số trường hợp có triệu chứng cơ năng như đau bàng quang, giao hợp đau, có tác dụng tốt để chuẩn bị phẫu thuật.
Điều trị ngoại khoa: Là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục. Có nhiều phương pháp phẫu thuật trong điều trị sa sinh dục. Mục đích phẫu thuật nhằm phục hồi hệ thống nâng đỡ tử cung, nâng bàng quang, làm lại thành trước, thành sau âm đạo, khâu cơ nâng hậu môn và tái tạo tầng sinh môn.
Phẫu thuật sa sinh dục chủ yếu bằng đường âm đạo hơn là đường bụng. Ngoài cắt tử cung đơn thuần, nó còn tái tạo lại các thành âm đạo, vì vậy phẫu thuật trong sa sinh dục còn mang tính chất thẩm mỹ. Đây là ưu điểm chủ yếu mà phẫu thuật đường bụng không thể thực hiện được.
Các yếu tố có liên quan đến lựa chọn phương pháp phẫu thuật:
- Tuổi và khả năng sinh đẻ sau khi phẫu thuật.
- Khả năng sinh lý tình dục
- Thể trạng chung của bệnh nhân
- Mức độ sa sinh dục
Có nhiều phương pháp phẫu thuật sa sinh dục. Nhưng có ba phương pháp thông dụng là:
- Phương pháp Manchester: Chỉ định chủ yếu cho phụ nữ còn trẻ, muốn có con và sa độ II. Phẫu thuật này cũng có thể áp dụng cho những bệnh nhân già sa sinh dục độ III mà không chịu được một cuộc phẫu thuật lớn.
- Phương pháp Crossen: Chỉ định: sa sinh dục độ III. Cũng như phẫu thuật Manchester, phẫu thuật Crossen chỉ được tiến hành khi cổ tử cung không bị viêm loét.
- Phương pháp Lefort: Đây là phương pháp đơn giản áp dụng cho người già, không còn quan hệ sinh lý, âm đạo cổ tử cung không viêm nhiễm.
Kỹ thuật: khâu kín âm đạo. Ngoài ra, người ta có thể chỉ làm lại thành trước âm đạo, nâng bàng quang, hoặc làm lại thành sau âm đạo và nâng trực tràng.
3. Phòng bệnh
- Không nên đẻ nhiều, đẻ sớm, đẻ dày. Nên đẻ ở nhà hộ sinh hoặc cơ sở y tế đủ điều kiện.
- Không để chuyển dạ kéo dài, không rặn đẻ quá lâu.
- Thực hiện các thủ thuật phải đảm bảo đủ điều kiện, đúng chỉ định và đúng kỹ thuật.
- Các tổn thương đường sinh dục phải được phục hồi đúng kỹ thuật.
- Sau đẻ không nên lao động quá sớm và quá nặng.
- Tránh tình trạng táo bón.
Trường hợp của mẹ bạn, cần phải được bác thăm khám kỹ tại một trong các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để đưa ra kết luận bệnh nhân tiểu đường có làm được phương pháp treo dạ con không. Từ đó có những hướng điều trị với thể trạng của mẹ bạn.
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Trân trọng!
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Nhất Nguyên - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng